Thiếu chế tài mạnh, khó cải thiện nước kênh Ba Bò

Vẫn phát hiện nước thải công nghiệp chưa xử lý
Thiếu chế tài mạnh, khó cải thiện nước kênh Ba Bò

Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM vừa chủ trì cuộc họp liên quan đến dự án xây dựng hồ sinh học cải tạo nước kênh Ba Bò- vấn đề đã được Báo SGGP đề cập nhiều lần. Để cải thiện tình hình ô nhiễm môi trường tại khu vực kênh Ba Bò, theo các đại biểu dự hội nghị - nhất thiết phải có sự bắt tay chặt chẽ của tỉnh Bình Dương và TPHCM.

Xây dựng hồ sinh học sẽ làm kênh Ba Bò không còn ô nhiễm. Ảnh: Đức Trí

Xây dựng hồ sinh học sẽ làm kênh Ba Bò không còn ô nhiễm. Ảnh: Đức Trí

Vẫn phát hiện nước thải công nghiệp chưa xử lý

Trao đổi với PV Báo SGGP, các chuyên gia môi trường đã không ít lần khẳng định, để giải quyết bài toán thoát nước lưu vực kênh Ba Bò, nhất thiết tỉnh Bình Dương phải thực hiện tốt công tác quản lý nước thải công nghiệp của 3 KCN: Sóng Thần 1, 2 và Đồng An. Về phía thành phố, UBND TPHCM sẽ xây dựng hồ sinh học để xử lý vét và nước thải sinh hoạt của khu dân cư từ Bình Dương đổ xuống. Nhưng khi thực hiện dự án trên vẫn còn nhiều khó khăn do lượng nước thải ra kênh Ba Bò vẫn còn lẫn nhiều chất thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt của các nhà máy chưa được xử lý triệt để- ước hơn 1.000m3 nước thải/ngày đêm.

Trước thực tế đó, UBND TPHCM và UBND tỉnh Bình Dương đã ký kết liên tịch tăng cường phối hợp kiểm soát nước xả thải vào kênh Ba Bò và thực hiện dự án cải tạo kênh Ba Bò. Trên cơ sở đó, Sở TN-MT của 2 tỉnh đã phối hợp kiểm soát để giảm thiểu ô nhiễm kênh Ba Bò. Đến nay, báo cáo của tỉnh Bình Dương cho biết việc cải thiện hiện trạng ô nhiễm môi trường nước kênh đã đạt được một số kết quả nhất định.

Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Thanh Lễ đã thực hiện cải tạo hồ chứa nước trong khu công nghiệp, xây dựng hệ thống cống thu gom và thoát nước mưa mới cho cụm kho. Đồng thời, nạo vét bùn nước thải dưới đáy hồ và xây dựng kè đá xung quanh hồ chứa. Riêng các doanh nghiệp chưa đấu nối nước thải về trạm xử lý nước thải tập trung (KCN Sóng Thần 1 là 25 doanh nghiệp và KCN Sóng Thần 2 là 36 doanh nghiệp) đã được yêu cầu phải đấu nối.

Tại KCN Đồng An, tỉnh đã phát hiện 3 doanh nghiệp xả trộm nước thải trực tiếp ra kênh Ba Bò và đã có văn bản yêu cầu Ban quản lý KCN xử lý. Còn đối với nước thải sinh hoạt thuộc khu dân cư Bình Hòa, Đồng An, tỉnh đang có kế hoạch tổ chức lựa chọn nhà thầu thu gom nước thải để xử lý. Riêng khu tái định cư Sóng Thần và dân cư Xóm Nghèo, UBND huyện Dĩ An đang cho thi công xây dựng tuyến thoát nước dọc ven KCN Sóng Thần. Sau khi tuyến thoát nước này thu gom nước thải hoàn tất, toàn bộ lượng nước thải phát sinh sẽ thoát vào lưu vực suối Nhum, không xả vào kênh Ba Bò.

TPHCM bổ sung thêm hạng mục cho dự án kênh Ba Bò

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế về phía TPHCM cho thấy, mức độ ô nhiễm nước thải trong kênh Ba Bò còn cao, mặc dù có giảm so với trước đó. Tại vị trí cống xả vào tuyến số 2 bắt nguồn từ hồ chứa trong KCN Sóng Thần vẫn còn ô nhiễm nặng (dù hồ chứa này theo báo cáo của tỉnh Bình Dương là đã được cải tạo và chất lượng nước trong hồ rất tốt).

Kết quả trên chứng minh rằng cống thoát nước này không phải bắt nguồn từ hồ chứa mà từ một hệ thống cống ngầm, dẫn nước thải không qua nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN Sóng Thần 1,2. Còn liên quan đến việc khống chế ô nhiễm thì Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM đề xuất Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Bình Dương phối hợp với BQL KCN, đặc biệt là phối hợp với lực lượng cảnh sát môi trường để thanh tra, kiểm tra việc đấu nối nước thải của các doanh nghiệp trong KCN Sóng Thần 1,2.

Mặt khác, xác định thời hạn cuối cùng cho từng doanh nghiệp thực hiện đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý tập trung, tránh tình trạng đưa ra thời hạn chung chung rất khó kiểm tra xử lý. Trường hợp phát hiện 3 doanh nghiệp (Công ty Đại Lộc, Công ty TNHH Lương thực và Nông sản xuất nhập khẩu Thái Bình Dương, Công ty TNHH Cơ khí Động lực) đã xả chui nước thải ra kênh Ba Bò trong KCN Đồng An chưa thực sự răn đe vì xử lý còn quá nhẹ, do vậy để chấm dứt việc xả chui nước thải ra kênh này ngành chức năng cần phải xử lý nghiêm khắc hơn theo Nghị định 117. Có như vậy mới ngăn chặn triệt để tình trạng xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý của nhiều công ty.

* * *

Có thể nói, việc đầu tư bổ sung dự án hồ sinh học trong nỗ lực cải thiện nước ở kênh Ba Bò là giải pháp cần thiết và cấp bách. Nhất là khi việc xử lý nước thải sinh hoạt các khu dân cư từ Bình Dương hiện chưa có dự án và nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đấu nối nước thải. Không dừng lại đó, việc đầu tư hồ sinh học để xử lý nước kênh Ba Bò là nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống người dân khu vực quận Thủ Đức. Do vậy, tỉnh Bình Dương cần siết chặt công tác xử lý doanh nghiệp vi phạm để tạo điều kiện thuận lợi cho TPHCM cải thiện chất lượng môi trường thành phố.

Để chủ động ứng phó với chất lượng nước kênh Ba Bò chưa đảm bảo chất lượng như yêu cầu, trung tâm điều hành chống ngập nước thành phố đã làm việc lại với đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần Thiết kế và đầu tư xây dựng Hà Nội điều chỉnh một số hạng mục trong dự án. Cụ thể, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn sẽ đo đạc bổ sung số liệu quan trắc nước thải đầu vào kênh Ba Bò (nồng độ pH, độ màu, kim loại nặng, phenol, chất hữu cơ khó phân hủy sinh học); bổ sung hạng mục trạm quan trắc tự động chất lượng nước đầu vào, kể cả quan trắc chỉ tiêu nước ngầm; chú ý thêm quá trình vận hành xử lý nước thải vào mùa mưa và xử lý bùn thải; tính toán thời gian khai thác và sử dụng hệ thống.

Minh Xuân

Thông tin liên quan:

>> Thêm hạng mục cải tạo kênh Ba Bò

>> Liên quan đến việc xây hồ sinh học để xử lý nước kênh Ba Bò: Khó khống chế nước thải công nghiệp từ Bình Dương

>> Lập Ban chỉ đạo giám sát xử lý ô nhiễm tại kênh Ba Bò 

>> Khu vực kênh Ba Bò: Ô nhiễm đã lan sang nước ngầm

>> Tình trạng ô nhiễm ở kênh Ba Bò - Nguyện vọng của dân: Nước thải phải được xử lý

>> Dự án cải tạo kênh Ba Bò: Nâng mức đầu tư lên hơn 744 tỷ đồng

Tin cùng chuyên mục