Lúa “sốt” theo hợp đồng xuất khẩu!
Dọc theo các tuyến kinh, sông chính ở Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang gắn với các chành gạo nhịp bán buôn, vận chuyển lúa gạo đang trở nên sôi động. Sự sôi động của thị trường lúa gạo ở 4 tỉnh, thành này xuất phát từ “lực hút” của việc Việt Nam vừa trúng thầu 300.000 tấn gạo từ Indonesia và 130.000 tấn từ thị trường Phillipines.
Theo Bộ NN&PTNT, nhờ cải thiện tốt chất lượng sản phẩm, tập trung vào các phân khúc gạo chất lượng cao, gạo thơm, đặc sản…; tận dụng những thuận lợi của thị trường nên xuất khẩu của Việt Nam đã có bước tăng trưởng đáng ghi nhận.
Đến đầu tháng 5-2018, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 2,2 triệu tấn, với giá trị khoảng 1,1 tỉ USD, tăng gần 60% về giá trị và sản lượng so với cùng kỳ năm 2017, tăng gần 60 giá trị và sản lượng. Đây là mức tăng trưởng kỷ lục trong vòng 5 năm qua.
Đáng mừng hơn khi giá xuất khẩu bình quân của gạo Việt đã vượt ngưỡng 500 USD/tấn, cao hơn khoảng 200 USD so với cách đây 5 năm. “Nông dân bán lúa đông xuân 5.200 đồng – 5.600 đồng/kg tại ruộng. Với năng suất đạt khoảng 7 tấn/ha, lợi nhuận của nông dân đạt mức cao nhất trong 5 năm qua. Điều đáng mừng là tình hình xuất khẩu gạo từ cuối năm ngoái đến giữa tháng 5-2018 khá thuận lợi đã kích thích giá lúa luôn ở mức cao, có lợi cho nông dân. Không chỉ lúa đông xuân, mà ngay lúa hè thu vụ này cũng được nhiều doanh nghiệp “đặt cọc” thu mua tại ruộng của nông dân” – ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 6.600 – 6.650 đồng/kg, lúa dài khoảng 6.850 – 6.900 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 8.550 – 8.660 đ/kg, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 8.400 – 8.500 đồng/kg (tùy từng địa phương). Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì hiện khoảng 10.000 – 10.100 đồng/kg, gạo 15% tấm 9.700 – 9.800 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 9.400 – 9.500 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.
Song, Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu gạo của Việt Nam nhiều nhất. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch gạo của Việt Nam khoảng 2,4 triệu tấn; năm nay có khả năng tăng lên 2,7 triệu tấn. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đã có bước tiệm cận và thậm chí cao hơn gạo Thái Lan cùng chủng loại.
Có thể nói đây là thời điểm lúa gạo Việt Nam khởi sắc toàn diện so với nhiều năm qua: giá lúa gạo nội địa ổn định mức cao có lợi cho nông dân, xuất khẩu gạo được mùa. Khi mà thời gian tới, xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo còn nhiều triển vọng gia tăng khi các doanh nghiệp trong nước đang tham gia đấu thầu bán gạo cho Hàn Quốc và chuẩn bị một hợp đồng mới cho Philippines.
* Phân khúc gạo cấp cao chiếm áp đảo!
Theo Cục Trồng trọt, đến giữa tháng 5-2018, ĐBSCL đã thu hoạch dứt điểm 1,6 triệu ha. Với năng suất 6,9 tấn/ha, sản lượng lúa đông xuân đạt trên 11 triệu tấn. Hiện nông dân ĐBSCL đã xuống giống gần 900.000/1,65 triệu ha lúa hè thu. Điều đáng mừng là hiện nay các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu gạo đã có bước chuyển tích cực. Theo đó, các chủ doanh nghiệp đã đầu tư khá bài bản vào vùng nguyên liệu trồng lúa. Điều này lý giải các phân khúc gạo phẩm cấp thấp giảm rất nhanh. Hiện nay, số lượng gạo cao cấp và gạo thơm của Việt Nam xuất khẩu chiếm trên 60%, phân khúc gạo trung bình và phẩm cấp thấp chỉ còn chiếm khoảng 12%.
Đây là một tỷ lệ “đảo chiều” theo hướng tích cực so với cách đây 10 năm (khi tỷ lệ xuất khẩu gạo cao cấp, gạo thơm chiếm chưa đến 10%).
Một tin vui vừa được ghi nhận, khi mới đây Bộ NN-PTNT vừa ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia Gạo Việt Nam/Vietnam Rice nhằm quảng bá sản phẩm, giữ gìn uy tín và nâng cao năng lực cạnh tranh cho gạo Việt.
Theo đó, Bộ NN-PTNT ủy quyền cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam là đơn vị quản lý Nhãn hiệu chứng nhận quốc gia Gạo Việt Nam/Vietnam Rice. Các sản phẩm gạo mang nhãn hiệu chứng nhận bao gồm nhóm gạo hạt dài, nhóm gạo hạt ngắn, gạo thơm trắng và gạo nếp trắng.
GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam nhấn mạnh: “Mục tiêu sản xuất lúa gạo của Việt Nam phải nhắm đến cải thiện thu nhập của nông dân trồng lúa là động cơ để phát triển sản lượng lúa cả nước. Xuất khẩu chỉ là một trong những phương tiện tạo thuận lợi cho sản xuất phát triển bền vững, an toàn lương thực. Tìm đầu ra cho nông sản có giá trị xuất khẩu cao có thể được xem là một trong các giải pháp được chọn. Điều kiện đặt ra: Việt Nam phải có chiến lược xuất khẩu gạo hợp lý - không phải từ hạt gạo mà từ hạt lúa”.
Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, thời gian tới cần có cơ chế và chính sách để thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp mạnh mẽ hơn; khuyến khích nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, để tiếp cận công nghiệp hóa. Trong khi diện tích nông nghiệp giảm, phẩm chất dinh dưỡng là chiến lược cần phải tiếp cận. Với khẩu phần ít, nhưng năng lượng cao, dinh dưỡng tốt sẽ là lời giải của tương lai.
Điều đáng mừng là ngoài đặt hàng cung cấp các giống lúa chất lượng cao, đặc sản, lúa thơm, gần đây các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã hợp tác với nông dân trồng lúa hữu cơ. Ngoài các hợp đồng truyền thống theo phân khúc gạo 5% tấm, 15% tấm, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo gần như đều có chủ đích nhắm đến một phân khúc gạo cao cấp, gạo thơm.
Hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã liên kết với nông dân trồng lúa, hình thành các vùng nguyên liệu gắn với đầu ra ở các phân khúc thị trường gạo chất lượng cao, gạo thơm. Hiện nay, đã xuất hiện sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp ở các vùng nguyên liệu tập trung hình thành cánh đồng lớn hay các HTX trồng lúa.
Hy vọng, đây sẽ thời điểm bước ngoặt để tạo ra những nền tảng vững chắc cho hạt gạo Việt Nam trên thương trường!