Mất cân đối thể thao

Đoàn thể thao Việt Nam dự Asiad 2018 lên đến hơn 500 người, trong đó có hơn 350 VĐV, tham dự đến 32 môn thi đấu, nhưng mục tiêu của chúng ta chỉ là 3 HCV, một con số quá khiêm tốn và rất đáng suy nghĩ.

Sau thành tích 4 HCV ở Asiad 2002, các kỳ đại hội châu Á gần đây, thể thao Việt Nam (TTVN) đều không giành quá 2 HCV. Điều này tỷ lệ nghịch với sự ổn định trên đấu trường SEA Games cũng như việc đầu tư cho thể thao đỉnh cao trong 2 thập niên qua. Điều đó cho thấy, quá trình chuyển đổi từ “lượng” sang “chất” diễn ra không như kỳ vọng và năng lực “ra biển lớn” của TTVN vẫn là một dấu hỏi.

Cũng cần phải nói thêm rằng, Asiad 2018 lẽ ra đã diễn ra tại Việt Nam. Thời điểm lập đề án vận động quyền đăng cai sự kiện này để trình Chính phủ, ngành thể thao từng đưa ra mục tiêu 10 HCV, nhưng không hiểu vì sao, đến nay con số giảm đến hơn một nửa, tương đương với các kỳ Asiad trước đó. Theo thống kê ở 3 kỳ Asiad gần nhất, số lượng huy chương của đoàn TTVN thường ổn định trong tốp 15 nhưng số HCV thì lại thuộc nhóm ngoài tốp 20. HCV vẫn đang trông cậy vào môn võ, trong khi khả năng chuyển đổi màu huy chương ở các môn cơ bản là hầu như không thể. Có thể nói, quá trình phát triển của TTVN trên đấu trường quốc tế dường như giậm chân tại chỗ suốt nhiều năm qua.

Có một vấn đề khác cũng rất đáng quan tâm. Mặc dù chỉ chiếm 10% số lượng VĐV của đoàn TTVN nhưng đội tuyển bóng đá Olympic Việt Nam lại nhận được sự quan tâm gần như tuyệt đối của người hâm mộ và giới truyền thông. Về mặt thành tích, thầy trò HLV Park Hang-seo chỉ được kỳ vọng là vượt qua vòng đấu bảng. Việc tham gia Asiad cũng chủ yếu đến từ nguồn đầu tư xã hội của LĐBĐ Việt Nam chứ không lấy từ ngân sách chung dành cho thể thao, nhưng nguồn cảm hứng từ Olympic Việt Nam đem lại thì vượt trội so với các môn thể thao khác. Đây cũng là lý do khiến cho bản quyền truyền hình Asiad 2018 tại Việt Nam được bán với giá rất cao, không đài nào đủ sức mua để phục vụ người dân.

Nếu chúng ta xem thành tích của thể thao đỉnh cao có ý nghĩa quyết định đến việc phát triển phong trào thì bóng đá đã làm quá tốt công việc của mình. Ngược lại, cần có đánh giá nghiêm túc về hoạt động đầu tư cho những môn thể thao khác. Không thể mỗi năm đều phải rót tiền cho nhiều môn ít ai biết đến để tập luyện nhưng rốt cuộc cũng chỉ giành được huy chương ở “ao làng” SEA Games, không có cơ hội vươn đến đỉnh cao châu lục. 

Mới đây, Tổng cục Thể dục thể thao đã tổ chức hội thảo bàn về truyền thông trong thể thao, nhằm tìm cách đưa nhiều môn thể thao (ngoài bóng đá) tiếp cận với người dân. Tuy nhiên, vấn đề không phải nằm ở góc độ truyền thông mà là tính chất xã hội hóa, khả năng phát triển chuyên nghiệp của các môn. Không cần phải tuyên truyền thì môn thể hình hay bơi lội vẫn có thể lan rộng, tìm kiếm được tài năng mới dựa trên việc đầu tư của khu vực tư nhân với sự sinh sôi của hệ thống phòng tập hay hồ bơi chất lượng cao.

Ngược lại, dù được truyền thông tốt nhưng bóng chuyền Việt Nam lại đang thụt lùi về thành tích do yếu tố xã hội ngày càng bị thu hẹp, xuất phát từ năng lực quản lý kém của Liên đoàn Bóng chuyền đã cản trở sự tham gia của các nguồn lực xã hội. Nói như vậy để thấy, điều quan trọng vẫn là thúc đẩy triệt để chiến lược xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa các môn thể thao trên tinh thần ít mà chất lượng.

Ngân sách nhà nước dành cho tập luyện cũng như việc tham gia những đại hội như SEA Games, Asiad chỉ nên tập trung cho các môn thể thao cơ bản có tính đặc thù cao như điền kinh, bắn súng… Không ai đánh giá nội lực của một nền thể thao dựa trên số lượng môn thi đấu mà đa phần người dân không hề tập luyện hàng ngày.

Tin cùng chuyên mục