Mỗi gia đình cần trang bị bình chữa cháy

Tại phiên giải trình về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) do HĐND TPHCM tổ chức mới đây, đại diện lãnh đạo nhiều sở ngành ở TP đã có nhiều góp ý, hiến kế nhằm kéo giảm các vụ cháy nổ xảy ra và hậu quả để lại.

Tại phiên giải trình về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) do HĐND TPHCM tổ chức mới đây, đại diện lãnh đạo nhiều sở ngành ở TP đã có nhiều góp ý, hiến kế nhằm kéo giảm các vụ cháy nổ xảy ra và hậu quả để lại.

Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM: Hộ gia đình cần trang bị thiết bị chữa cháy trong nhà

Hầu hết các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn thành phố gần đây đều xảy ra ở nhà dân, cụ thể hơn là tại những căn nhà được chủ nhà vừa sử dụng để ở, vừa kinh doanh. Điển hình như vụ cháy tiệm đồ cưới trên đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) làm 3 người chết; hay mới đây là vụ cháy trại hòm ở quận Bình Tân, làm 4 người trong một gia đình tử vong. Thực tế trên cho thấy việc sử dụng nhà để vừa ở vừa kinh doanh là vô cùng nguy hiểm. Nguy hiểm vì đa số kết cấu nhà ở TP là nhà ống (thường chỉ có một cửa chính), khi kinh doanh, chủ nhà, hoặc người thuê sử dụng nhà thường sắp xếp, chất hàng hóa ngổn ngang, gây cản trở lối thoát nạn.

Ngoài ra, khi kinh doanh, nhiều loại hàng hóa dễ cháy (giấy, nhựa, bao bì, chất phụ gia…) được tồn trữ trong nhà, làm gia tăng nguy cơ cháy. Với các hộ kinh doanh kiểu này, thẩm quyền kiểm tra, quản lý nhà nước thuộc về chính quyền địa phương. Do đó, đề nghị thời gian tới, chính quyền địa phương, cảnh sát khu vực, các ngành có liên quan thắt chặt việc quản lý, nhắc nhở, tuyên truyền về công tác PCCC đối với đối tượng này; đặc biệt không nên sử dụng nhà để vừa ở vừa kinh doanh. Đặc biệt hơn, chính quyền địa phương và các cấp ngành liên quan phải vận động mỗi nhà dân tự trang bị thiết bị chữa cháy trong nhà. Với các hộ kinh doanh thì càng phải trang bị nhiều thiết bị chữa cháy, để khi xảy ra sự cố cháy nổ, người dân có thể dập tắt được đám cháy ngay từ đầu, không để cháy lan cháy lớn. Tôi cho rằng việc mỗi hộ dân phải đầu tư, trang bị thiết bị chữa cháy trong nhà là việc nên và cần làm. Tôi đề nghị thành phố phải có cơ chế đặc thù về việc này. Nếu người dân không có điều kiện trang bị thì địa phương có thể vận động doanh nghiệp tài trợ. Hoặc thay vì nhắc nhở thì phải có chế tài mạnh.

Mỗi hộ gia đình cần trang bị bình chữa cháy để có thể xử lý đám cháy khi mới phát sinh. Trong ảnh, Đoàn thanh niên Cảnh sát PCCC TP tặng bình chữa cháy cho một chủ nhà trọ tại phường 16, quận 8

Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đỗ Phi Hùng: Bổ sung quy định đảm bảo an toàn cháy nổ vào điều kiện cấp phép xây dựng

Hiện nay, có nhiều dự án khu dân cư, nhà chung cư khi đưa vào sử dụng còn nhiều tồn tại, bất cập về hệ thống PCCC. Cụ thể: đường giao thông để xe chữa cháy vào không đảm bảo, hồ tích trữ nước còn thiếu… Các vi phạm này dù được cơ quan chức năng, đơn vị có thẩm quyền phát hiện, nhắc nhở nhiều lần nhưng việc khắc phục của chủ đầu tư vẫn kéo dài, chậm trễ, gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác PCCC, thậm chí có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khi sự cố, tai nạn xảy ra. Trước thực tế trên, để đảm bảo tuyệt đối về điều kiện PCCC tại các khu dân cư, chung cư mới..., tôi đề nghị bổ sung quy định đảm bảo an toàn cháy nổ (nguồn nước, trụ cứu hỏa, hệ thống báo cháy tự động…) vào trong điều kiện cấp phép xây dựng. Như vậy sẽ hạn chế được các vi phạm về PCCC, ngăn chặn cháy nổ xảy ra.

Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM: Doanh nghiệp cần có bộ sơ đồ thông tin phục vụ chữa cháy

Từ công tác chữa ở vụ cháy Công ty Kwong Lung - Meko (Cần Thơ), có thể rút ra kinh nghiệm: tại các công ty, khu công nghiệp, trung tâm thương mại… cần có bộ sơ đồ cụ thể về lối giao thông chữa cháy bên trong cơ sở, thành phần chất liệu sản xuất - kinh doanh, nguồn nước… để khi xảy ra cháy, cảnh sát PCCC được chủ doanh nghiệp bị cháy thông tin nhanh, từ đó có phương án dập lửa phù hợp, hiệu quả hơn.

VIỆT TUẤN

Tin cùng chuyên mục