Thật vậy, môi trường - khí hậu đã trở thành chủ đề được quan tâm tới mức hầu hết các đảng đều phải “xanh hóa” cương lĩnh tranh cử, bất kể thuộc cánh tả, cánh hữu hay cực hữu, do cử tri ngày càng coi đây là nguy cơ cấp bách cần phải giải quyết. Tại Pháp, đảng Xanh vươn lên vị trí thứ ba, đẩy hai đảng lớn cánh tả và cánh hữu tụt xuống vị thế thấp hơn, dù được đánh giá là chưa thực sự có chính sách cụ thể. Báo Pháp Le Monde cho biết, ở Đức, đảng Xanh đã trỗi dậy ngoạn mục hơn, giành vị trí thứ hai trước cả đảng Dân chủ Xã hội. Thậm chí, người Anh đã vượt qua nỗi ám ảnh Brexit để gửi 7 thành viên đảng Xanh tới Nghị viện châu Âu.
Có thể thấy, một bộ phận lớn cử tri châu Âu hiện đã sẵn sàng từ bỏ các đảng truyền thống để bày tỏ mong muốn về một mô hình kinh tế xã hội mới, trong đó môi trường là trung tâm. Nhóm cử tri này chủ yếu tập trung ở Tây Âu. Các quốc gia ở Nam và Trung Âu thì ít bị ảnh hưởng bởi làn sóng Xanh tính tới thời điểm này, một phần do các nước thành viên hoặc là đi theo chiều hướng chính trị khác biệt với phần còn lại, hoặc là có trình độ phát triển thấp hơn. Người đứng đầu đảng Xanh châu Âu, nữ nghị sĩ người Đức Ska Keller chỉ giải thích ngắn gọn: Đây là một nhiệm kỳ để thay đổi.
Có được sự thành công ngoài mong đợi trên cũng nhờ sự ủng hộ không nhỏ của giới trẻ. Tại Pháp, đảng Xanh nhận được sự ủng hộ cao nhất của lớp người trẻ độ tuổi từ 18 đến 34. Một trong những nguyên nhân chính là hiệu ứng Greta Thunberg, nữ sinh trung học 16 tuổi người Thụy Điển đã huy động được hàng triệu người trên khắp hành tinh tham gia cuộc đấu tranh bảo vệ hành tinh, chống biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.
Tất nhiên, lực lượng dân tộc chủ nghĩa, dân túy hoặc cực hữu vẫn giành thắng lợi đáng kể, nhưng sự mở rộng của họ không mang tính chất đột phá mà tương đối phân tán. Những ngày tới sẽ là thời gian dành cho các cuộc tham vấn và đàm phán để quyết định bộ máy lãnh đạo EU, gồm các chức danh đứng đầu EP, Ủy ban châu Âu (EC), Hội đồng châu Âu và Ngân hàng trung ương châu Âu và cả chức Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại. Một điều đáng khích lệ là các đảng ủng hộ hội nhập châu Âu vẫn là lực lượng áp đảo trong EP, chiếm 67% số ghế.
Ngoài hai đảng chủ chốt trên, EP còn có hai nhóm lớn khác là Liên minh tự do và dân chủ (ALDE) theo đường lối trung dung và đảng Xanh. Cục diện mới tạo điều kiện để đảng Xanh và ALDE có thể tham gia lãnh đạo và quyết định các vấn đề lớn của EU. Xu hướng “xanh hóa” được dự đoán rất hứa hẹn bởi nó không chỉ có ý nghĩa ở cấp độ châu Âu mà là bước đầu tiên để đạt được quy mô toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Châu Âu đã đi tiên phong trong cuộc chiến này, và EP giờ đóng một vai trò cụ thể. Đối với hành tinh và sự đổi mới chính trị ở EU, sự đột phá của làn sóng Xanh thực sự là tin tốt lành.