Như vậy, dù đã xuất hiện các tín hiệu hạ nhiệt căng thẳng Ấn Độ - Pakistan những ngày gần đây, lực lượng an ninh Ấn Độ vẫn tiếp tục thực thi chiến dịch truy quét các tay súng cực đoan khỏi nước này.
Ngược lại lịch sử, sau Thế chiến II, Anh rút quân khỏi Ấn Độ, trao trả độc lập cho tiểu lục địa Ấn Độ vào năm 1947 và chia cắt tiểu lục địa này, vào tháng 8-1947, thành hai quốc gia dựa trên cơ sở tôn giáo: Ấn Độ (với người theo đạo Hindu chiếm đa số) và Pakistan (với người theo đạo Hồi chiếm đa số). Trang mạng Areion24news cho biết, sự chia cắt này đã kích động phong trào phân biệt sắc tộc kéo dài cho tới nay, châm ngòi cho một trong những cuộc di cư lớn nhất lịch sử (ước tính trong giai đoạn này số người Hồi giáo phải di dời khỏi Ấn Độ sang phần đất mới của mình, và số người theo đạo Hindu phải sơ tán theo chiều ngược lại lên tới 12 - 14 triệu người). Hai bên đã trải qua 3 cuộc chiến tranh vì tranh chấp ở khu vực Kashmir, khởi nguồn cho mọi căng thẳng giữa hai nước. Tâm lý thù hận dân tộc giữa Ấn Độ và Pakistan ngày càng gia tăng và lan rộng. Tuy nhiên, kể từ năm 1998, những tình huống căng thẳng, mà lẽ ra đã có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh công khai, vẫn chỉ dừng lại là những cuộc khủng hoảng, bởi cả Ấn Độ lẫn Pakistan, dưới sức ép của các bên thứ ba, đã không mạo hiểm lựa chọn con đường xung đột hạt nhân.
Vấn đề thung lũng Kashmir vẫn là vấn đề phức tạp nhất và gây ra những tổn thất nặng nề nhất về người. Mỗi nước đều giữ các lập trường của họ, đẩy người dân sinh sống tại khu vực Kashmir vào thế bị bao vây, kìm kẹp. Ngoài ra, còn có các vấn đề khác như khu vực Jammu và Kashmir; tranh chấp biên giới trên biển. Tình hình ở Afghanistan cũng làm gia tăng sự đối đầu giữa Ấn Độ và Pakistan khi Ấn Độ đầu tư mạnh mẽ vào nước này để giúp Chính quyền Kabul ổn định đất nước còn Pakistan lại là nơi ẩn náu dành cho các thủ lĩnh Taliban. Ấn Độ cáo buộc Pakistan sử dụng những kẻ nổi dậy này để chống lại New Delhi. Trung Quốc và Ấn Độ đang cạnh tranh nhau vai trò lãnh đạo khu vực, trong khi Bắc Kinh và Islamabad đang duy trì một mối quan hệ rất thân thiết ...
Chưa kể, mọi nỗ lực xích lại gần nhau giữa hai nước luôn vấp phải bức tường quá khứ.
Những tác động từ hành động của hai bên lần này được đánh giá là khá lớn. Mặc dù vậy, không thể bỏ qua chuyến công du của Thái tử Saudi Arabia đến Ấn Độ, Pakistan và lần lượt đầu tư hàng chục tỷ USD vào hai quốc gia này. Không những đã ký thỏa thuận đầu tư rất lớn, mà trước khi rời Pakistan để đến thăm Ấn Độ, Thái tử Mohammed bin Salman còn nói muốn đứng ra hòa giải quan hệ giữa hai nước, không để cho tình hình leo thang. Có thể thấy Ấn Độ và Pakistan hiện vẫn chưa sẵn sàng xích lại gần nhau, và các cuộc đàm phán dường như ít có tính thực tế. Tuy nhiên, từ những phản ứng của cả hai bên, cũng thấy được dù xung đột có leo thang thì vẫn có thể kiểm soát. Suy cho cùng, hai bên đều cần phải làm thỏa mãn mong muốn của phe cứng rắn ở trong nước vốn có tâm lý thù hận từ xưa. Nhưng mặt khác, Ấn Độ và Pakistan cũng có thể hành động đúng đắn vì sự phát triển kinh tế nên sẽ không dễ dàng tuyên chiến.