Thất nghiệp thấp - phần nổi của tảng băng - Bài 2: Chẩn đoán đúng bệnh

Ở nhiều nước trên thế giới, chỉ tiêu tỷ lệ thất nghiệp được dùng để đánh giá tình hình sức khỏe của nền kinh tế. Tỷ lệ này thấp chứng tỏ nền kinh tế đang khỏe, tạo ra nhiều việc làm ổn định cho người lao động. Tuy nhiên, khi con số thất nghiệp ở Việt Nam quá thấp (2%), không ít người lại thấy lo.
Thất nghiệp thấp - phần nổi của tảng băng - Bài 2: Chẩn đoán đúng bệnh

Ở nhiều nước trên thế giới, chỉ tiêu tỷ lệ thất nghiệp được dùng để đánh giá tình hình sức khỏe của nền kinh tế. Tỷ lệ này thấp chứng tỏ nền kinh tế đang khỏe, tạo ra nhiều việc làm ổn định cho người lao động. Tuy nhiên, khi con số thất nghiệp ở Việt Nam quá thấp (2%), không ít người lại thấy lo.

        Phía sau những con số đẹp

Theo công bố, tỷ lệ thất nghiệp cả nước chỉ khoảng 2%. Phải chăng, thực tế nước ta rất ít người thất nghiệp?

Tại tỉnh Thái Bình, nhiều công ty nhỏ và vừa giải thể cũng đã đẩy một lượng lớn lao động vào cảnh không công ăn việc làm. Đặc biệt là trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, cú sốc lớn nhất là vụ gần 3.700 công nhân của Công ty TNHH Linh kiện điện tử Sanyo Việt Nam đột ngột mất việc vì công ty tuyên bố giải thể hồi đầu năm. Tuy nhiên, trao đổi với các cơ quan quản lý lao động, hầu như các các cơ quan chức năng đều cho rằng, hiện công nhân đã tìm được việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn không đáng kể. Bà Vũ Hồng Minh, Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Bắc Giang, khẳng định sau khi 3.700 công nhân của công ty trên bị mất việc, các trường hợp đủ điều kiện và thời gian đóng đều được hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp, giới thiệu việc làm mới. Trong đó, nhiều lao động đã di chuyển sang các tỉnh lân cận như Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội hoặc các doanh nghiệp khác ngay trên địa bàn để tìm việc. Theo bà, ngay 100% (hơn 2.000 công nhân) Công ty may Hà Phong vừa bị gián đoạn công việc trong vụ cháy lớn vừa qua đã trở lại làm việc.

Trao đổi về sự khác biệt giữa tỷ lệ thất nghiệp thấp trong khi nền kinh tế đang gặp khó khăn, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy và UBND TPHCM, các sở ban ngành đã có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, sản xuất kinh doanh của TP dần hồi phục, thu hút được lao động vào làm việc. 5 tháng đầu năm, có gần 124.000 lao động được giải quyết việc làm, đạt gần 47% so với kế hoạch, trong đó có 49.500 chỗ làm mới. Tỷ lệ thất nghiệp ở TPHCM (hơn 3% theo Cục Thống kê TPHCM điều tra mẫu và 4,9% theo Sở LĐTB-XH TPHCM thu thập thông tin cung cầu lao động) vẫn ở mức cao hơn so với các vùng miền trong cả nước, vì TPHCM tập trung lực lượng lao động từ các nơi khác đến nên luôn có sự biến động và dịch chuyển. Cũng theo ông Huỳnh Thanh Khiết, khi nền kinh tế phát triển cao, lao động trong khu vực chính thức tăng lên, lao động phi chính thức giảm mạnh. Ngược lại, khi nền kinh tế gặp khó khăn, lao động phi chính thức tăng lên, cho thấy người lao động ở TPHCM luôn thích nghi, năng động tổ chức cuộc sống của cá nhân, hộ gia đình với sự hỗ trợ tích cực từ phía các cấp chính quyền TP và cả hệ thống chính trị.

Công nhân KCX Tân Thuận đi chợ sau khi tan ca. Ảnh: Việt Dũng

Công nhân KCX Tân Thuận đi chợ sau khi tan ca. Ảnh: Việt Dũng

        Ít thất nghiệp, chỉ... bấp bênh

Điều bất ngờ, trong khi thực tế tình hình DN gặp khó khăn, người lao động cũng lao đao vì mất việc làm thì tỷ lệ thất nghiệp mà Bộ LĐTB-XH vừa trình Quốc hội chỉ có 2%. Con số được các chuyên gia cho là quá đẹp, không phản ánh đúng tình hình thực tế. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định, tình hình lao động Việt Nam có đặc thù riêng so với các nước khác. Phần lớn DN mới thành lập là DN vừa và nhỏ, sử dụng chủ yếu lao động nông nghiệp chuyển sang. Khi các DN này phá sản, lực lượng lao động lại trở về nông thôn, vì vậy họ vẫn có việc làm và thu nhập, tuy thu nhập thấp, bấp bênh. Trong khi đó vẫn có những DN mới thành lập với quy mô lớn, có khi một nhà máy mới có thể tạo ra hàng chục ngàn việc làm, bằng số lượng lao động của hàng ngàn DN nhỏ.

