Mở rộng đối thoại, tăng niềm tin và dân chủ học đường

Học sinh ở các cấp học đều có tâm tư, nỗi niềm riêng, nhất là áp lực từ việc học tập, cách ứng xử thiếu tôn trọng lẫn công tâm của thầy cô… Nếu không được đối thoại, lắng nghe, sẻ chia kịp thời thì học sinh sẽ bị ức chế, phản đối ngầm, dẫn đến phát sinh bạo lực.

Học sinh ở các cấp học đều có tâm tư, nỗi niềm riêng, nhất là áp lực từ việc học tập, cách ứng xử thiếu tôn trọng lẫn công tâm của thầy cô… Nếu không được đối thoại, lắng nghe, sẻ chia kịp thời thì học sinh sẽ bị ức chế, phản đối ngầm, dẫn đến phát sinh bạo lực.

Mở rộng đối thoại, tăng niềm tin và dân chủ học đường ảnh 1

Học sinh Trường THPT Nguyễn Du đặt câu hỏi tại buổi đối thoại học đường

Tạo môi trường dân chủ

“Em thấy nhà vệ sinh chưa sạch, máy lạnh hơi yếu, đèn quạt trong lớp bị hư nhưng chưa được sửa chữa. Chúng em muốn đổi mới cách dạy môn Anh văn và tăng thời lượng thực hành, giao tiếp bằng tiếng Anh nhiều hơn? Đến trường học trò đều phải dạ vâng, tôn trọng thầy cô. Vậy học sinh có cần được tôn trọng không ạ?”… Đó là những câu hỏi được học sinh Trường THPT Nguyễn Du TPHCM đặt ra tại buổi đối thoại học đường do nhà trường tổ chức gần đây. Lắng nghe tất cả những câu hỏi mang tính chất vấn của học trò, ban giám hiệu, thầy cô của Trường THPT Nguyễn Du đã thẳng thắn trả lời từng vấn đề mà các em đặt ra tại sân trường. Vấn đề nào giải quyết ngay nhà trường sẽ làm, còn cái nào khó thì cũng ghi nhận để khắc phục.

Trả lời câu hỏi về văn hóa ứng xử của giáo viên, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường, nhẹ nhàng nói: “Học sinh cũng cần được tôn trọng. Trong các hoạt động dạy học hay giao tiếp với học trò, tiêu chí tôn trọng luôn phải được đặt lên hàng đầu. Muốn xây dựng một ngôi trường văn minh thì người thầy cần phải chỉn chu ngay trong từng lời nói, hành vi…”. Dù chưa quen với hoạt động đối thoại công khai nhưng được khuyến khích, được thầy cô cầu thị lắng nghe, học sinh đều cảm nhận không khí dân chủ đang mở rộng. Và từ  nhịp cầu đối thoại này, nhà trường mong muốn học sinh sẽ mạnh dạn thổ lộ những vấn đề khác khi gặp vướng mắc, trăn trở.

Tuy không mở kênh đối thoại trực tiếp tại sân trường, nhưng nhiều trường THPT khác như Lương Thế Vinh (quận 1), Nguyễn Khuyến (quận 10)… cũng mở kênh lắng nghe bằng cách phát phiếu khảo sát cho học sinh nhận xét, đánh giá về môi trường học đường. Theo đó, học sinh có thể phản ánh về các vấn đề liên quan đến học tập, thời gian biểu, nhận xét về tác phong, cách giảng dạy của thầy cô có dễ hiểu không, phục vụ ăn uống thế nào… Theo cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, từ phiếu khảo sát học sinh, nhà trường nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị, góp ý của các em. Không chỉ đề đạt nguyện vọng được trải nghiệm thực tế, vui chơi nhiều hơn, các em cũng thẳng thắn có ý kiến về cách giảng dạy, truyền đạt kiến thức, ra bài tập của một số thầy cô chưa đạt yêu cầu. Từ đó, ban giám hiệu sẽ nhắc nhở giáo viên điều chỉnh phương pháp dạy học hoặc tác phong, lời nói chưa chuẩn mực.

Thiếu kênh lắng nghe đối thoại

Mặc dù Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM đã có công văn nhắc nhở các trường học phải tăng cường đối thoại với học sinh để kịp thời giải quyết tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ áp lực, vướng mắc của học sinh ở các cấp, nhưng việc mở ra kênh đối thoại, thực sự cầu thị, lắng nghe tiếng nói đa chiều của học sinh vẫn chưa nhiều. Nhiều học sinh mang nỗi ấm ức vì phản ánh nhưng không được thầy cô, nhà trường quan tâm giải quyết. Hoặc có nơi còn dùng mệnh lệnh bề trên “phủ đầu” các em khiến học trò không dám nói ra những điều cần nói, cần bộc bạch. Một học sinh lớp 10 ở quận 10 bị trầm cảm, sợ đi học vì bị giáo viên dạy môn Toán “đì” do không đi học thêm. Thế nhưng, em không đủ can đảm phản ánh với ban giám hiệu vì sợ thầy giáo dạy môn Toán “đì” nặng hơn (!?). Nhiều học sinh ở bậc trung học cũng cho rằng nhà trường không muốn ghi nhận những ý kiến bức xúc của học trò phản ánh những vấn đề nhạy cảm như thầy A, cô B thiếu công tâm trong ra đề kiểm tra, thiên vị khi chấm điểm.

Có một thực tế đang tồn tại trong môi trường học đường là học trò thường có thói quen im lặng, ít có tư duy phản biện, nêu quan điểm trái chiều. Điều này đang khiến ánh sáng dân chủ trong trường học bị lu mờ. Các em không dám nói những điều cần nói và chia sẻ cũng như bảo vệ cái đúng, đả phá cái sai ở quanh mình. Một nữ sinh từng học ở trường THCS quận Thủ Đức kể rằng em rất ghét thầy giám thị vì có hành vi sàm sỡ học trò nhưng nhà trường bao che, không xử lý nghiêm dù học sinh, phụ huynh phản ánh. Tương tự, một học sinh lớp 9 ở trường THCS quận Phú Nhuận cũng bức xúc kể với cha mẹ về việc giờ ăn trưa, cô phục vụ thường chia phần canh cho nhóm của mình ít hơn. Khi học sinh này phản ứng thì cô không nhận lỗi mà tỏ thái độ ghét nhóm này hơn. Biết chuyện, phụ huynh vào trường phản ánh thì giáo viên chủ nhiệm lại trách học sinh “chuyện nhỏ như thế mà cũng về méc phụ huynh”. Chuyện nhỏ mà giáo viên không lắng nghe thì làm sao học sinh dám phản ánh chuyện lớn hơn? Phải chăng những trường học này đang khuyến khích học sinh phải im lặng, che mắt trước các hành vi sai và sự bất công?

Xung quanh những câu chuyện bạo lực học đường, trong đó học trò vô lễ hoặc đánh thầy cũng xuất phát từ sự thiếu tôn trọng, thiếu sự can thiệp kịp thời của nhà trường trong việc giải quyết mâu thuẫn phát sinh. Để môi trường học đường an toàn, văn minh, học sinh có điều kiện phát huy hết năng lực, sở trường của mình thì mỗi trường học phải mở rộng môi trường dân chủ, lắng nghe những điều học sinh muốn nói, muốn làm.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục