Bên cạnh những ý kiến đồng tình, cũng có không ít người bày tỏ lo lắng việc thí điểm sẽ lặp lại “vết xe đổ” của mô hình trường tiên tiến.
Chính đại diện Sở GD-ĐT khi trả lời báo chí về lộ trình thực hiện cũng thừa nhận “ưu tiên chọn những trường đang thực hiện mô hình trường tiên tiến - hiện đại để thí điểm xây dựng trường học thông minh”.
Vậy câu hỏi được đặt ra: đâu là điểm khác nhau giữa trường học tiên tiến và trường thông minh? Vì sao chưa sơ kết hiệu quả thực hiện của mô hình thí điểm này, sở đã vội vàng triển khai thêm mô hình khác, tạo tâm lý hoang mang cho cả người học lẫn người dạy?
Theo giải thích của những người tổ chức, dự án đầu tư trường học thông minh là một trong những bước chuẩn bị để cùng với TP thực hiện đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”.
Theo đó, trường học thông minh sẽ hoạt động trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động giáo dục; đồng thời xây dựng môi trường tương tác trên không gian mạng giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Trong đó, một số mô tả như giáo viên sử dụng thành thạo bảng tương tác, thường xuyên áp dụng bài giảng e-learning trong dạy học, xây dựng kho học liệu mở, dạy học tích hợp, học sinh được hình thành kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng làm việc nhóm… rất giống nội hàm của mô hình trường tiên tiến. Vì vậy, nếu không có sự chuẩn bị đầy đủ, đề án thí điểm lần này sẽ có nguy cơ “bình mới rượu cũ”, khó đạt hiệu quả như mong đợi.
Cách đây chưa lâu, tại Hội nghị sơ kết học kỳ 1 năm học 2017-2018 bậc tiểu học, bà Huỳnh Thị Kim Trang, Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, cho biết nếu như năm học 2016-2017, toàn TP có 8 trường tiểu học thí điểm mô hình trường tiên tiến, thì qua năm học 2017-2018, con số này giảm chỉ còn 5 trường.
Trong đó, một trường tiểu học ở quận 2 chỉ tuyển sinh được 4 lớp 1 trên tổng chỉ tiêu tuyển sinh 6 lớp. Đại diện Sở GD-ĐT thừa nhận, chỉ tiêu mỗi quận, huyện ở mỗi bậc học có một đơn vị xây dựng theo mô hình trường tiên tiến hiện nay rất khó thực hiện, vì áp lực gia tăng dân số. Một mặt các trường phấn đấu giảm sĩ số học sinh/lớp để thực hiện các yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giảng dạy, nhưng mặt khác vẫn phải đảm bảo đủ chỗ học cho người dân.
Nay với đề xuất thí điểm thêm mô hình mới, trong khi chưa giải được 2 bài toán cũ là hạn chế về cơ sở vật chất và quá tải trường lớp, thì mọi kỳ vọng về một sự đổi mới đều khó tạo niềm tin từ xã hội.