Trao đổi với PV SGGP, Thứ trưởng thường trực Bộ LĐTB-XH Nguyễn Thanh Hòa cho hay, đây là tỷ lệ do Tổng cục Thống kê phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) điều tra và công bố theo cách phân tích, tính toán của họ. Số thất nghiệp ở Việt Nam chỉ có khoảng 1 triệu người. Theo ông Hòa, số liệu như vậy là phù hợp với thực tế hiện nay vì thị trường lao động đang dần khởi sắc trở lại, tình hình hoạt động của DN cũng như nền kinh tế đã có dấu hiệu dần hồi phục, việc làm nhiều hơn. Thực tế không chỉ hiện nay mà ngay từ đợt khủng hoảng kinh tế năm 2008, số lao động thuộc khu vực không chính thức, lao động tự do, lao động tại các làng nghề… hầu như không bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc khủng hoảng, có thể tự xoay xở, tạo ra việc làm khác cho mình, nhất là ở lĩnh vực dịch vụ, sản xuất nông nghiệp. Ông Hòa giải thích thêm, ở Việt Nam chỉ những người có quan hệ lao động, được ký hợp đồng lao động khi bị mất việc, DN cắt giảm nhân lực, giải thể, phá sản… mới được coi là thất nghiệp; còn các trường hợp lao động thuộc khu vực phi chính thức, không có hợp đồng lao động khi mất việc chỉ được coi là thiếu việc làm.

Theo Bộ LĐTB-XH, người có việc làm là người có làm việc ít nhất một giờ trong giai đoạn tham chiếu (1 tuần trước cuộc điều tra) để nhận tiền lương, thù lao, lợi nhuận. Còn người thất nghiệp là người trong giai đoạn tham chiếu đang không có việc làm hoặc đang đi tìm việc. Cũng theo bộ này, các định nghĩa trên được quốc tế sử dụng chung và phù hợp với Việt Nam. Trong khi đó, đặc thù của tình hình lao động Việt Nam là do nhu cầu mưu sinh, khi bị mất việc nọ, người lao động nước ta phải kiếm bất cứ việc khác thay thế, không ổn định và khu vực phi chính thức chính là nơi thu hút lao động thất nghiệp. Đặc thù đó cộng với định nghĩa như trên về người có việc làm, nên ở Việt Nam rất ít người thất nghiệp. Và, thất nghiệp không phải là một vấn đề nghiêm trọng đối với nước ta!

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, định nghĩa trên không phù hợp với Việt Nam. Bởi ở các nước phát triển, một giờ làm việc có thể tạo ra thu nhập nuôi sống người đó trong một tuần. Ở nước ta, một giờ làm việc chỉ tạo thu nhập nuôi sống trong một ngày, trong khi nước ta lại chưa có an sinh xã hội tốt, độ bao phủ của bảo hiểm xã hội còn thấp. Giới hạn quanh tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn TPHCM, thạc sĩ Lê Văn Thành (Viện Nghiên cứu phát triển TP) cho rằng, trên thực tế, tỷ lệ này cao hơn nữa vì hiện chưa tính hết số lao động tự do - phi chính thức. Hàng năm, khoảng 40.000 lao động nhập cư TP, chỉ có một phần vào làm tại khu vực chính thức, còn lại họ đi đâu - ngoài làm thợ đụng, đụng gì làm nấy? Kinh tế khó khăn, xu hướng dịch chuyển nhiều lao động từ khu vực chính thức sang phi chính thức. Để có cái nhìn chính xác, theo ông Thành, cần phải điều tra, khảo sát đầy đủ. Tuy nhiên, theo ông, cần lưu ý rằng vấn đề tiền lương của người lao động là vấn đề cơ bản. Nhiều người thu nhập thấp, nên dù không thất nghiệp thì cuộc sống vẫn rất chật vật, tạm bợ, bấp bênh.

Tại kỳ họp Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) tỏ rõ sự băn khoăn. Theo ông, những con số khảo sát trên là “khó tưởng” trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện tại. “Sự băn khoăn của các đại biểu là có cơ sở. Những con số thiếu độ tin cậy có thể do kỹ thuật, có thể do phương pháp, có thể do trách nhiệm, do thiếu minh bạch và do cả bệnh thành tích. Không có số liệu đúng và đủ, không thể đưa ra đánh giá đúng tình hình, không thể dự báo chính xác các xu hướng, không thể đưa ra các quyết sách, chủ trương, giải pháp đúng được và như thế quyết định điều hành sẽ gặp rất nhiều rủi ro” - đại biểu Hiến khẳng định. Đó cũng là trăn trở của không ít đại biểu.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã từng phát biểu với báo giới rằng các số liệu về tiền lương, tạo việc làm mới, thất nghiệp đều có vấn đề. Theo ông, trong khi tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP đều giảm so với năm trước, số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm dừng hoạt động hay phá sản lại tăng mà con số việc làm mới không hề bị ảnh hưởng, thậm chí còn tăng và tỷ lệ thất nghiệp lại giảm là điều không thể hiểu nổi.

ĐƯỜNG LOAN - PHÚC VĂN - HỒNG HIỆP

- Thông tin liên quan:

>> Bài 1: Bỗng dưng… thất nghiệp

Tin cùng chuyên mục