Bảo vệ rừng ngập mặn ở ĐBSCL

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Tại hội thảo quốc tế “Giải pháp thích nghi với biến đổi khí hậu tại vùng ĐBSCL” ngày 24-6 ở Kiên Giang, các chuyên gia trong nước và quốc tế đặc biệt nhấn mạnh: ĐBSCL, vựa lúa của cả nước đang đối mặt với nguy cơ bị tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu. Phải xây dựng một chiến lược thật toàn diện, cụ thể, đặc biệt ưu tiên cho ĐBSCL để ứng phó hợp lý trước nguy cơ này.
Ứng phó với biến đổi khí hậu
  • Công bố khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang

(SGGP).- Tại hội thảo quốc tế “Giải pháp thích nghi với biến đổi khí hậu tại vùng ĐBSCL” ngày 24-6 ở Kiên Giang, các chuyên gia trong nước và quốc tế đặc biệt nhấn mạnh: ĐBSCL, vựa lúa của cả nước đang đối mặt với nguy cơ bị tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu. Phải xây dựng một chiến lược thật toàn diện, cụ thể, đặc biệt ưu tiên cho ĐBSCL để ứng phó hợp lý trước nguy cơ này.

Hiện nay, hàng năm một vùng rộng gần 2 triệu ha đất ở phía Bắc ĐBSCL bị ngập lũ, 1,4 triệu ha ven biển bị xâm nhập mặn, 1,2 triệu ha ở vùng trũng bị nhiễm phèn nặng, 2,1 triệu ha vùng sâu vùng xa bị thiếu nước ngọt. Kịch bản biến đổi khí hậu tại ĐBSCL cho thấy, nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì khoảng 70% diện tích đất ở ĐBSCL bị xâm nhập mặn, mất 2 triệu ha đất trồng lúa. Hàng loạt địa phương bị chìm trong nước. Cụ thể, Bến Tre, Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long… mất từ 40%-50% diện tích… Thời gian ngập úng ở ĐBSCL có thể kéo dài 4-5 tháng, 38% diện tích đồng bằng bị nhấn chìm.

Gia cố đê biển xung yếu tại Gò Công, Tiền Giang. Ảnh: H.PHONG

Gia cố đê biển xung yếu tại Gò Công, Tiền Giang. Ảnh: H.PHONG

TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết: Hiện người dân ĐBSCL đã tìm được một số phương cách sống chung với biến đổi khí hậu như: Điều chỉnh lịch thời vụ, chọn giống cây con có tính kháng chịu tốt các bất lợi thời tiết, trồng cây quanh nhà, tái chế rác thải, nước thải, tiết kiệm nước, thay đổi kiến trúc nhà ở, công trình…

Tuy nhiên, theo ông Jean Henry Laboyrie, Giám đốc dự án-Công ty Tư vấn Hà Lan Royal Haskoning, do mực nước biển dâng và biến động của lưu lượng nước trong sông nên phải nhìn xa hơn nữa vào tương lai. Đối với ĐBSCL, việc bảo vệ, duy trì rừng ngập mặn có thể là một giải pháp tốt. Theo Tiến sĩ Geoffrey Blate, Điều phối Chương trình biến đổi khí hậu (tổ chức WWF khu vực Mekong mở rộng), các hệ sinh thái rộng lớn và đa dạng sinh học tại ĐBSCL làm tăng khả năng chống chịu các tác động do biến đổi khí hậu và giảm rủi ro liên quan đến khí hậu, cần được bảo đảm an toàn. 

Ông Koos Neefjes, Cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc-UNDP tại Việt Nam khẳng định: Hiện các tổ chức quốc tế có thể hỗ trợ tài chính cho vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu hàng năm ở Việt Nam từ 0,5 đến 2 tỷ USD. Do vậy phải có chiến lược hoạt động thật cụ thể để ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu.

