Thượng nguồn sông Sài Gòn đoạn qua xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) giáp ranh với xã Tân Hòa, huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh) mùa này nước cạn đục ngầu do xuất hiện nhiều bãi tập kết cùng với tàu thuyền khai thác cát thường xuyên qua lại khiến đôi bờ tan hoang.
Dọc theo bờ sông nhiều chỗ bị băm nát có những đoạn dài cả cây số đổ ập xuống lòng sông tạo thành những vết hàm ếch nham nhở. Nhiều đoạn, đất vườn bị ngoạm vào hàng trăm mét, bờ sông biến thành vách đất dựng đứng.
Theo người dân địa phương, khu vực này thuộc địa phận khai thác cát của Công ty Phú Thọ và hàng ngày đội tàu thuyền lớn khoảng 10 chiếc từ 60 - 120m3 mặc sức tung hoành từ 3 giờ sáng đến 18 giờ. Cùng việc khai thác cát là sự xuất hiện nhiều bãi tập kết cát hoạt động như những “đại công trường” nằm án ngữ bên bờ sông.
Tại ấp Bàu Lung (xã Tân Hiệp) có 2 bến bãi tập kết cát nằm dọc theo bờ sông với nhiều tàu thuyền neo đậu, kế sát bờ sông có vài ngôi nhà kiểu lán để công nhân ở được coi là đại bản doanh của Công ty Phú Thọ. Bãi đất hơn 1ha nhiều đụn cát nhô cao như quả đồi, các máy xúc, máy cẩu quần quật trộn cát gom thành từng đống lớn để xe tải chở ra ngoài.
Di chuyển dọc theo bờ sông bằng xuồng máy, chúng tôi còn phát hiện một bãi tập kết cát “khủng” khác của Công ty Phú Thọ (thuộc địa phận xã Tân Hòa) giữa mênh mông sông nước, vắng người qua lại.
Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, Công ty Phú Thọ được UBND tỉnh Bình Phước cấp phép cuối năm 2017 để bơm hút cát xây dựng trên thượng nguồn sông Sài Gòn thuộc địa phận các xã Minh Đức, Đồng Nơ, Tân Hiệp (huyện Hớn Quản), xã Tân Hòa (huyện Tân Châu) và được Công ty TNHH MTV Thủy lợi Dầu Tiếng (Công ty Dầu Tiếng) đồng ý cho sử dụng phần diện tích bán ngập làm bãi tập kết, vận chuyển cát. Thời gian gần đây, cát giữa dòng sông vơi dần nên tàu thuyền vượt ranh giới xâm lấn vào gần nương rẫy ven bờ.
Theo anh Trần Quốc Tuấn (ngụ ấp Bàu Lung, xã Tân Hiệp), doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát tại dòng chính nhưng đưa tàu thuyền lấn vào suối “cặp đất” vườn rẫy và đơn cử việc đội tàu của ông Tư Lùn (hút thuê cho Công ty Phú Thọ) gồm 8 chiếc khai thác cát gần 8,2ha trồng cao su, tràm nước gây sụp lở sào đất của gia đình. Đội tàu còn đào kênh dài 30m cho sà lan vào suối để hút cát.
Trước phản ứng của người dân địa phương, cơ quan chức năng vào cuộc nhưng vụ việc vẫn dùng dằng kéo dài. Mới nhất, tại Văn bản số 2964/STNMT-TTr trả lời phản ánh việc Công ty Phú Thọ khai thác cát làm sạt lở đất, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Phước Lê Đăng Nhật cho rằng, thời điểm đoàn liên ngành kiểm tra phần đất của các hộ dân đã bị ngập nước nên không xác định được hoạt động khai thác cát của Công ty Phú Thọ có làm sạt lở hay không (?) và yêu cầu Công ty Phú Thọ không tiếp tục khai thác cát giữa khu vực gần và giáp ranh làm ảnh hưởng đến đất canh tác...
Tuy nhiên, Công ty Phú Thọ hiện vẫn ngang nhiên hút cát ngoài ranh giới, không thực hiện thả phao cảnh báo vị trí khai thác và lợi dụng việc được cấp phép để khai thác ngoài khu vực cho phép q