Để mất đoàn kết nội bộ, xử lý bí thư
Bí thư Quận ủy quận Bình Thạnh Nguyễn Thị Thu Hà cho hay, năm 2017, trong quá trình tham gia sinh hoạt đảng ủy cơ sở, một ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy nghe râm ran dư luận về việc giữa Đảng ủy viên - Phó Chủ tịch UBND phường 27 và Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND phường 27 có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ. Được báo cáo lại, Ban Thường vụ Quận ủy quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm và xác định 2 nữ cán bộ đảng viên vừa nêu có vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật.
Ban Thường vụ Quận ủy cũng quyết định xử lý kỷ luật Bí thư Đảng ủy phường 27. Trước thông tin này, Bí thư Đảng ủy phường phản ứng. “Tôi không có vi phạm. Đó là chuyện của 2 chị em. Tôi không có trách nhiệm giải quyết”, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà thuật lại lời giải thích của Bí thư Đảng ủy phường 27. Tuy nhiên, ở câu chuyện này, trong Đảng ủy phường xảy ra mất đoàn kết, mà với vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, Bí thư đã không trực tiếp chỉ đạo giải quyết và mâu thuẫn trong nội bộ ngày càng trầm trọng hơn. “Bí thư nắm được mâu thuẫn trong nội bộ nhưng không trực tiếp xử lý. Vì vậy, tôi cương quyết xử lý cả bí thư đảng ủy cơ sở về trách nhiệm người đứng đầu”, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà phân tích. Trước sự phân tích của cấp trên, Bí thư Đảng ủy phường 27 đã nhận thấy được trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu đối với việc khi xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ đã không quyết tâm, quyết liệt xử lý. Kết quả xử lý kỷ luật của Ban Thường vụ Quận ủy tạo được sự “tâm phục, khẩu phục” từ người bị xử lý.
Phó Bí thư Quận ủy quận Gò Vấp Nguyễn Thị Thanh Vân cũng chia sẻ, năm 2017 quận ủy đã thực hiện công tác kiểm tra, giám sát gắn kết chặt chẽ với việc sắp xếp, tổ chức cán bộ, cũng như việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ, hoặc loại ra khỏi diện quy hoạch. Kết quả, có 3 đảng ủy phường có biểu hiện về mất đoàn kết nội bộ nên đã bị xử lý, sắp xếp lại công tác đối với các cán bộ đảng viên. Trong đó, 2 chủ tịch UBND phường bị kỷ luật với hình thức cách chức. Đối với chủ tịch UBND phường còn lại có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, thiếu ý chí phấn đấu, làm việc qua loa, kém hiệu quả, theo đồng chí Nguyễn Thị Thanh Vân, tuy Ban Thường vụ Quận ủy quận Gò Vấp không xử lý kỷ luật, nhưng trên cơ sở đánh giá quá trình công tác, nhận thấy chủ tịch phường này hạn chế về năng lực, nên Ban Thường vụ Quận ủy quận Gò Vấp đã điều động về làm chuyên viên của một phòng ban ở quận. Ngoài ra, ở một đảng bộ phường khác, Ban Thường vụ Quận ủy quận Gò Vấp cũng xếp, luân chuyển bí thư, chủ tịch và phó chủ tịch phụ trách đô thị vì mất đoàn kết nội bộ, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị.
Tạo cơ hội sửa sai
Tình trạng mất đoàn kết nội bộ cũng xảy ra ở một vài đảng ủy cơ sở của quận 12. Theo đồng chí Trần Văn Út, Trưởng ban Tổ chức Quận ủy quận 12, trong năm 2017 có 2 phường xảy ra “lấn cấn” giữa chủ tịch và phó chủ tịch UBND; giữa bí thư và chủ tịch phường. Ngay khi nắm được thông tin này, Bí thư Quận ủy Trần Hữu Trí đã mời những đảng viên liên quan đến để trao đổi, dặn dò và cho thời gian khắc phục. Hết thời gian vẫn không thay đổi, nên gia hạn thêm một lần nữa để có cơ hội khắc phục. Tuy nhiên, tình hình vẫn không cải thiện nên Ban Thường vụ Quận ủy quận 12 phải xử lý. Cụ thể, chủ tịch, phó chủ tịch (của một phường) và bí thư, chủ tịch (của một phường khác) được điều động, bố trí công tác khác.
Đồng chí Trần Văn Út khẳng định, trong quá trình giám sát, nắm bắt dư luận không tốt về các cán bộ cấp dưới thì cá nhân ông có trao đổi với các cán bộ liên quan. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các đảng viên có chức vụ lại không quan tâm nhiều. Trưởng ban Tổ chức Quận ủy quận 12 dẫn chứng trường hợp cụ thể, là một cán bộ lãnh đạo, dù công tác chuyên môn tốt nhưng có dư luận phản ánh hay ăn nhậu. “Nắm được thông tin này, tôi mời đến làm việc, đề nghị cán bộ này bớt nhậu và cho thời gian khắc phục. Tuy nhiên, dù đã được tạo điều kiện để điều chỉnh tác phong, nhưng cán bộ này vẫn sa đà trong chuyện nhậu nhẹt nên Ban Thường vụ Quận ủy quận 12 đã xử lý, chuyển làm chuyên viên, không để giữ vị trí lãnh đạo nữa”, đồng chí Trần Văn Út thông tin. Tương tự, một chủ tịch UBND phường cũng bị xử lý vì dù đã được cấp trên nhắc nhở, yêu cầu giảm nhậu nhưng không khắc phục được.
