Lần đầu tiên ở ĐBSCL điều trị tật khúc xạ cho nhóm cận thị hiếm gặp

Ngày 18-9, Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ cho biết, bệnh viện là đơn vị đầu tiên ở ĐBSCL chính thức triển khai phương pháp kỹ thuật cao Phakic ICL, điều trị tật khúc xạ cho nhóm cận thị hiếm gặp. Trong tháng 9-2020, bệnh viện đã điều trị thành công cho 5 bệnh nhân với độ cận hiếm gặp.

Phakic ICL là phương pháp phẫu thuật đặt thấu kính nội nhãn để điều trị tật khúc xạ. Thấu kính nội nhãn với thông số được “cá nhân hóa”, theo độ khúc xạ và kích thước bên trong mắt của người bệnh, được đặt vào vị trí sau mống mắt, trước thủy tinh thể. Đây là phương pháp phẫu thuật tối ưu dành cho những bệnh nhân bị cận loạn cao từ 8-9 diop trở lên hoặc giác mạc mỏng.

Đối với người bị cận thị tầm dưới 8 diop thì có thể lựa chọn các phương pháp trị thông thường. Còn đối với trường hợp bệnh nhân có độ cận thị cao, kèm với loạn thị và đặc biệt là những người có cấu trúc giác mạc tự nhiên quá mỏng, sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị bằng phương pháp Phakic ICL.

Lần đầu tiên ở ĐBSCL điều trị tật khúc xạ cho nhóm cận thị hiếm gặp ảnh 1 Bác sĩ ở Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ, khám mắt cho bệnh nhân 

Các bệnh nhân bị tật khúc xạ với độ cận loạn cao, giác mạc mỏng đã được Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ phối hợp cùng bác sĩ Jullian Theng (Singapore) tiến hành đặt kính và phẫu thuật Phakic ICL để phục hồi thị lực. Sau phẫu thuật 1 ngày, các bệnh nhân phục hồi thị lực rất tốt và sinh hoạt bình thường.
Phương pháp Phakic ICL thuộc nhóm kỹ thuật cao nhất trong các phương pháp điều trị cận- viễn- loạn hiệu quả cao, nhưng đòi hỏi sự khắt khe trong chuyên môn cao của bác sĩ.
Phẫu thuật Phakic đã được công nhận ở châu Âu từ năm 1997 và được Mỹ công nhận vào năm 2005. Phương pháp này được áp dụng tại Việt Nam được khoảng 10 năm, tuy nhiên chỉ mới có vài bệnh viện thực hiện được kỹ thuật này.

Tin cùng chuyên mục