Bỗng dưng… thất nghiệp

Dễ thất nghiệp
Bỗng dưng… thất nghiệp

Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) phải cắt giảm nhân sự; hoạt động sản xuất ở các làng nghề, cơ sở kinh doanh và sản xuất nông nghiệp cũng còn trắc trở, nhiều người lao động… bỗng dưng thất nghiệp.

Người thất nghiệp đăng ký tìm việc làm tại Sàn giao dịch việc làm TPHCM. Ảnh: NGỌC MAI

Người thất nghiệp đăng ký tìm việc làm tại Sàn giao dịch việc làm TPHCM. Ảnh: NGỌC MAI

Dễ thất nghiệp

Bước ra khỏi Phòng Bảo hiểm thất nghiệp của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội với gương mặt thẫn thờ, Trịnh Thị Hoài (ngoài 20 tuổi, quê Thanh Hóa) cho biết, chị làm công nhân tại Công ty Neisse (đặt tại KCN Quang Minh, huyện Mê Linh, chuyên sản xuất linh kiện điện tử) được 2 năm. Mới đây, công ty đột ngột thông báo, vì khan hiếm đơn hàng, thu hẹp sản xuất, cần sắp xếp lại nhân sự và toàn công ty dôi dư ra hơn 2.000 lao động. “Công việc thiếu nên càng tăng thêm áp lực đối với công nhân. Trước kia, lỗi nhỏ của công nhân có thể được bỏ qua, nhưng bây giờ có lỗi là bị phạt, thậm chí còn bị “soi” lại hồ sơ để cắt giảm những trường hợp bị  nhiều lỗi trước đó. Vì thế, tư tưởng công nhân không được thoải mái, nhiều người đã tự xin nghỉ”- Hoài nói.

Cũng tự dưng rơi vào “thảm cảnh” là chị Hải (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) và 4 đồng nghiệp là nhân viên chi nhánh Công ty cổ phần Tân Tân tại TPHCM (chế biến đậu phộng chiên). Sau 3 tháng không được nhận lương, chị Hải và đồng nghiệp mới biết công ty không đóng bảo hiểm cho các chị. Mất việc, giam lương, chưa lấy được sổ BHXH, hiện chị Hải tạm thời ở nhà chờ việc.

Chủ tịch UBND huyện Củ Chi (TPHCM) Lê Minh Tấn cho biết, từ đầu năm đến nay đã có 127 DN trên địa bàn giải thể (hiện huyện chỉ còn 1.500 DN), gần 200 lao động mất việc làm. Tại quận 12, nhiều DN, nhất là các DN ở các lĩnh vực vốn thâm dụng lao động, đóng cửa khiến người lao động lao đao như: 200 công nhân ở Công ty TNHH Sam Sam (may); gần 800 công nhân ở Công ty TNHH Đức Thành (sản xuất giày); hơn 160 người ở Công ty TNHH Tiến Long (may)… Ông Nguyễn Cao Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM, cho biết, 5 tháng đầu năm, TPHCM có hơn 50.600 người (giảm 28% so với cùng kỳ) đến đăng ký thất nghiệp.

Trong khi đó, nhiều người lao động tự do, làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng đang chật vật, ngồi chơi xơi nước. Tại các làng nghề cơ khí cán luyện thép lớn nhất miền Bắc như Đa Hội (huyện Từ Sơn, Bắc Ninh), Vĩnh Lộc (huyện Thạch Thất, Hà Nội)… hàng loạt chủ cơ sở phá sản, đóng cửa vì đang nợ ngân hàng, họ hàng, người thân hay tín dụng đen từ 5 - 7 tỷ đồng, thậm chí số nợ lên tới 20 tỷ đồng… Hệ quả, công nhân, người lao động làm mướn bị sa thải hàng loạt.

Anh Trần Văn Bền, chủ cơ sở thép Thủy Bền (Đa Hội) cho biết, trước kia lúc nào xưởng anh cũng thuê 50 - 60 lao động nhưng nay phải cắt giảm triệt để, chỉ để lại chừng 10 công nhân hoạt động cầm chừng. Được biết, trước đây có khi số lượng lao động ở Đa Hội lên tới hơn 1.000 người, nhưng từ năm 2012 đến nay chỉ còn khoảng 200-300 người. Từ khi sản xuất lâm vào bế tắc, lao động làm thuê từ khắp các tỉnh như Phú Thọ, Thanh Hóa, Tuyên Quang… đành phải tứ tán khắp nơi.

