Ở tuyến Metro số 1, hầu hết các ga đón trả khách đều được xây dựng trên cao và nằm về phía tay trái xa lộ Hà Nội (hướng từ cầu Sài Gòn về cầu Đồng Nai).
Chính vì vậy, nhiều người dân sinh sống ở các khu dân cư nằm bên tay phải xa lộ Hà Nội (đối diện tuyến metro) cho rằng, với lưu lượng xe gắn máy, xe tải, xe container lưu thông với tốc độ cao trên xa lộ như hiện nay, việc băng ngang qua đường để đến các ga metro là rất nguy hiểm. Xa lộ Hà Nội đoạn từ cầu Sài Gòn đến Suối Tiên lại rất ít giao lộ để người dân có thể “chờ” đèn giao thông hỗ trợ cho việc qua đường.
Hiện nhà ga Suối Tiên đã có cầu vượt bộ hành; thời gian tới, tại các ga Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Bình Thái, Phước Long, Thủ Đức, Khu công nghệ cao sẽ được triển khai xây cầu vượt.
Cầu có mái che nắng mưa, đèn chiếu sáng vào ban đêm để đảm bảo cho hành khách đi bộ đến các ga trong mọi điều kiện thời tiết. Dự kiến, các công trình này sẽ được triển khai thi công trong năm nay và đảm bảo hoàn tất khi tuyến metro đưa vào vận hành trong năm 2020.
Ngoài việc xây cầu bộ hành, vấn đề kết nối mạng xe buýt, BRT với metro cũng được chú trọng thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng metro. Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Trần Chí Trung cho biết, khi tuyến Metro số 1 đi vào hoạt động, dọc xa lộ Hà Nội sẽ được tăng thêm 7 tuyến buýt nhánh và 18 tuyến buýt gom khách.
Các xe buýt hoạt động trong các tuyến này sẽ đi sâu vào các khu dân cư, Làng đại học, khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao... để thu gom hành khách. Hệ thống buýt nhánh và buýt gom này được tổ chức theo hình đường xương cá kết nối vào các nhà ga metro. Cứ khoảng 500m, trung tâm sẽ bố trí một trạm xe buýt. Các tuyến xe buýt này hoạt động trong bán kính từ 4,2km - 17,8km (một hoặc 2 chiều) tính từ tâm là các nhà ga.
Hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối
Nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với các nhà ga metro tuyến Bến Thành - Suối Tiên hiệu quả, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đề xuất UBND TP chấp thuận chủ trương giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP làm chủ đầu tư thực hiện nghiên cứu dự án: Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ kết nối các tuyến xe buýt với tuyến Metro số 1; tổ chức lại các tuyến xe buýt có lộ trình hoạt động trên xa lộ Hà Nội và bổ sung các tuyến buýt gom kết nối với các nhà ga thuộc tuyến Metro số 1.
Ngoài ra, trong các đề xuất, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cũng đã tính đến phương án khai thác giao thông thủy để kết nối với tuyến Metro số 1. Cụ thể, trong thiết kế chi tiết cho nhà ga khu vực Ba Son, nhà ga Tân Cảng gần bờ sông Sài Gòn, sẽ có lối dẫn từ nhà ga đến các bến tàu thủy này.
Để phát huy hiệu quả hoạt động của toàn tuyến Metro số 1, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Bùi Xuân Cường đề nghị thành phố bố trí quỹ đất dọc hành lang metro dành cho các công trình kết nối với các nhà ga, như đường tiếp cận, quảng trường ga, các bãi đậu xe trung chuyển, bãi giữ xe cho hành khách đi metro...
Ông Cường cũng cho biết, trở ngại lớn nhất trong việc xây dựng các cầu vượt bộ hành hiện nay là một số vị trí tiếp giáp xuống vỉa hè nằm trước mặt một số hộ dân, nên phải tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh thiết kế để giảm tối đa ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống người dân.
Hiện nay, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP đang triển khai thí điểm thẻ xe buýt thông minh. Đây là nền tảng để các đơn vị nghiên cứu tích hợp với hệ thống thẻ đi metro; cũng có thể dùng thẻ xe buýt đi metro, BRT và ngược lại. Tuyến Metro số 1 dài 19,7km bao gồm 14 nhà ga, trong đó có 11 nhà ga trên cao (dọc theo trục xa lộ Hà Nội), 3 nhà ga ngầm khu vực trung tâm thành phố: Ba Son, Nhà hát Thành phố và Bến Thành. |