Bảo tồn cá quý cho dòng Mekong

Nhiệm vụ... đặc biệt
Bảo tồn cá quý cho dòng Mekong

Sông Mekong có nhiều loài cá khổng lồ sinh sống hơn bất kỳ con sông nào trên trái đất. Cùng với việc đánh bắt liên tục và gần đây, việc xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn đã làm suy giảm nguồn lợi quan trọng này. Để bảo tồn những loài cá quý hiếm trên dòng Mekong, Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ (TTGTSNB) đang thuần dưỡng, lưu giữ và phát triển các loài cá tự nhiên quý hiếm.

Cá hô giống tại Trung tâm giống thủy sản quốc gia.

Cá hô giống tại Trung tâm giống thủy sản quốc gia.

Nhiệm vụ... đặc biệt

Được hình thành vào năm 2006, trên cơ sở của Trại nghiên cứu thủy sản ĐBSCL, TTGTSNB có chức năng nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ sinh sản, chọn lọc, lai tạo giống, nhập nội, thuần hóa giống mới, ứng dụng và phát triển công nghệ nuôi vào sản xuất, chuyển giao công nghệ và khuyến ngư.

Với nhiệm vụ trên, trung tâm đã thực hiện thành công các đề tài nghiên cứu sinh sản nhân tạo hơn 20 loài cá nước ngọt ở Nam bộ, đưa các đối tượng nghiên cứu vào cơ cấu đàn cá nuôi ngày càng phong phú, góp phần chủ động hoàn toàn cá giống để nuôi. Hàng năm, trung tâm đưa ra thị trường 10 – 20 triệu con cá giống các loại trong đó có nhiều loài cá hiếm như chài, éc mọi, duồng…

Tiến sĩ Phạm Văn Khánh, Giám đốc trung tâm cho biết: Hiện nay, đơn vị đang tập trung lưu giữ, bảo tồn, nghiên cứu và nhân giống các loại thủy sản đặc hữu, không chỉ giúp tránh được nguy cơ tuyệt chủng mà còn góp phần giúp nghề nuôi cá nước ngọt tại các tỉnh Nam bộ phát triển mạnh, đúng hướng. Dựa trên kết quả nghiên cứu về sinh học và sinh sản các loài cá nước ngọt, trung tâm đã thiết lập gần 30 quy trình kỹ thuật sản xuất giống các loài cá nuôi ở ĐBSCL. Từ đó, góp phần xây dựng 15 bộ tiêu chuẩn ngành của Bộ NN-PTNT về giống các loài cá nước ngọt, đồng thời nhập nội và thuần hóa 3 loài cá Ấn Độ. Hàng năm, trung tâm còn thực hiện chương trình cấp Nhà nước là “Lưu giữ nguồn gien và giống thủy sản nước ngọt” với kết quả tốt. Qua đó, đã lưu giữ gần 20 loài cá kinh tế và nuôi truyền, đồng thời ứng dụng và phát triển công nghệ trữ tinh đông một số loài cá kinh tế, quý hiếm như cá tra cờ, cá chép... Đặc biệt, trung tâm đã nghiên cứu và cho sinh sản nhân tạo thành công giống cá hô và cá trà sóc, 2 giống cá đặc hữu của sông Mekong đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Bảo tồn cá hiếm

Thạc sĩ Huỳnh Hữu Ngãi, Chủ nhiệm dự án thuần dưỡng tái tạo và phát triển cá hô cho biết: “Cá hô có tên khoa học Catlocarpio siamensis, một trong những loài cá khổng lồ của sông Mekong, được trung tâm thuần dưỡng và cho sinh sản thành công. Mỗi lần kiểm tra sức khỏe hoặc lấy trứng sinh sản, đều phải tiêm thuốc mê chứ bình thường 4 - 5 người không giữ nổi nó”. Hiện tại, đàn cá hô bố mẹ ở trung tâm có 84 con, con lớn nhất nặng hơn 25kg, là một kỳ công của các nhà khoa học. Từ năm 2006, trung tâm đã cung cấp cho các chủ bè và đăng quần ở An Giang, Đồng Tháp 1.000 con cá giống nuôi thử, hiện nay một số con đã đạt trọng lượng khá, phát triển ổn định.

Theo ngư dân sông Tiền, sông Hậu, cá hô có thể đạt trọng lượng hơn 200kg/con. Ở Campuchia, cá hô được bảo vệ nghiêm ngặt và được công bố là loài cá quốc gia, gắn thẻ theo dõi. Trong khi ở Việt Nam thỉnh thoảng ngư dân trên sông Vàm Nao (An Giang) bắt được cá hô khổng lồ và đưa vào… nhà hàng làm thịt. Con cá hô lớn nhất do ngư dân Huỳnh Văn Hổ ở An Giang bắt được trên sông Vàm Nao tháng 4-2002 nặng 153kg và từ đó đến nay chưa có con cá hô nào vượt qua kỷ lục này. Do vậy, chỉ có thuần dưỡng và khuyến khích nuôi trên diện rộng mới có thể ngăn chặn được thảm họa tuyệt chủng của loài cá hô khổng lồ.

Hiện nay, các nhà khoa học ở TTGTSNB đang nghiên cứu những loài cá hiếm quý khác của sông Mekong như cá trà sóc, cá vồ cờ, tiếp tục nghiên cứu những loài đang có nguy cơ vắng bóng như cá sửu, cá ngác, cá lăng, cá kết, chạch lấu, cá bông lau… để tìm cách cho sinh sản nhân tạo và khuyến khích phát triển nghề nuôi. Nếu không làm kịp, trong tương lai không xa, nhiều loài cá quý sẽ dần tuyệt chủng trước đà đánh bắt theo kiểu hủy diệt của con người và việc hình thành hàng loạt thủy điện trên thượng nguồn Mekong.

Trần Minh Trường

Tin cùng chuyên mục