Lắng nghe, chia sẻ ở thư viện người

Đến thư viện, thay vì mượn sách thì mượn người, thay vì đọc sách thì nghe “người sách” kể chuyện. Đó là dự án độc đáo Human Library, tạm dịch là Thư viện người.

Đến thư viện, thay vì mượn sách thì mượn người, thay vì đọc sách thì nghe “người sách” kể chuyện. Đó là dự án độc đáo Human Library, tạm dịch là Thư viện người.

Mô hình đọc sách này do Hiệp hội Stop The Violence phát triển, theo lời yêu cầu của ông Leif Skove, Giám đốc Liên hoan nhạc Rock-Roskilde, ở Copenhagen, Đan Mạch, nhằm đấu tranh chống bạo lực và thúc đẩy đối thoại. Ra mắt công chúng lần đầu tiên vào mùa xuân năm 2000, sự kiện đã nhận được sự hưởng ứng rất lớn. Kể từ đó, Thư viện người được tổ chức hàng năm tại nhiều nước trên thế giới.

“Người sách” Chan See Ting chia sẻ với độc giả về nỗ lực vượt qua mặc cảm bệnh tật.

Theo RFI, Thư viện người có mục đích xóa bỏ mọi định kiến, thành kiến bằng cách tạo cơ hội cho mọi người lên tiếng. Ý tưởng của dự án này là tạo điều kiện cho độc giả của thư viện tiếp xúc, trao đổi với những người mà trong cuộc sống thường nhật, họ khó hoặc không bao giờ có thể gặp gỡ được. Như vậy, độc giả có thể “mượn người sách”, tức là gặp một người cụ thể, để “đọc”, tức là nghe, trao đổi với người sách. Ví dụ, tại Thư viện người tổ chức tại Singapore gần đây, các độc giả được gặp Chan See Ting, một cô gái đã nỗ lực vượt qua mặc cảm của căn bệnh rụng tóc. Là một cô gái yêu làm đẹp với niềm tự hào về mái tóc dài, đen, mượt của mình, Chan See Ting gần như sụp đổ khi bác sĩ chẩn đoán cô bị mắc chứng bệnh rụng tóc (alopecia areata). Không chỉ vì yếu tố thẩm mỹ, Chan See Ting còn hoảng sợ với suy nghĩ mất đi mái tóc là mất đi bản sắc thuộc về phụ nữ. Nhưng rồi mọi chuyện thay đổi khi cô quyết định chia sẻ câu chuyện của mình qua Facebook 2 năm trước và nhận được sự động viên, chia sẻ của đông đảo người sử dụng mạng xã hội này. Từ đó, Chan See Ting chấp nhận thực tế, để rồi sống tích cực hòa nhập với cuộc sống thường ngày.

Truy cập vào địa chỉ trang web http://humanlibrary.org, có thể thấy rất nhiều chủ đề như tị nạn, tự kỷ, HIV… mà người quan tâm có thể tham gia. Khi gặp “người sách”, độc giả có thể lắng nghe họ chia sẻ, đặt các câu hỏi mà không phải kiêng kỵ, tránh né gì cả. Hay nói một cách khác, độc giả đọc cuốn sách đặc biệt khi sự giao tiếp bắt đầu. Tuy nhiên, mô hình đọc sách độc đáo này cũng có những tình huống tế nhị xảy ra, do mỗi nước có những chủ đề nhạy cảm riêng. Ví dụ, điển hình là tại Nga hồi tháng 9-2016, Thư viện người đã phải chịu sức ép từ chính quyền St.Petersburg do có một “người sách” muốn kể lại câu chuyện đồng tính của mình.

Để tham dự một buổi đọc sách ở Thư viện người, việc đầu tiên độc giả phải làm là đăng ký trên trang web http://humanlibrary.org. Trang mạng này đăng lịch các nơi trên thế giới tổ chức Thư viện người (đã có hơn 60 nước tổ chức sự kiện này). Sau đó, độc giả chọn địa điểm và chọn “người sách” trong danh mục, rất nhiều chủ đề để lựa chọn. Hồi tháng 11 năm ngoái, ở Singapore ghi nhận số “người sách” đông đảo tham gia sự kiện này với 80 người.

Buổi đọc sách thường kéo dài khoảng 30 phút, “người sách” kể về mình, về quá trình sinh sống, làm việc cho một nhóm độc giả dưới 10 người. “Người sách” trả lời mọi câu hỏi, kể cả những câu hỏi liên quan đến chuyện riêng tư nhất. Còn nếu muốn trở thành “người sách”, người quan tâm đăng ký trên trang web và nhóm phụ trách Thư viện người sẽ liên lạc. Đối thoại luôn là cách tốt nhất để người với người tìm được đồng cảm và rồi từ đó hiểu, chia sẻ và giúp đỡ nhau. Trong nhịp sống gấp gáp của cuộc sống hiện đại ngày nay, những khoảng thời gian để lắng nghe, chia sẻ suy nghĩ với nhau thực sự vô cùng quý giá, bởi đó sẽ là lúc chúng ta được sống chậm lại, để chiêm nghiệm và rút ra những điều hữu ích cho cuộc sống của mình.

MINH CHÂU

Tin cùng chuyên mục