TPHCM ưu tiên đầu tư xe điện, đường trên cao và các nút giao thông

Phát triển vận tải hành khách công cộng và chống ùn tắc giao thông
TPHCM ưu tiên đầu tư xe điện, đường trên cao và các nút giao thông

Theo kế hoạch, ngày 24-6, UBND TPHCM và Bộ KH- ĐT sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào hạ tầng cơ sở. Cho đến thời điểm này, Sở GTVT đã hoàn tất danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, dự kiến sẽ đưa ra thảo luận ở hội nghị này.

Kẹt xe gần nút giao thông khu vực trạm 2 trên Quốc lộ 52. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Kẹt xe gần nút giao thông khu vực trạm 2 trên Quốc lộ 52. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Phát triển vận tải hành khách công cộng và chống ùn tắc giao thông

Theo ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc chuyên trách đầu tư của Sở GTVT TPHCM, nhằm tạo bước đột phá cho công tác phát triển vận tải hành khách công cộng và hạn chế xe cá nhân, chống ùn tắc giao thông, các công trình ưu tiên đầu tư sẽ là các tuyến xe điện mặt đất và các tuyến metro. Trong đó 2 tuyến xe điện mặt đất được kêu gọi đầu tư ngay là tuyến từ đường Nguyễn Văn Linh nối với cầu Tân Thuận xuôi về quận 2 và tuyến từ Công viên Phần mềm Quang Trung chạy dọc theo đường Quang Trung về Ngã sáu Gò Vấp. Đây là những khu vực ùn ứ giao thông khá gay gắt vì lưu lượng người đi lại rất đông nhưng diện tích đường hạn chế. Với tổng vốn của 2 tuyến xe điện khoảng 9.000 tỷ đồng, Sở GTVT dự kiến thu hút đầu tư bằng hình thức BOT.

Theo quy hoạch phát triển GTVT đến năm 2025, TPHCM sẽ có 6 tuyến metro. Trong đó, tuyến metro số 1 nối Suối Tiên với trung tâm TP, đang trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật và giải phóng mặt bằng, đã được khởi công xây dựng nhà ga. Trong các tuyến metro số 2, 3, 4, 6 (đa phần kết nối từ trung tâm TP đến trung tâm của các quận, huyện vùng ven), tuyến metro số 4 kéo dài đến KCN Hiệp Phước, được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển đô thị cảng Hiệp Phước. Các dự án đa phần đều có tổng mức đầu tư rất lớn, khoảng 20.000- 30.000 tỷ đồng/dự án. Do vậy, Sở GTVT kiến nghị sử dụng nhiều hình thức đầu tư: BOT, BT và các nguồn vốn ODA để xây dựng các công trình này.

Sau các tuyến metro và xe điện mặt đất là các dự án cải tạo nút giao thông trọng điểm. Ba nút giao thông được ưu tiên đầu tư là Hàng Xanh, Cây Gõ và Công trường Dân Chủ- nơi luôn ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Sở GTVT dự kiến, một là mở rộng nút và hai là xây dựng các hình thức vượt khác mức: hầm chui hoặc cầu vượt. Dù với hình thức đầu tư nào, dự kiến tổng chi phí đầu tư cải tạo mỗi nút cũng khoảng 300- 400 tỷ đồng. 

Triển khai mạnh mẽ các dự án đường trên cao

Các dự án đường trên cao cũng được đưa vào danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư. Theo ông Bùi Xuân Cường, đây là một giải pháp hữu hiệu để giải bài toán “thiếu diện tích đường” trầm trọng ở TPHCM. Hiện nay diện tích đường ở TPHCM mới chỉ chiếm khoảng 5%-7%/ diện tích TP, trong khi định mức chuẩn cho hoạt động giao thông, thông suốt phải hơn 20%/ diện tích TP. Đường trên cao số 1 và số 3 sẽ đứng đầu danh sách ưu tiên này bởi đường số 1 là trục giao thông từ sân bay Tân Sơn Nhất chạy dọc theo phía trên kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè kết nối với đường Nguyễn Hữu Cảnh về trung tâm TP. Đường số 3 là đường xuyên tâm kéo dài từ phía Bắc xuống phía Nam TP, sẽ được xây dựng bên trên đường Tô Hiến Thành qua tuyến đường Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ và kết nối với đường trục Bắc Nam ở khu vực gần đô thị mới Phú Mỹ Hưng.

Đường trên cao số 2 sẽ nối khu vực Tây Nam với khu vực trung tâm TP cũng như kết nối với đường cao tốc TPHCM- Trung Lương. Đường số 4 sẽ giải quyết hướng giao thông từ phía Bắc về khu vực trung tâm TP. Tổng mức đầu tư của đường trên cao rất lớn, tương đương các dự án metro, do vậy việc kêu gọi đầu tư vào đây cũng là “đa hình thức”: BOT, BT hoặc vốn ODA.

Nguyễn Khoa

Tin cùng chuyên mục