Lịch sử Paris qua biển đường, tên phố

Thủ đô Paris của Pháp có tổng cộng hơn 6.000 con phố, đường đi lối lại, quảng trường và những cây cầu. Có những con đường mang tên các danh nhân, vĩ nhân nổi tiếng, nhưng cũng có những phố mang cái tên nghe khá lạ tai như “rue du chat qui pêche” (phố Mèo câu cá), khiến người qua lại phải tự hỏi, tại sao phố lại có tên như vậy.

Jean-Marie Cassagne, tác giả cuốn sách Paris - Từ điển về tên phố, cho biết những tên phố đầu tiên của Paris không phải là tên chính thức do nhà chức trách đặt mà do người dân trong xóm có con đường chạy qua, thống nhất gọi. Thời trung cổ, người Paris thường gọi một con đường theo tên một phường nghề trong khu vực có con đường chạy qua, chẳng hạn “rue des Boulangers” (phố Thợ làm bánh mì), “rue de la Ferronnerie” (phố Nghề làm đồ sắt xây dựng)…

Lịch sử Paris qua biển đường, tên phố ảnh 1 Phố Mèo câu cá ở quận 5, thủ đô Paris, Pháp
Người dân cũng hay gọi tên phố dựa theo các công trình lớn gần đó, hay liên hệ tới một vài chỉ dấu quen thuộc với mọi người trong khu phố. Do tên phố chỉ là người dân quen miệng gọi mà thành, nên chuyện một con phố có nhiều tên gọi khác nhau không phải là hiếm. Cuốn sách Phố Paris cho biết, 200/900 đường đi, lối lại ở Paris có ít nhất 2 tên gọi khác nhau.

Theo thời gian, Paris được mở rộng, phố xá ngày càng nhiều. Nếu cuối thế kỷ 13, Paris có khoảng 300 con phố thì tới thế kỷ 17, con số này là khoảng 800. Cũng chính vào thời này, các vị vua Henri V, Louis XIII và Louis XIV bắt đầu can thiệp vào việc đặt tên đường phố Paris nhằm ca tụng hoàng tộc.

Cách mạng tư sản Pháp 1789 tạo bước ngoặt lớn trong việc gọi tên đường phố Paris. Nhiều tên đường phố gắn với chế độ quân chủ và Thiên Chúa giáo bị loại bỏ. Các tên gọi vinh danh các nhà hoạt động cách mạng và tôn vinh lý tưởng chính trị, các khái niệm như bình đẳng, nhân quyền, tinh thần hòa hợp… được sử dụng nhiều. Việc đặt tên đường phố, quảng trường ở Paris chính thức thuộc quyền hạn và trách nhiệm của cảnh sát và cơ quan quản lý đường phố thuộc chính quyền Paris.

Ở những giai đoạn tiếp theo, sự thay đổi chế độ kéo theo một số thay đổi về các tên phố đang có ở Paris. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, các đường phố có từ trước không bị đổi tên nhiều. Chính quyền mới thường muốn kế thừa tên phố cũ, nhưng chú ý tới cách đặt tên các con đường mới mở.

Tới năm 1728, các con phố Paris được gắn biển tên, nhưng phải đến đầu thế kỷ 19, dưới triều Hoàng đế Napoleon, biển tên phố mới thực sự phổ biến ở Paris. Còn về cách đánh số nhà, để thuận tiện cho chính quyền kiểm soát việc xây dựng trái phép và việc buôn bán của các thương gia, các khu nhà ở Paris bắt đầu được đánh số. Năm 1805, cách đánh số nhà chẵn - lẻ như hiện nay mới được đưa vào quy định. Tính từ đầu phố tới cuối phố, nhà số lẻ luôn nằm bên tay trái, nhà số chẵn nằm bên tay phải.

Trong tổng số 6.000 đường phố, quảng trường ở Paris, chỉ có khoảng 300 phố, quảng trường được đặt theo tên nữ giới, trong khi có tới 4.000 con đường, quảng trường mang tên các nhân vật nổi tiếng là nam giới.

Trong những năm gần đây, chính quyền Paris chủ trương đặt tên đường phố, quảng trường theo tên các nhân vật nữ danh tiếng, chẳng hạn các nữ nghệ sĩ, nữ chính trị gia, nhà tranh đấu nhân quyền nữ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc đặt tên đường phố, quảng trường theo tên nữ giới nhiều khi mang tính gượng ép, chủ yếu liên quan đến các con phố nhỏ, các quảng trường nhỏ, không mấy người biết tới.

Năm 2015, dựa trên trang dữ liệu mở Open Data của thành phố Paris, Guillaume Delorez, một kỹ sư trẻ người Pháp, 29 tuổi, làm việc cho Google và chuyên về phát triển trang web, đã tạo ra Paristique - một loại bản đồ trực tuyến về nguồn gốc, lịch sử tên gọi của 6.840 đường phố, quảng trường, cầu, phố đi bộ... ở Paris.

Chỉ cần một cú nhấp chuột máy tính vào một điểm tròn trên bản đồ, chúng ta sẽ được đọc thông tin về nguồn gốc, ý nghĩa tên con phố, cây cầu hay quảng trường tương ứng. Tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa tên con phố, đối với người yêu Paris, cũng là một cách hiểu thêm về lịch sử của Paris qua các thời kỳ.

Tin cùng chuyên mục