Siêu đô thị và nhu cầu nước sạch

Trước mắt: Ô nhiễm, lâu dài...
Siêu đô thị và nhu cầu nước sạch

Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á vừa tổ chức tại TPHCM đã cảnh báo, TPHCM đang ở ngưỡng một siêu đô thị khi dân số đã ngấp nghé 10 triệu người. Điều đó đồng nghĩa với nguy cơ quá tải về giao thông, nhà ở, nước sinh hoạt và sản xuất…

Xếp thùng chờ đến lượt mua nước tại huyện Nhà Bè (TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG

Xếp thùng chờ đến lượt mua nước tại huyện Nhà Bè (TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG

Trước mắt: Ô nhiễm, lâu dài...

Ngay mùa khô 2010, trên sông Sài Gòn, mặn đã xâm nhập sâu hơn vào đất liền so với những năm trước, khiến hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) phải xả nước đẩy mặn để bảo vệ nguồn nước ngọt cho nhà máy nước (NMN) Tân Hiệp (Củ Chi) - nơi cung cấp 1/4 lượng nước sạch cho TPHCM. Có thể nói, nước biển dâng là một trong những tác động của biến đổi khí hậu đến TPHCM dễ thấy nhất.

Nếu nước biển dâng 0,7 - 1m như dự báo, sông Sài Gòn sẽ bị nhiễm mặn nặng nề, sâu trong đất liền hơn - lúc đó vai trò đẩy mặn của hồ Dầu Tiếng gần như bất khả thi, nếu được cũng rất lãng phí nguồn nước. Trước khi trạm bơm nước thô Bến Than (Củ Chi) đi vào hoạt động năm 2004, lượng nước xả qua tràn hồ Dầu Tiếng xuống sông Sài Gòn từ tháng 1 đến tháng 5 là 28,6 triệu m³. Sau khi có NMN Tân Hiệp, năm 2005 hồ Dầu Tiếng phải xả 177 triệu m³ và năm 2006 (từ ngày 10-2 đến 3-5) phải xả 143 triệu m³ để khai thác 250.000 - 300.000m³/ngày.

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đặt tình huống: Nếu mực nước biển dâng 1m, nước sông Sài Gòn sẽ bị xâm nhập mặn lên tận huyện Củ Chi. Theo lãnh đạo NMN Tân Hiệp, nếu nhiễm mặn xảy ra ở mức cao như dự báo, không NMN nào có thể hoạt động.

Tuy nhiên, nguy cơ trước mắt hiện nay chính là tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng trên các dòng sông. Hàng ngày, hai con sông Sài Gòn- Đồng Nai, cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu cho gần 17 triệu dân ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, phải hứng chịu khoảng 2 triệu m³ nước thải sinh hoạt, gần 400.000 m³ nước công nghiệp chưa xử lý.

Lãnh đạo NMN Tân Hiệp cảnh báo, bộ phận lọc với vật liệu mới của đơn vị khó có khả năng chịu nổi nếu nạn ô nhiễm tiếp tục gia tăng với tốc độ hiện nay.

Nguồn nước an toàn từ hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa

Ngành thủy lợi nhận thấy, để đảm bảo yêu cầu dòng chảy tối thiểu trên sông Sài Gòn là 16,1m³/giây, hồ Dầu Tiếng phải xả thêm 9,5m³/giây, tương đương 125 triệu m³ trong 5 tháng mùa khô. Như vậy, hồ Dầu Tiếng phải xả nước đủ mạnh đẩy mặn để lấy nước đạt chuẩn cung cấp cho NMN Tân Hiệp tại Bến Than. Điều này gây thất thoát nước hồ, phá vỡ cân bằng nước và ảnh hưởng đến đối tượng dùng nước khác. Để giải quyết sự thiếu hụt nước vào mùa khô của hồ Dầu Tiếng, cũng như tăng năng lực cấp nước sinh hoạt, công nghiệp trong vùng…, từ năm 1993, Chính phủ đã cho nghiên cứu tiền khả thi dự án hệ thống thủy lợi Phước Hòa (tỉnh Bình Phước), lấy nước từ Sông Bé cấp cho Bình Phước, Bình Dương vừa chuyển về hồ Dầu Tiếng (khoảng 70m³/giây).

Năm 2003 Bộ NN-PTNT phê duyệt báo cáo điều chỉnh và bổ sung nghiên cứu kỹ thuật dự án thủy lợi Phước Hòa và năm 2008 phê duyệt điều chỉnh dự án. Dự án đang được thi công với mục tiêu cấp nước sinh hoạt đô thị và công nghiệp cho TPHCM và các tỉnh, bên cạnh đó là cấp nước sản xuất nông nghiệp, ngăn xâm nhập mặn hạ lưu sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông.

Vấn đề lựa chọn nguồn cấp nước an toàn cũng có ý nghĩa quan trọng. TPHCM đã có văn bản gửi Bộ NN-PTNT và tờ trình gửi Bộ Xây dựng đề nghị lấy 1 triệu m³ nước trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng. Việc dùng nước hồ Dầu Tiếng giúp TPHCM chủ động kiểm soát nguồn và chất lượng nước ổn định, thay thế hình thức lấy nước từ sông Sài Gòn, tránh xung đột lợi ích trong sử dụng nước và tiết kiệm nguồn nước đang trở nên khan hiếm.

Công Phiên

Tin cùng chuyên mục