Dù kiên quyết xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm, song đồng chí Trần Văn Út bày tỏ, việc xử lý cán bộ - trên tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - là phải thương yêu đồng chí, đồng đội. Cụ thể, trước khi xử lý, Quận ủy đều mời các đảng viên có liên quan đến làm việc, nhắc nhở, cho thời gian khắc phục. Trong đó, điều quan trọng là cấp ủy phải chủ động trong công tác lãnh đạo cũng như thực hiện việc kiểm tra, giám sát và chú trọng kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Từ đó mới có các nhận xét chính xác để trao đổi, nhắc nhở người vi phạm và cho thời gian sửa chữa.
Phó Bí thư Quận ủy quận Gò Vấp Nguyễn Thị Thanh Vân cũng nhận định, việc kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở các chi bộ, đảng bộ cơ sở là hết sức quan trọng. Tương tự, nội dung đánh giá chất lượng đảng viên cơ sở đảng cuối năm cũng là một trong những yếu tố quan trọng để phục vụ công tác cán bộ. Bởi vì có đánh giá đúng, thực chất, thì việc luân chuyển, bố trí cũng như quy hoạch cán bộ mới chính xác, kịp thời. Ví dụ, đối với một cán bộ được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ thì khi luân chuyển, điều động sắp xếp vào vị trí thấp hơn sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đối với những cán bộ chủ chốt bị đánh giá 2 năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ còn hạn chế, thì Ban Thường vụ Quận ủy Gò Vấp sẽ cương quyết luân chuyển, bố trí vào vị trí công tác khác phù hợp hơn.
Việc xử lý phải công tâm và thấu tình đạt lý
Trong năm 2017, Đảng ủy Bảo hiểm xã hội TPHCM (có 14 chi bộ, hơn 180 đảng viên) đã triển khai và hoàn thành 100% các nội dung kiểm tra, giám sát theo chương trình đề ra. Theo đó, Đảng ủy thực hiện 6 cuộc kiểm tra đối với chi bộ, 2 cuộc kiểm tra đối với đảng viên, thực hiện 4 cuộc giám sát chuyên đề đối với 2 chi bộ và 2 đảng viên. Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy thực hiện 12 cuộc kiểm tra, 8 cuộc giám sát đối với chi bộ và đảng viên, Trong đó có 1 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của đảng viên.
Theo Đảng ủy Bảo hiểm xã hội TPHCM, bên cạnh việc thực hiện tốt các nội dung kiểm tra, giám sát do Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra thực hiện, công tác tự kiểm tra, giám sát được cấp ủy chi bộ trực thuộc chủ động thực hiện hiệu quả, kịp thời và có chất lượng. Từ đó, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ Bảo hiểm xã hội TPHCM ngày càng đi vào nề nếp, hiệu quả và có chất lượng.
Đảng ủy Bảo hiểm xã hội TPHCM cho biết, khi thực hiện kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên thì phải làm tốt công tác thẩm tra, xác minh các dấu hiệu vi phạm. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức kiểm tra phù hợp. Riêng với những trường hợp kiểm tra có tinh thần tự phê bình yếu, thiếu tự giác, né tránh trách nhiệm, thì cấp ủy, đoàn kiểm tra phải làm tốt công tác tư tưởng; đấu tranh bằng nhiều phương pháp để đối tượng kiểm tra thay đổi thái độ tự phê bình, nhận khuyết điểm của tập thể, cá nhân. Đặc biệt, khi thẩm tra, xác minh và xem xét các khuyết điểm, sai phạm, phải thực hiện công tâm, khách quan và đảm bảo thấu tình, đạt lý. Đồng thời phải mang tính giáo dục, chú trọng việc khắc phục, sửa chữa các khuyết điểm để tiến bộ.
Cụ thể, trong năm 2017 có thông tin về việc một đảng viên chủ chốt với vai trò là bí thư chi bộ - phó trưởng phòng có hành vi vay, mượn tiền của viên chức trong cơ quan để đánh bạc. Trên cơ sở thông tin này, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên trên. Ngoài 2 nội dung sai phạm đã nêu, tổ kiểm tra còn làm việc với Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (Công an TPHCM) nhằm xác định đảng viên này có đi Campuchia đánh bạc hay không. Quy trình kiểm tra được thực hiện chặt chẽ và đảng viên có hành vi sai phạm đã “tâm phục, khẩu phục”. Kết quả, Đảng ủy đã quyết định thi hành kỷ luật với hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với trường hợp này.