Bão số 2 suy yếu, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa to và rất to

Bão số 2 suy yếu, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa to và rất to
  • Khẩn trương ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ

Theo bản tin phát lúc 14 giờ 30 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tính đến 13 giờ ngày 24-6, lượng mưa đo được ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến 50 - 80mm, môt số nơi cao hơn như: Phủ Liễn (Hải Phòng): 133 mm, Cúc Phương (Ninh Bình): 134 mm; Trung tâm Hà Nội: 120 mm, Yên Định (Thanh Hóa): 142; Bái Thượng (Thanh Hóa): 158 mm….Ở đảo Bạch Long Vĩ đã đo được gió mạnh 20m/s (cấp 8), giật 23m/s (cấp 9); Cô Tô (Quảng Ninh) có gió mạnh 15m/s (cấp 7), giật 22 m/s (cấp 9). Vùng ven biển Quảng Ninh - Thái Bình cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp 7, cấp 8.

Hồi 13 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh - Thái Bình khoảng 60km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Đường đi của cơn bão số 2. Ảnh: TTDBKTTVTƯ

Đường đi của cơn bão số 2. Ảnh: TTDBKTTVTƯ

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km, đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 1 giờ ngày 25-6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7.

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 13 giờ ngày 25-6, vị trí trung tâm vùng áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông, trên khu vực thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc Bộ đêm nay còn có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh và có mưa rào và dông mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp 7. Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam ở khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động.

* Huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An và các ngành chức năng đang tập trung khắc phục hậu quả của trận lốc xoáy xảy ra trên địa bàn.

Vào lúc 17 giờ 15 phút ngày 23-6, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão số 2, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đã xảy ra lốc xoáy, gió và mưa lớn, làm nhiều ngôi nhà trên địa bàn bị tốc mái. Trên tuyến đường sắt Bắc Nam đoạn qua xã Quỳnh Hoa và trên Quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Cầu Giát, cột điện và cây xanh đổ ngã, làm ách tắc giao thông; hệ thống điện lưới và điện thoại trên địa bàn nhiều xã bị mất hoàn toàn. Hiện chưa có thống kê cụ thể về mức độ thiệt hại.

Ngay sau khi xảy ra lốc xoáy, ngành đường sắt, giao thông và chính quyền địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương giải tỏa ách tắc giao thông, nhờ vậy giao thông trên tuyến đường sắt Bắc Nam và trên Quốc lộ 1A đã thông suốt. Riêng điện lưới và điện thoại, đến sáng 24-6, trên địa bàn một số xã vẫn còn mất, chưa thể khắc phục.

* Từ trưa ngày 24-6, do ảnh hưởng của bão số 2, tại Thái Bình đã có mưa vừa đến mưa to, gió giật mạnh cấp 6 - cấp 7. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, nhiều khả năng sau khi bão số 2 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, chiều tối mai sẽ đổ bộ vào địa phận tỉnh Thái Bình, dự báo lượng mưa sẽ lên tới 200 - 300 mm.

Tỉnh Thái Bình đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp cấp bách để chủ động đối phó với tình hình mưa bão và áp thấp nhiệt đới. Ban chỉ huy PCLB tỉnh đã kiểm tra trực tiếp tại các địa phương ven biển Tiền Hải và Thái Thụy, đôn đốc, tập trung đủ dụng cụ, vật tư tại các điếm canh; theo dõi các kè, các cống đê xung yếu; thực hiện phương án bảo vệ người, vật tư, hàng hóa, hoa màu ở ngoài bãi và các vùng đê bối, đề phòng lũ lên cao; tổ chức lực lượng ở các địa phương phát quang giải phóng cơ đê, chân đê, mái đê...

Theo thông tin từ Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Thái Bình đến 10 giờ ngày 24-6, trên 1.400 tàu thuyền trong tỉnh với 3.850 lao động đã về neo đậu tránh trú bão, hiện chỉ còn 16 phương tiện tàu thuyền với 124 lao động vẫn đang hoạt động trên vùng biển Cát Bà (Hải Phòng) và Quảng Ninh. Bộ đội biên phòng tỉnh cùng chính quyền các huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy tìm mọi cách thông báo cho các tàu và ngư dân của tỉnh đang làm ăn trên biển về nơi trú ẩn an toàn trước 16 giờ; huy động hàng trăm cán bộ chiến sỹ biên phòng và hàng chục phương tiện thường trực cơ động phòng chống áp thấp nhiệt đới.