Nhiều công nhân thất nghiệp chuyển sang bán hàng rong kiếm sống. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Nhiều công nhân thất nghiệp chuyển sang bán hàng rong kiếm sống. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Khó kiếm việc làm

* Theo Cục Thống kê TPHCM, trong 5 tháng đầu năm có hơn 9.300 DN đăng ký thành lập mới (tăng 1,6% so với cùng kỳ) nhưng số vốn đăng ký lại giảm 27%. 4 tháng đầu năm có gần 6.400 DN ngưng hoạt động (bằng gần 62% DN tăng trong kỳ), chủ yếu là công ty cổ phần, có vốn đầu tư nước ngoài.

Hiện có rất nhiều trường hợp làm công nhân cũng khó khăn, mà trở về quê lao động tự do cũng chật vật vì chuyện mưu sinh, như trường hợp chị Nguyễn Thị Quý ở xã Ngọc Liệp (Quốc Oai, Hà Nội). Chị Quý cho biết, giữa năm ngoái, vào làm công nhân tại một công ty may gia công ở KCN Quốc Oai được 6 tháng thì công ty thông báo cắt giảm hàng loạt lao động. Bị mất việc đột ngột lại không được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, mất hẳn nguồn thu nhập nuôi hai đứa con, chị xin tạm vào làm thuê ở một cơ sở thu mua, phân loại sắt vụn trong khu làng nghề công nghiệp Vĩnh Lộc (Thạch Thất, Hà Nội) gần đó để mong kiếm sống qua ngày. Song cũng chỉ được 1 - 2 tháng, cơ sở này cũng đóng cửa. Bí quá, chị quay về làng chạy chợ theo kiểu buôn thúng bán mẹt nhưng cũng không đủ trang trải vì giờ khó khăn, người dân thắt chặt mua sắm.

Các phường, xã của TPHCM cũng phản ánh, khó nhất là người nghèo thiếu việc làm tại chỗ. Lãnh đạo phường Long Phước cho hay, cả phường chỉ có một xí nghiệp cần khoảng 300 công nhân nên không biết kiếm đâu ra nơi để giải quyết việc làm cho người lao động khác.

Tại huyện Cần Giờ, ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cần Giờ than thở: Tiếng là đất đai rộng rãi, song chỉ 1/7 diện tích đất của huyện có thể nuôi trồng thủy sản. Nhưng TP đã cấm người dân Cần Giờ nuôi vịt; còn các mô hình nuôi rắn, heo lai, cua lột, cá dứa… vẫn chỉ dừng ở thí điểm; nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn hạn chế…

Ông Trần Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM, cho hay, TP có 57 HTX nông nghiệp nhưng đa phần thiếu đất sản xuất nên các HTX hoạt động tốt chỉ có hạn, còn lại chủ yếu hoạt động cầm chừng, trong khi đa số thanh niên ngoại thành không muốn làm nông nghiệp.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, cho biết trong tháng 6-2013, sinh viên mới tốt nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng bổ sung một lượng lớn vào thị trường lao động. Ngoài lý do nhu cầu thị trường sụt giảm, một nguyên nhân khác khiến lao động có bằng cấp khó tìm việc là kinh nghiệm và trình độ, kỹ năng. Trên 50% sinh viên mới tốt nghiệp có bằng cấp nhưng thiếu kiến thức thực tế, thiếu kỹ năng mềm, gặp nhiều khó khăn khi tìm việc và thường rơi vào thất nghiệp tạm thời. Nguyên nhân khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng còn do thị trường lao động vẫn tồn tại tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề, trình độ chuyên môn của người lao động.

Ông Trần Văn Hà, Trưởng phòng Việc làm và thị trường lao động của Sở LĐTB-XH tỉnh Bắc Giang, cũng cho hay, tỷ lệ lao động phổ thông thất nghiệp, thiếu việc làm chỉ chiếm rất ít mà thất nghiệp nhiều lại chủ yếu là lao động được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học. Năm 2012, cả tỉnh Bắc Giang có chừng 3.000 lao động thiếu việc làm thuộc diện như vậy.

Khó khăn về việc làm, từ 2 năm nay, nhiều lao động ở các tỉnh phía Bắc còn kéo lên khu vực biên giới, xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để làm thuê, làm cửu vạn dưới hình thức lao động “chui”. Thượng tá Ninh Văn Hợp, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Đồng Đăng - Lạng Sơn), cho biết tình trạng lao động xuất cảnh “chui” sang Trung Quốc ngày càng phức tạp. Đây cũng là vấn đề mà cơ quan chức năng của Trung Quốc thường xuyên đưa ra mỗi khi giữa hai bên tổ chức hội đàm, trao đổi ở cấp địa phương hoặc lực lượng biên phòng hai bên. Thượng tá Hợp cho biết thêm, nhiều lao động xuất cảnh trái phép đã được cơ quan chức năng Trung Quốc trao trả, bàn giao cho cơ quan biên phòng nước ta.

- Bài 2: Chẩn đoán đúng bệnh

ĐƯỜNG LOAN - PHÚC VĂN- HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục