Tới dự và phát biểu, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường nêu rõ, Việt Nam và nhiều nước trên trên thế giới đang đối mặt với gánh nặng ung thư ngày càng nghiêm trọng, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội.
Theo số liệu của Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL) và ước tính của ghi nhận ung thư Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Tuy nhiên phần lớn người bị bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị rất khó khăn và tốn kém.
Hiện nay, việc lựa chọn phương pháp điều trị ung thư phải dựa trên bằng chứng thực tế và dựa trên các nguồn lực sẵn có. Các phương pháp điều trị ung thư phổ biến bao gồm: phẫu thuật, hoá trị, xạ trị và chăm sóc giảm nhẹ.
Trong các phương pháp chữa trị xạ trị, phương pháp chữa trị xạ trị proton và hạt nặng trong điều trị ung thư là phương pháp tiến tiến và hiện đại đã phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.
Thứ trưởng Lê Quang Cường cho biết, hiện nay ở khu vực Đông Nam Á chưa có nước nào được trang bị và áp dụng phương pháp chữa trị xạ trị tiên tiến này. Trong khi phương pháp chữa trị xạ trị bằng ion nặng cho phép xạ trị những khối u kháng với xạ trị khác như xạ trị Cobalt, xạ trị gia tốc, áp dụng rất hiệu quả cho điều trị ung thư đầu cổ, tiền liệt tuyến, nhi khoa mà rất ít tác dụng phụ.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, tại Bệnh viện K, trước năm 2017, bệnh viện có 7 máy xạ trị (6 máy xạ trị gia tốc và 1 máy xạ trị Cobalt). Năm 2017, bệnh viện được đầu tư hệ thống gia tốc xạ trị có chức năng xạ phẫu của hãng Elekta với bộ chuẩn trực 160 lá, đây cũng là hệ thống xạ trị hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Với hệ thống gia tốc xạ phẫu mới trang bị, bệnh viện đã triển khai các kỹ thuật xạ trị mà các quốc gia tiên tiến trên thế giới đang áp dụng như: xạ trị hướng dẫn hình ảnh, xạ trị điều biến thể tích, xạ phẫu khối u não, xạ trị cố định toàn thân khối u di động như phổi, tiền liệt tuyến nhờ kết hợp với kỹ thuật đồng bộ nhịp thở chủ động.
Tuy nhiên do số lượng máy xạ trị quá ít, trong khi lượng người bệnh ngày càng gia tăng, nhu cầu điều trị lớn (tính từ đầu năm tới nay có trên 15.000 bệnh nhân) dẫn tới hệ thống các máy xạ trị của bệnh viện sử dụng phải hoạt động liên tục 22/24 giờ rất quá tải. Thực trạng này cũng đồng nghĩa với việc bệnh viện phải sắp xếp nhân viên y tế và bản thân người bệnh phải điều trị theo lịch ở tất cả các giờ trong ngày, thậm chí ngay cả ban đêm cũng phải tiến hành xạ trị để phục vụ người bệnh.
Lãnh đạo Bệnh viện K cũng cho biết, thông qua hội thảo này, cùng với việc nâng cao năng lực cho các bác sĩ, kỹ sư vật lý và kỹ thuật viên tại các bệnh viện và Trung tâm Ung bướu thì bệnh viện cùng với các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực xạ trị sẽ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để bệnh viện sớm thành lập được Trung tâm Xạ trị proton và hạt nặng nhằm giúp người bệnh được thụ hưởng các kỹ thuật y tế chất lượng nhằm nâng cao chất lượng trong điều trị ung thư phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của Việt Nam.