Tỉnh thực hiện các phương án bảo vệ an toàn cho ngư dân sinh sống ngoài bãi sông, ven biển, khu du lịch và khu vực nuôi trồng thuỷ hải sản. Đặc biệt, chủ động bảo vệ các công trình đê, kè, cống xung yếu, các công trình đang thi công trên sông, ngoài đê biển; kiên quyết không để người dân còn ở ngoài đê biển khi áp thấp đổ bộ vào; chủ động mở các cống tiêu để tiêu thoát nước trên các trục sông chính, tránh gây ngập úng...

* Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh cho biết: Tính đến 14 giờ ngày 24-6, cơn bão số 2 vẫn chưa gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân của tỉnh.

Ở hầu hết các địa phương, đặc biệt là vùng ven biển có gió nhẹ, mưa rải rác với lượng mưa trung bình khoảng 30 mm. Riêng huyện đảo Cô Tô, thỉnh thoảng mới có gió cấp 5, cấp 6, làm đổ một vài cây ven đường. Lượng mưa trên đảo cũng không lớn nên mọi điều kiện giao thông, thông tin liên lạc, điện chiếu sáng vẫn cơ bản ổn định. Vùng địa đầu Tổ quốc, thành phố Móng Cái đến 14 giờ thời tiết tốt, gió nhẹ cấp 2, ít mưa.

Theo bà Nguyễn Thị Điệt, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố, lượng mưa ít nên các hồ chứa nước của thành phố về cơ bản vẫn chưa đủ để phục vụ vụ sản xuất tới của các địa phương. Ô ng Phạm Đình Hoà, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ Lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: các địa phương nghiêm túc thực hiện công điện khẩn của UBND về phòng chống bão số 2, bố trí trực ban 24/24 giờ theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão để chủ động đối phó và xử lý kịp thời các tình huống. Tỉnh cũng đã chuẩn bị 12 ngàn m3 đá, 90 ngàn bao tải, 3 ngàn rọ thép để đối phó với tình huống xấu xảy ra.

Các địa phương, các ngành vẫn thường xuyên báo cáo về kết quả triển khai phòng chống bão về Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; nắm chắc số lượng và khu vực hoạt động của từng tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ tàu thuyền; rà soát và triển khai các phương án phòng chống mưa lớn gây lũ, ngập úng, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, khu mỏ và các khu đô thị. Các địa phương thực hiện các phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản trên các khu nuôi trồng thủy hải sản, đặc biệt khu vực vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và khu nuôi lồng bè. Hơn 13 ngàn tàu lớn nhỏ và gần 1.000 lồng, bè nuôi thủy sản của tỉnh đã được di dời về nơi neo đậu an toàn.

* Theo thông tin ban đầu, trên địa bàn xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, trận mưa lớn kéo dài đã làm sạt lở đất nghiêm trọng, vùi chết 1 công nhân khai thác quặng sắt của Công ty cổ phần khoáng sản An Thông.

Công nhân của Công ty cổ phần khoáng sản An Thông cho biết: Hàng ngày có rất nhiều công nhân xuống hầm khai thác quặng song do trận mưa to kéo dài nhiều giờ trong ngày 22-6 nên công nhân không đi làm, chỉ có 2 công nhân xuống hầm làm việc khai thác quặng. Trước diễn biến bất thường của thời tiết, người phụ trách nhóm đã đến gọi 2 công nhân về nghỉ. Trên đường về tại một khu đất dốc, bất chợt khối đất đá lớn từ phía trên sạt lở xuống đã vùi chết 1 công nhân. Hiện Công an tỉnh Hà Giang khẩn trương tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.

* Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, lũ quét đã làm 4 người chết và mất tích, cuốn trôi 1 cầu treo của bản Sua Lông mới xây dựng xong trong năm 2010, làm thiệt hại 24 ha lúa thuộc các xã Nậm Khắt, Púng Luông, La Pán Tẩn cùng nhiều tài sản của Nhà nước và nhân dân, ước tính khoảng trên 700 triệu đồng.

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái, huyện Mù Cang Chải đã trực tiếp kiểm tra tình hình, hỗ trợ gia đình có người bị chết và mất tích 4,5 triệu đồng/người đồng thời tiếp tục duy trì lực lượng tìm kiếm cứu nạn tại chỗ để tiếp tục tìm kiếm 3 người đã bị lũ cuốn trôi .

TTX

Tin cùng chuyên mục