Sáng 28-5, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, dịch tả heo châu Phi tiếp tục xuất hiện trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, đàn heo 26 con ở ấp Mỹ Thị, xã Mỹ An, huyện Tháp Mười vừa bị bệnh 12 con trong đó chết 6 con. Ngay lập tức, lực lượng thú y tiến hành lấy mẫu gửi đến Chi cục Thú y Vùng VII xét nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy những con heo này dương tính với virus gây bệnh dịch tả heo châu Phi.
Tại huyện Lấp Vò, đàn heo có 4 con của hộ chăn nuôi ở ấp Hòa Thuận, xã Vĩnh Thạnh cũng vừa bị bệnh khiến 2 con chết; sau khi xét nghiệm, kết quả bị bệnh dịch tả heo châu Phi.
Đáng lo nhất là ở huyện biên giới Tân Hồng, sau khi dịch bệnh xảy ra tại 4 hộ chăn nuôi heo ở xã Tân Hộ Cơ, với tổng đàn 187 con, thì mới đây bệnh tiếp tục xuất hiện tại 3 hộ chăn nuôi ở xã Thông Bình, tổng đàn 58 con, có 16 con chết. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm, có kết quả dương tính với virus gây bệnh dịch tả heo châu Phi.
Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp đã có 10 hộ chăn nuôi, ở 5 xã, của 4 huyện trên địa bàn tỉnh có heo mắc bệnh, với số lượng tổng đàn là 284 con (trong số này có 121 con heo rừng). Toàn bộ số heo trên đã được ngành thú y phối hợp với cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương tiêu hủy; đồng thời, tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực xung quanh… nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh lây lan ra diện rộng, giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi.
Bên cạnh đó, Sở cũng thành lập 2 đoàn kiểm tra, đôn đốc phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Công an tỉnh, chính quyền các địa phương thành lập thêm 5 chốt kiểm dịch tạm thời, đưa tổng số các trạm và chốt kiểm dịch tạm thời trên địa bàn tỉnh lên con số 14.
Ngoài ra, Sở yêu cầu các huyện cung cấp đường dây nóng để tiếp nhận thông tin dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại địa phương; cấp phát 24.000 tờ rơi phòng chống dịch…
Nhưng cái khó hiện nay là không đủ lực lượng và thành phần tham gia tại các chốt chặn tạm thời. Ngoài các tuyến đường chính trên quốc lộ, tỉnh lộ… thì còn rất nhiều các tuyến đường huyện lộ, đường nông thôn, ngõ ngách, bến đò, phà… nên khó có thể kiểm soát hết được việc vận chuyển động vật.
Ông Nguyễn Đăng Hải, Chủ tịch UBND thị xã Ngã Bảy, nhìn nhận: “Hạn chế trong xử lý ổ dịch là chúng tôi mất tới 5 ngày mới tiêu hủy xong đàn heo trên 1.000 con nhiễm bệnh ở xã Hiệp Lợi. Hố chôn với số lượng quá lớn nên địa phương đang tiếp tục giám sát nghiêm ngặt, nỗ lực hết sức để kiểm soát mầm bệnh lây lan từ ổ dịch. Qua rà soát, mầm bệnh có khả năng do thức ăn vận chuyển từ bên ngoài vào, bởi trại này tuân thủ tốt về điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng”.
Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh ĐBSCL, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã kiến nghị Trung ương sớm có hướng dẫn việc giết mổ heo trong, ngoài vùng có bệnh, để tỉnh tổ chức, quản lý tốt khâu vận chuyển, giết mổ đàn heo trên địa bàn. Xem xét hỗ trợ 30.000 lít hóa chất cho Hậu Giang để tăng cường vệ sinh tiêu độc, phòng bệnh dịch tả heo châu Phi.
Ông Trương Ngọc Trưng, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hậu Giang cho biết nguyên nhân lây lan dịch tả heo châu Phi là do "đặc trưng của vùng sông nước". Ông lý giải: Không ít người dân chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn sinh hoạt sàn nước cặp mương, gần chuồng nuôi heo (sàn nước thường là nơi rửa rau, thịt, cá được mua từ chợ); heo nuôi lớn gần bán – thương lái mua heo đến xem; giết mổ lẻ ở nông thôn, xe vận chuyển cuối làng đầu xóm để chở heo từ nhiều hộ… Họ mang theo mầm bệnh và đây là một trong nhiều nguyên nhân có thể làm lây lan nguồn bệnh dịch tả heo châu Phi.
Ông Trương Ngọc Trưng khuyến cáo người chăn nuôi, phải thực hiện nghiêm an toàn sinh học. Theo đó, phải làm hố vôi sát trùng trước cổng ra vào khu vực trại nuôi, đồng thời có thêm hố vôi sát trùng trước cửa trại heo.