Liên minh phá gọng kiềm

Với việc Mỹ tăng thuế đối với nhôm và thép từ Thổ Nhĩ Kỳ tương ứng lên tới 20% và 50% gây ra sự sụp đổ của đồng tiền lira Thổ Nhĩ Kỳ đến mức thấp nhất trong lịch sử, Ankara bắt đầu xích lại gần hơn với Nga, Iran và Trung Quốc, những nước cũng bị Washington áp thuế trừng phạt hoặc các biện pháp cấm vận. 

Chỉ riêng quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga và Iran trong vấn đề Syria đã cho thấy 3 nước này hợp tác tốt với nhau. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 14-8 đã thảo luận về giải quyết vấn đề Syria cũng như triển vọng quan hệ thương mại và đối tác kinh tế của 2 nước. Chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của ông Lavrov diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ xấu đi. Quan hệ giữa Washington và Ankara đã căng thẳng vì nhiều lý do, bao gồm cả trường hợp mục sư người Mỹ Andrew Brunson bị Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ vào năm 2016. Tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại người đứng đầu Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Abdulammit Gul và Bộ trưởng Nội vụ Suleiman Soylu, cáo buộc họ “vi phạm nghiêm trọng quyền con người”. Nga và Iran cũng vừa bị Mỹ áp đặt các biện pháp cấm vận mới, vì vậy phía Nga rất tâm đắc trước việc Thổ Nhĩ Kỳ khuyến khích không sử dụng đồng USD trong thanh toán quốc tế.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng ông có những người bạn thay thế Mỹ. Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ thực ra đã căng thẳng từ nhiều năm qua với bất đồng về Syria Trong đó Mỹ ủng hộ người Kurd ly khai tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ xem đây là lực lượng khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ cũng xem Mỹ chứa chấp Giáo chủ Fethullah Gulen bị Ankara cáo buộc chủ mưu vụ đảo chính bất thành năm 2016. Vì vậy, Ankara chủ động tăng cường quan hệ đối tác với các nước khác trong những năm gần đây, đầu tiên và quan trọng nhất là Nga, sau đó đến Trung Quốc. Quan hệ ngày càng mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga thông qua nhiều liên kết rộng lớn với điện Kremlin, hơn các đồng minh khác của Mỹ trong khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ còn chuẩn bị mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Báo Washington Post dẫn lời cựu nghị sĩ Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, ông Aykan Erdemir: “Thổ Nhĩ Kỳ trôi dạt từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sang liên minh với Nga và Iran”. 

Với Trung Quốc, thoạt nhìn, Bắc Kinh dường như không phải là một đối tác lý tưởng của Thổ Nhĩ Kỳ với đa số là người Hồi giáo. Nhưng Trung Quốc đang hứa hẹn Thổ Nhĩ Kỳ những gì nước này đã tìm kiếm không thành công với phương Tây. Nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu (EU) chưa bao giờ thực sự tiến triển, nhưng Trung Quốc đã chỉ ra rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể tham gia Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) thay vì EU. Tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc đã công bố quan hệ quân sự mở rộng vào thời điểm tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO nhạt nhòa hơn bao giờ hết. Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ - Trung Quốc đã tăng gấp 27 lần trong 15 năm qua, hiện đạt khoảng 27 tỷ USD mỗi năm. Với Iran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qassemi đã phê phán Mỹ đánh thuế trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cam kết hỗ trợ đầy đủ Ankara. Ông bày tỏ hy vọng rằng, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục phát triển các mối quan hệ song phương “tốt” và 2 nước sẽ cố gắng bổ sung để duy trì sự ổn định, an ninh trong khu vực. 

Một liên minh mới hình thành giữa Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc xem ra đang muốn phá vỡ gọng kiềm kinh tế của Washington và sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tiến trình hòa bình Trung Đông.

Tin cùng chuyên mục