“Làm mất” trên 350 tỷ đồng, cán bộ ngân hàng vẫn vô can

Dựa vào đồng vốn của các ngân hàng để kinh doanh lúa gạo, nhưng làm ăn liên tục bị lỗ lã nên bị các ngân hàng “ngắt” vốn. Để cứu hoạt động của doanh nghiệp, giám đốc đã chỉ đạo cấp dưới lập nhiều chứng từ khống lừa các ngân hàng vay tiền.
Các bị cáo nghe tuyên án
Các bị cáo nghe tuyên án

Làm liều 

Theo hồ sơ vụ án và qua tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH Thịnh Phát được thành lập từ năm 2000, do ông Huỳnh Hữu Mai, sinh 1966, cư trú ở thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An làm giám đốc. Công ty kinh doanh nhiều ngành nghề, nhưng chủ yếu là xay xát, chế biến, kinh doanh lúa gạo.
Tháng 6-2011, công ty được Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo và là một trong những công ty được mua tạm trữ lúa, gạo theo chỉ tiêu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
Tháng 7-2014, sau 16 lần thay đổi đăng ký kinh doanh, từ đồng vốn ít ỏi ban đầu, công ty đã nâng vốn điều lệ lên 333 tỷ đồng, với 2 cổ đông góp vốn. Nhưng từ năm 2011 - 2014, công ty này chủ yếu vay vốn từ các ngân hàng để đầu tư mua sắm đất, nhà xưởng... Đến cuối năm 2014, các ngân hàng đồng loạt chấm dứt giải ngân nên công ty mất cân đối tài chính. Trong 2 năm 2015 - 2016, công ty liên tục làm ăn lỗ lã… 

Để duy trì hoạt động, trả nợ các khoản vay và sử dụng cho cá nhân, ông Mai tiếp tục đi xin vay vốn tại 9 chi nhánh ngân hàng trên địa bàn Long An và TPHCM, với số tiền gần 544 tỷ đồng. Để được các ngân hàng cho vay số tiền lớn, ngoài khả năng của công ty, ông Mai chỉ đạo cho cấp dưới lập khống 12 báo cáo tài chính, nâng khống lợi nhuận, lập khống 3 báo cáo tài chính báo cáo Cục Thuế tỉnh Long An để kê khai quyết toán thuế, lập khống các chứng từ mua lúa gạo không có hóa đơn của 1.864 khách hàng với số lượng gần 69.000 tấn lúa, với số tiền gần 630 tỷ đồng.

Kế toán trưởng công ty là Nguyễn Hữu Phước và nhân viên Trần Quyền Trân đã giúp sức soạn thảo lập khống các báo cáo tài chính, phiếu nhập kho, phiếu mua hàng hóa và sử dụng 7 hợp đồng xuất khẩu có xác nhận của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (nhưng không thực hiện xuất khẩu theo hợp đồng) đưa vào từng khế ước nhận nợ, để rút hết số tiền được vay. 

Sau khi rút tiền, ông Mai đem trả lãi cho các ngân hàng gần 42 tỷ đồng, chi phí cho hoạt động của công ty gần 130 tỷ đồng, chi mua sắm bất động sản hơn 110 tỷ đồng, chi xài cá nhân không có chứng từ hóa đơn trên 261 tỷ đồng… Điều đáng nói là tài sản thế chấp của Công ty Thịnh Phát cho các ngân hàng có giá trị chưa tới 200 tỷ đồng, nhưng vẫn được các ngân hàng cho vay tới gần 544 tỷ đồng. Cho nên, khi Công ty Thịnh Phát đổ nợ, ông Mai bị bắt về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo thế chấp tại các ngân hàng, số tiền ông Mai còn chiếm đoạt của 9 chi nhánh ngân hàng là trên 350 tỷ đồng. Số tiền chiếm đoạt này, theo đánh giá của vị đại diện Viện KSND khi xét xử là “khó có thể khắc phục được vì công ty đã hoàn toàn mất khả năng thanh toán”. 

Không truy cứu các cán bộ ngân hàng!

Sau khi đưa vụ án ra xét xử, bà Tống Thị Kim Hương, kiểm sát viên, Trưởng phòng 1 Viện KSND tỉnh Long An giữ quyền công tố tại phiên tòa (Viện KSND tối cao phân công Viện KSND tỉnh Long An thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án), cho biết: Từ ngày 27-6 đến ngày 3-7-2019, TAND tỉnh Long An đã mở phiên xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm đối với 3 bị cáo Mai, Phước và Trân. Tại phiên tòa này, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tuyên phạt bị cáo Mai 18 năm tù giam, bị cáo Phước 12 năm tù và bị cáo Trân 7 năm tù, vì phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Sau đó, Viện KSND tỉnh quyết định kháng nghị, đề nghị tăng mức hình phạt đối với 3 bị cáo này. Tuy nhiên, khi hỏi vì sao các cán bộ 9 chi nhánh ngân hàng để thất thoát, gây thiệt hại đến trên 350 tỷ đồng thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Bà Hương cho biết, không được phân công trả lời phần này nên xin phép không trả lời.

Sau khi tòa tuyên án, nhiều người dự khán phiên tòa không khỏi bất ngờ, cho rằng việc không truy cứu các cán bộ ngân hàng là không thỏa đáng. Bởi những người này đã thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc, tạo điều kiện cho các bị cáo lợi dụng vay tiền để chiếm đoạt tiền của ngân hàng hàng trăm tỷ đồng.  

Theo nhận định của HĐXX, căn cứ vào tài liệu điều tra, kết luận giám định… thì các cán bộ ngân hàng đã thực hiện đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên đối chiếu với các quy chế nội bộ thì quá trình cho vay còn sai phạm. Như trong quá trình thẩm định, xét duyệt cho vay, giải ngân tiền vay, kiểm tra giám sát sử dụng vốn vay, quản lý tài sản đảm bảo khoản vay của Công ty TNHH Thịnh Phát, các ngân hàng đã thực hiện chưa đúng quy định nội bộ. Như vậy, tài sản của ngân hàng bị thất thoát mà không có ai chịu trách nhiệm là rất vô lý! 

Tin cùng chuyên mục