Những ngày cuối tháng 3, ở vùng ngọt hóa phía trong tuyến đường Tắc Thủ - Sông Đốc (Cà Mau), dòng kênh bắt đầu cạn kiệt, nhiều ao đìa bên trong của người dân dần cạn nước. Gặp chúng tôi khi đang hì hục giật máy nổ bơm nước vào ao cá bổi giống (sặt rằn), ông Nguyễn Văn Tiễn (xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) cho biết: “Đầu năm có mưa trái mùa nên bổ sung một lượng nước đáng kể. Dù vậy, hiện tại các kênh, mương cạn dần. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, không bao lâu nữa vùng này sẽ thiếu nước ngọt tưới tiêu. Tranh thủ nguồn nước dưới sông còn nên tôi bơm trữ ao cá vì nếu để nước cạn mới bơm vào, dễ gặp nước nhiễm phèn”.
Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng ảnh hưởng đến người nuôi tôm. Ông Nguyễn Văn Thương, một nông dân nhiều năm nuôi tôm ở xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi - vùng nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh hàng đầu Cà Mau, than thở: “Trời càng nóng, tôm dễ sinh bệnh. Ao tôm của tôi mới thả được khoảng 45 ngày tuổi đã bị bệnh, cứu không được”. Theo ông Nguyễn Quốc Thống, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đầm Dơi, thời tiết nắng nóng làm nước trong ao bốc hơi nhanh, nhiệt độ và độ pH trong ao dễ biến động. Do môi trường thay đổi đột ngột giữa ngày và đêm dẫn đến tôm nuôi bị sốc, dễ sinh bệnh.
Theo ông Trần Phú Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, hiện nay toàn bộ diện tích hơn 17.000ha rừng của tỉnh đang được cảnh báo cháy cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm. Dự báo mùa khô còn kéo dài đến cuối tháng 6-2019, giảm mưa và khô hạn kéo dài nên công tác phòng chống cháy rừng cần phải được tập trung tối đa. Ông Lê Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đồng Tháp, cho biết, dù mới đầu tháng 3 nhưng mực nước trên địa bàn tỉnh đang xuống thấp dần và dự báo thấp hơn trung bình nhiều năm 0,1- 0,3m.
Mặn xâm nhập sâu
Tình hình mặn xâm nhập cũng đang diễn ra khốc liệt, cao hơn 3-4‰ so với cùng kỳ năm ngoái. Trên địa bàn TP Vị Thanh (Hậu Giang), độ mặn đo được tại ngã ba sông Nước Trong là 10,3‰, cống kênh Lầu ở xã Hỏa Tiến là 10‰. Theo ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, hiện các cống ngăn mặn quanh khu vực xã Lương Nghĩa đã được đóng. Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã cử cán bộ trạm thủy lợi ở các địa phương túc trực kiểm tra nồng độ mặn và hệ thống cống, đập để khi phát hiện có sự cố sẽ khắc phục kịp thời, hạn chế nước mặn rò rỉ hay tràn từ sông lớn vào các kênh, rạch ảnh hưởng lúa và hoa màu.
Là địa phương năm nào cũng bị nước mặn “bao chiếm” toàn tỉnh, Bến Tre đang rất nỗ lực ứng phó với mặn xâm nhập. Năm nay, nếu mặn xâm nhập sâu, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre sẽ đóng, mở cống hợp lý, lấy nước thô vào hồ chứa nước thô tại nhà máy nước Sơn Đông khi nước mới lớn, có độ mặn thấp. Khi nguồn nước thô tại nhà máy này bị mặn, sẽ bơm nước thô từ Trạm bơm Cái Cỏ về nhà máy, pha trộn với nguồn nước tại chỗ để xử lý. Nhà máy nước An Hiệp sẽ vận hành xử lý nước với chế độ làm việc tăng cường đạt 18.000m3/ngày đêm (tăng 6.000m3/ngày đêm so với công suất đang khai thác).
Viện Khoa học thủy lợi miền Nam khuyến cáo các địa phương cần có kế hoạch nạo vét, tăng cường năng lực chuyển nước của các kênh trục hệ thống; chủ động bơm trữ, vận hành cống hợp lý để tích trữ nước nước ngọt ngay từ thời điểm khi ngoài sông nguồn nước ngọt vẫn còn thuận lợi. Các địa phương theo dõi sát diễn biến độ mặn để quản lý điều tiết nước và vận hành cống theo hướng vừa đảm bảo tiêu thoát, ngăn mặn vừa đưa nước ngọt về. Một số khu vực có nguồn nước khó khăn hoặc xa nguồn nước ngọt cần lựa chọn loại cây chịu hạn, ít sử dụng nước. |