Người dân địa phương, tài xế và doanh nghiệp vận tải rất bức xúc vì mỗi lần chạy qua tuyến đường BOT này chỉ có vài phút mà phải nộp phí hàng chục ngàn đồng.
Chạy vài phút, mất vài chục ngàn đồng
Qua tìm hiểu, ngày 13-2-2015, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 26 theo hình thức hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư hơn 859 tỷ đồng, giao cho Cico 501 làm chủ đầu tư. Theo đó, đoạn qua tỉnh Khánh Hòa dài khoảng 11km (bao gồm tuyến tránh thị xã Ninh Hòa từ Km0 - Km2+897 và cải tạo nâng cấp quốc lộ 26 từ Km3+411 - Km11+504); đoạn đi qua địa phận tỉnh Đắk Lắk dài gần 8km (từ Km91+383 - Km98+800, đi qua huyện Ea Kar) với quy mô đầu tư đường phố chính đô thị thứ yếu.
Đến tháng 8-2017, đoạn đường 8km BOT qua Đắk Lắk đã được hoàn thành và đang thử nghiệm thu phí. Chỉ trong thời gian ngắn nữa, Trạm thu phí Ea Đar (đặt tại Km93 quốc lộ 26, đoạn qua xã Ea Đar) của Cico 501 sẽ chính thức thu phí với thời gian dự kiến kéo dài 18 năm 6 tháng để hoàn vốn. Theo đó, chỉ vài phút chạy xe trên 8km dự án (Km91+383 - Km98+800), loại phương tiện nhỏ nhất (dưới 12 chỗ ngồi hoặc xe tải dưới 2 tấn) phải trả phí 25.000 đồng và phương tiện vận tải lớn nhất (trên 18 tấn) phải nộp phí 120.000 đồng. Cũng nằm trên quốc lộ 26, một trạm thu phí khác đặt tại thị xã Ninh Hòa (cách trạm thu phí Ea Đar khoảng 85km) của Cico 501 cũng đang vận hành thu phí thử nghiệm với mức phí tương tự và thời gian thu phí dự kiến cũng 18 năm 6 tháng.
Theo một lãnh đạo Công ty Cico 501 BOT quốc lộ 26 - thành viên của Cico 501, tổng kinh phí xây dựng 8km đường qua tỉnh Đắk Lắk hết khoảng 200 tỷ đồng (tương đương 1km làm hết 25 tỷ đồng) và thời gian thu phí có thể được ấn định trong tháng 8-2017. Theo phương án lập dự toán ban đầu, thời gian thu phí hoàn vốn trên quốc lộ 26 là 18 năm 6 tháng, sau khi quyết toán thì Bộ GTVT mới ấn định thời gian thu phí chính thức của dự án. “Trong giai đoạn này, chúng tôi làm 8km nối liền thị trấn Ea Knốp và thị trấn Ea Kar theo tiêu chuẩn đô thị thứ yếu, rộng 14m. Sau khi quyết toán xong, Bộ GTVT sẽ cho phương án đầu tư nối dài thêm 15km và khi có nguồn vốn mới đầu tư thêm”, vị lãnh đạo này cho hay.
Đường hư hỏng, xe vẫn gánh thêm phí
Việc Cico 501 chỉ làm 19km đường đã đặt 2 trạm thu phí BOT khiến nhiều tài xế chạy xe qua cung đường này bức xúc. Anh Lê Hồng Sơn (tài xế xe tải chạy tuyến Đắk Lắk - Khánh Hòa) nói: “Nếu họ đầu tư liền một mạch xuyên suốt con đường rồi mới thu phí BOT thì chúng tôi ủng hộ. Nhưng thực tế, chúng tôi đang đi trên con đường do Nhà nước bỏ vốn đầu tư mà phải đóng phí là vô lý”. Còn anh Đỗ Ngọc Hùng (tài xế xe khách chạy tuyến Buôn Ma Thuột - Nha Trang) bức xúc: “Hai trạm này tuy cách nhau 85km, nhưng không phải họ nâng cấp mở rộng hết, mà ở Khánh Hòa họ làm có 11km, còn Đắk Lắk chưa tới 8km. Đi có 19km mà trả phí 2 lần, dân nào chịu nổi! Tôi thấy lạ là vì sao họ không gộp làm một rồi đặt một trạm thu phí mà chặt khúc, chia nhỏ quốc lộ ra để đầu tư rồi thu phí?”.
Qua khảo sát của phóng viên, toàn tuyến quốc lộ 26 đang bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Ngay đoạn từ huyện Ea Kar đến huyện Krông Pắk xuất hiện nhiều vị trí đường bị sụp lún, nứt nẻ. Dù đường đã được cơi nới, mở rộng hai bên nhưng có nhiều đoạn đang bị sụp lún gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông. Từ cuối thị trấn Ea Knốp đến huyện M’đrắk (tỉnh Đắk Lắk) nhiều đoạn đường được bóc sửa chữa chắp vá, lòng đường hẹp; có những vị trí vừa bóc tách lớp trên, thảm mới lại tái hỏng. Trong khi đó, tại đoạn đường BOT mới làm đi qua huyện Ea Kar cũng đã bắt đầu xuất hiện ổ gà.
Theo ông Nguyễn Văn Lãnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.5 - trực thuộc Cục Quản lý đường bộ III, trong năm 2017 tuyến quốc lộ 26 đi qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã được đầu tư sửa chữa với tổng kinh phí khoảng 45 tỷ đồng. Tuy nhiên, tuyến đường này hiện vẫn rất xấu, lưu lượng xe qua lại nhiều nên cần phải đầu tư sửa chữa thêm. “Việc đầu tư nâng cấp, xây dựng quốc lộ 26 thì chỉ mới làm có 19km theo dự án BOT, kinh phí Nhà nước đầu tư để làm đoạn đường còn lại thì tôi cũng chưa nghe nói tới”, ông Lãnh nói.
Trước câu hỏi về việc chỉ làm 19km đường BOT nhưng đặt tới 2 trạm thu phí, ông Lãnh cho rằng: “Việc đặt trạm BOT như thế nào thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ GTVT. Chúng tôi chỉ giám sát sau khi đường đã hoàn thành nâng cấp và nếu thấy mất an toàn giao thông thì đề nghị chủ đầu tư sửa chữa. Nhưng theo ý kiến cá nhân của tôi, làm có 19km mà thời gian thu phí hơn 18 năm thì hơi dài, cần phải điều chỉnh lại”.