Sáng 8-5 tại hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2018 tổ chức tại Hà Nội, PGS, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định: năm 2018, nhiều khả năng tăng trưởng GDP đạt tới 6,83%, vượt mục tiêu đề ra của Quốc hội. Mức tăng này có được nhờ quán tính tăng trưởng của năm trước, đi liền với những nỗ lực cải thiện năng suất của Chính phủ. Tăng trưởng kinh tế thế giới, với sự phục hồi của các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, nhóm nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) và khu vực ASEAN, dự báo sẽ tăng cao hơn năm 2017, cũng sẽ tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, với kịch bản này (được các tác giả của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách coi là có nhiều khả năng xảy ra hơn), lạm phát năm 2018 cũng không còn thấp như năm 2017, mà có thể ở mức 4,2%, cao hơn lạm phát mục tiêu 4%. Lý do là các đợt điều chỉnh giá các dịch vụ công cũng như việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu sẽ gây áp lực tăng lạm phát rất lớn.
Trong kịch bản thứ hai, với điều kiện thận trọng hơn của kinh tế thế giới và nội địa, tăng trưởng sẽ ở mức 6,49% (đạt xấp xỉ mục tiêu của Quốc hội), lạm phát sẽ ở mức 3,86%.
PGS, TS Nguyễn Đức Thành lưu ý, xu hướng thắt chặt tiền tệ của Mỹ và EU cùng với xu hướng tăng giá năng lượng có thể làm cho đồng tiền Việt Nam sẽ mất giá so với USD và Euro; đẩy giá hàng hoá nhập khẩu lên, góp phần gây áp lực cho lạm phát. Mặc dù vậy, việc đồng Việt Nam mất giá so với USD và Euro cũng giúp tăng cường năng lực cạnh tranh và thúc đẩy hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường này.
Trong số những hàm ý chính sách mà nhóm nghiên cứu đưa ra, bên cạnh những khuyến nghị quen thuộc về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục thúc đẩy hội nhập sâu hơn và tận dụng tối đa các cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại…, các giải pháp về lao động được đặc biệt nhấn mạnh. Đó là đổi mới giáo dục đào tạo nhằm giúp cho người lao động có được kiến thức và kỹ năng cần thiết, phù hợp với nhu cầu việc làm của xã hội hiện đại; hỗ trợ người lao động tìm việc và tích cực hơn trong các cam kết liên quan đến di chuyển lao động có tay nghề, trình độ cao trong ASEAN và các hiệp định thương mại tự do dịch vụ với các đối tác khác trên thế giới...