Chỉ phát hiện được 20% số vụ buôn bán động vật hoang dã

(SGGPO). -Đây là vấn đề đáng báo động được đạt ra trong cuộc hội thảo với các cơ quan báo chí về “ Buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) xuyên biên giới: những lỗ hổng pháp luật và tryền thông” được Trung tâm con người và thiên nhiên phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức ngày 18-3 tại Móng Cái, Quảng Ninh.

TS Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho biết, hiện nay tại Việt Nam tình trạng săn bán, buôn bán ĐVHD đang mức “báo động đỏ”. Tuy nhiên mấy năm gần đây, số vụ vi phạm có thuyên giảm do việc thực thi pháp luật được chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học, TS Dũng lo ngại, việc giảm số vụ buôn bán ĐVHD quá nhanh là dấu hiệu đáng lo ngại về tình trạng cạn kiệt, thậm chí là tuyệt chủng với nhiều loại động vật. Chỉ trong năm 2006 có tới hơn 10.000 con thú bị săn bắt. Hơn nữa, thực tế số vụ buôn bán ĐVHD bị cơ quan chức phát hiện và bắt giữ cũng chỉ chiếm khoảng 20% so với thực tế và  cơ quan báo chí cũng chỉ phản ảnh được khoảng 10% số vụ vi phạm.

TS Scott Roberton, Giám đốc Hiệp hội bảo tồn ĐVHD (WCS) cho biết, Việt Nam  đang nổi lên như một mắt xích quan trọng trong mạng lưới buôn bán ĐVHD trên toàn cầu. Điều này được thể hiện ra qua các vụ buôn lậu ĐVHD xuyên quốc gia, xuyên biên giới được phát hiện trong những năm gần đây tại Việt Nam. Như 2004-2006 có 6 vạn cá thể rùa mai cứng được xuất khẩu, năm 2008 thêm vụ hơn 20 tấn tê tê và vảy tê tê bị bắt giữ ở Việt Nam đang trên đường vận chuyển từ  Indonesia sang Trung Quốc và năm 2009 là vụ phát hiện hơn 6 tấn ngà voi có nguồn gốc Châu Phi tại cảng Hải Phòng.

Trước thực trạng trên, đại diện các cơ quan chức năng cho rằng, báo chí cần phải đẩy mạnh tuyên truyền về tình trạng buôn bán, săn bắt ĐVHD, song song đó, cần có những quy định pháp luật xử lý nghiêm khắc hơn đối với những hành vi này.

QUỐC KHÁNH

Tin cùng chuyên mục