Tối 24-6, trong khuôn khổ các hoạt động chính của Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC), tỉnh Kiên Giang long trọng làm lễ công bố Khu Dự trữ sinh quyển thế giới (KDTSQTG) và đón nhận Bằng chứng nhận của Tổ chức Văn hóa-Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO).

KDTSQTG Kiên Giang có tổng diện tích 1.146.079ha, gồm cả vùng biển, đất liền và hải đảo với vùng lõi thuộc các khu vực: VQG U Minh Thượng, VQG Phú Quốc và Bảo tồn biển, Khu rừng bảo vệ cảnh quan Kiên Lương và rừng ngập mặn ven biển. KDTSQTG Kiên Giang có 6 hệ sinh thái đặc thù (thuộc 3 khu vực U Minh Thượng, Quần đảo Phú Quốc và Kiên Lương-Hà Tiên) gồm: Rừng nguyên sinh, rừng thứ sinh; rừng trên núi đá vôi; rừng ngập chua phèn; rừng ngập mặn, rú bụi ven biển; rạn san hô, cỏ biển. KDTSQTG Kiên Giang có khoảng 2.340 loài động, thực vật. Trong đó có 1.480 loài thực vật với 116 loài quý hiếm được ghi trong Sách đỏ và 57 loài đặc hữu. Trong 860 loài động vật, có 78 loài quý hiếm, như: Dugong, sếu đầu đỏ, voọc bạc, rái cá lông mũi, đại bàng đen, già sói, sóc đỏ… và 36 loài đặc hữu như chó xoáy Phú Quốc, chìa vôi vàng, thạch sùng ngón…

KDTSQTG Kiên Giang còn là vùng đa dạng về di sản văn hóa của nhiều thế hệ, dân tộc. Có 38 di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng cấp tỉnh, quốc gia; hàng năm diễn ra khoảng 389 lễ hội dân gian, tôn giáo, lịch sử cách mạng của người Kinh, Khmer, Hoa. Đặc biệt, VQG U Minh Thượng còn là trung tâm của Di tích cách mạng U Minh Thượng với 21 di tích nổi tiếng. Hà Tiên như bức tranh thủy mặc đầy uy nghi với nhiều địa danh đẹp nổi danh như Núi Bình San, đầm Đông Hồ, Mũi Nai, Lăng tẩm dòng họ Mạc. Phú Quốc được ví như Đảo Ngọc với sự trong lành của khí hậu và nhiều bãi biển đẹp… Cộng đồng dân cư trong KDTSQTG Kiên Giang khoảng 500.000 người; sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp. 

Theo ông Bùi Ngọc Sương, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang: Được công nhận là KDTSQTG là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở; trách nhiệm của nhân dân Kiên Giang và của mỗi người khi đến đây. Trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua và định hướng phát triển cho giai đoạn 2011-2015, Kiên Giang luôn nhấn mạnh đến ý nghĩa quan trọng của việc phải bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn thiên nhiên; không chỉ đối với các địa phương khu vực khu dự trữ sinh quyển mà cho cả địa phương khác trên địa bàn tỉnh.

Cùng ngày tại Hội nghị hợp tác xúc tiến ĐBSCL, nhiều đại biểu cho rằng cần quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo đội ngũ xúc tiến chuyên nghiệp trên 3 lĩnh vực thương mại, du lịch và đầu tư cho vùng; liên kết trong xúc tiến, quảng bá hình ảnh chung của ĐBSCL ra thế giới; nghiên cứu phát triển 2 tuyến hành lang thương mại biên giới và kết nối du lịch ĐBSCL với ASEAN trên đường bộ… Lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng đề xuất Chính phủ có cơ chế riêng, hỗ trợ kinh phí, tạo nguồn quỹ xúc tiến cho ĐBSCL; tiếp tục phát triển hệ thống hạ tầng giao thông tại ĐBSCL nối với Campuchia và ASEAN…

B.Đại

Tin cùng chuyên mục