Các đại biểu đã thành kính dâng hương, mặc niệm tưởng nhớ vị lãnh tụ của giai cấp công nhân, một tấm gương sáng về cần kiệm, liêm chính, hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.
Nhân kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 - 20-8-2017), sáng 19-8, tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng (TPHCM), đoàn đại biểu lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ Việt Nam TPHCM do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM làm Trưởng đoàn đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Các đồng chí lãnh đạo TPHCM dâng hương tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Ảnh: VIỆT DŨNG
Tham gia cùng đoàn có các đồng chí: Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, các sở ban ngành, lực lượng vũ trang nhân dân, nhân sĩ trí thức, chức sắc tôn giáo, đại biểu dân tộc, người lao động, học sinh, sinh viên,....
Các đại biểu đã thành kính dâng hương, mặc niệm tưởng nhớ vị lãnh tụ của giai cấp công nhân, một tấm gương sáng về cần kiệm, liêm chính, hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.
Sau lễ dâng hương, dâng hoa các đại biểu đã tham quan phòng trưng bày truyền thống, trưng bày 15 năm tù Côn Đảo, nơi tái hiện lại không gian “Hầm xay lúa” ở Côn Đảo. Đây là nơi Bác Tôn đã từng bị giam cầm. Phòng trưng bày góp phần giáo dục truyền thống cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các đồng chí lãnh đạo TPHCM xem triển lãm tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Ảnh: VIỆT DŨNG
Sinh thời, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người công nhân ưu tú, vị lãnh tụ của giai cấp công nhân Việt Nam, người đã sáng lập ra tổ chức Công hội Đỏ, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ XX, đã sống, chiến đấu và cống hiến trọn đời cho Tổ quốc, nhân dân.
Người đã tạo một bước ngoặt to lớn trong phong trào đấu tranh của công nhân, chuyển từ đấu tranh tự phát sang đấu tranh tự giác, từ việc đấu tranh chỉ để đòi những quyền lợi trước mắt sang đấu tranh có tổ chức và mang tính chính trị, góp phần quan trọng vào phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân thế giới.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Tôn đã trải qua nhiều thử thách, gian nan. Qua đó làm sáng ngời lòng trung thành và dũng cảm của công nhân Việt Nam ưu tú.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng là biểu tượng của sự nghiệp đại đoàn kết đồng bào, đồng chí, đoàn kết anh em, bạn bè quốc tế. Từ cuộc sống người thợ, rồi chốn lao tù đến khi giữ những trọng trách của Đảng và Nhà nước, Bác Tôn luôn dành tất cả tình cảm cho đồng bào, đồng chí, sẵn lòng chia sẻ những khó khăn với tất cả mọi người.
Bác Tôn là người Việt Nam đầu tiên được trao tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của nước ta vào tháng 8-1958.
Cùng ngày, Đoàn đại biểu các sở, ban ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TPHCM; các quận, huyện, đơn vị đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
THÁI PHƯƠNG