TPHCM - Xuất khẩu lao động chưa thu hút người nghèo

Người lao động chưa mặn mà
TPHCM - Xuất khẩu lao động chưa thu hút người nghèo

Năm 2013, ngân sách TPHCM dành hơn 3,3 tỷ đồng hỗ trợ đưa người lao động nghèo, thân nhân của người có công và người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn TPHCM đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, đã bước sang nửa cuối năm 2013, việc đưa người lao động thuộc các diện trên đi làm việc ở nước ngoài vẫn ngổn ngang.

Người lao động đăng ký đi làm việc tại Malaysia. Ảnh: HỒ THU

Người lao động đăng ký đi làm việc tại Malaysia. Ảnh: HỒ THU

Người lao động chưa mặn mà

Số người nghèo đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) của TPHCM những năm gần đây rất hạn chế, chưa đến 100 người/năm. Cuối năm 2012, ngay khi có hướng dẫn thực hiện dự án hỗ trợ đưa người lao động (không bao gồm người lao động thuộc 62 huyện nghèo đã được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 71/TTg của Thủ tướng Chính phủ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, TPHCM đã bắt tay thực hiện. Công ty dịch vụ XKLĐ cho biết, số lượng người muốn XKLĐ đã ít lại rơi rụng dần. Năm ngoái, có 24 người nghèo muốn đi làm việc ở nước ngoài, nhưng khi chốt lớp học… không còn ai hết.

Ông Trần Hiếu Liêm, Phó Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công, Sở LĐTB-XH lo lắng, năm 2013 TPHCM được khoán hơn 3,3 tỷ đồng, tức cần phải đưa khoảng 600 người nghèo, thân nhân của người có công và người dân tộc thiểu số XKLĐ. Đối tượng đã rõ nhưng tiêu chuẩn (độ tuổi, thể hình) thế nào, cần được cụ thể vì không phải ai cũng đáp ứng điều kiện tham gia XKLĐ. Còn người nghèo phải xác định theo chuẩn TPHCM (12 triệu đồng/người/năm) hay theo chuẩn quốc gia (6 triệu đồng/người/năm) vì nếu theo chuẩn quốc gia thì TPHCM không còn hộ nghèo?

Theo ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐTB-XH, hạn chế về sức khỏe, trình độ, sự bền chí, phong cách làm việc công nghiệp, tâm lý ngại xa nhà… là những yếu tố khó khăn của người lao động nghèo, thân nhân người có công và dân tộc thiểu số. Như vậy cần một quy trình làm việc khoa học, hiệu quả để không lãng phí; chú trọng sàng lọc, đào tạo kỹ nhằm đảm bảo đưa người phù hợp đi làm việc ở nước ngoài. Trong quá trình đào tạo, cần rèn cho người lao động có kỹ năng và thái độ nghiêm túc với công việc.

Lo nhất thị trường

Theo Sở LĐTB-XH, phạm vi áp dụng gồm các doanh nghiệp có chức năng đưa lao động VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Kinh phí hỗ trợ học nghề, học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động được chi trả thông qua hợp đồng giữa Sở LĐTB-XH TPHCM với doanh nghiệp XKLĐ.

Trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc khóa đào tạo, Sở LĐTB-XH và doanh nghiệp thanh lý hợp đồng và quyết toán kinh phí. Nếu có dưới 90% số học viên sau khi tốt nghiệp được đi làm việc ở nước ngoài thì doanh nghiệp chỉ được thanh toán học phí theo số lao động thực tế xuất cảnh. Các chi phí hỗ trợ khác cho người lao động thanh toán theo thực tế hóa đơn, chứng từ. Theo đánh giá, hình thức hỗ trợ như trên khiến doanh nghiệp không yên tâm tham gia với công tác đưa người thuộc các diện trên đi làm việc ở nước ngoài.

Hiện chỉ có Suleco, tuy nhiên thị trường của công ty chỉ có Nhật và Malaysia, ngoài ra có một số thị trường khác nhưng rất khó khăn. Lo nhất là thị trường bấp bênh, rất cần thị trường ổn định, có đơn hàng tốt để hạn chế rủi ro cho người lao động.

Người nghèo ở TPHCM đi XKLĐ được vay (tín chấp) 100 triệu đồng (50 triệu đồng từ Quỹ giảm nghèo, 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và 20 triệu đồng từ Ngân hàng NN-PTNT). Với hai đối tượng còn lại, sở sẽ làm việc với các bên liên quan và ngân hàng để có thỏa thuận tốt đẹp nhất cho thân nhân người có công và người dân tộc thiểu số.

Điều kiện: Người lao động thuộc hộ nghèo, là thân nhân chủ yếu của người có công, người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn TP (ngoài người Hoa) có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, có hộ khẩu ở TPHCM, có sức khỏe, đủ điều kiện (độ tuổi, học vấn) đi làm việc ở nước ngoài. Theo Suleco, tiêu chuẩn cụ thể còn tùy từng nghiệp đoàn, nhà máy và khi triển khai sẽ công bố nhưng cơ bản như sau: đối với thị trường Nhật Bản, nam từ 19 - 28, nữ từ 19 - 26, sức khỏe tốt; thị trường Malaysia, nam, nữ từ 19 - 35 tuổi.

Người lao động được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học), học ngoại ngữ (3 triệu đồng/người/khóa học), bồi dưỡng kiến thức cần thiết (532.000 đồng/người/khóa học), tiền ăn trong thời gian học (15.000 đồng/người/ngày), đi lại (200.000 đồng/người), các chi phí làm thủ tục trước khi đi làm việc ở nước ngoài như hộ chiếu, visa, phí khám sức khỏe (sơ khám và khám trước khi xuất cảnh), lệ phí làm lý lịch tư pháp theo mức quy định hiện hành của nhà nước.

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục