Kỳ án xứ Mặt trời với nỗi niềm thế sự

Hội Sân khấu TPHCM vừa công diễn vở kịch Kỳ án xứ Mặt trời (tác giả Vương Huyền Cơ, đạo diễn Thái Kim Tùng) tại rạp Công Nhân. 
Một cảnh trong vở Kỳ án xứ Mặt trời
Một cảnh trong vở Kỳ án xứ Mặt trời
Vở có sự tham gia biểu diễn của NSƯT Mỹ Uyên, đạo diễn - diễn viên Nguyễn Thành Chánh Trực, Thái Kim Tùng, nghệ sĩ Võ Minh Lâm, Hồng Thắm, Tuyền Mập, Cao Việt Hưng, Quốc Thịnh… Đây là vở kịch được đầu tư để tham gia “Cuộc thi nghệ thuật sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2018”, sẽ tổ chức vào tháng 4 tại TPHCM.
Kịch tính và thời sự
Câu chuyện xoay quanh những mảnh ghép cuộc đời của cô gái xinh đẹp Nguyệt Hồng (NSƯT Mỹ Uyên), phải bán mình vào kỹ viện để có tiền cứu cha mẹ; A Ngưu (Võ Minh Lâm) - người yêu Nguyệt Hồng là một anh học trò thất chí, tối ngày bầu bạn với rượu; Lão Khổ (Thái Kim Tùng) - vị quan già thanh liêm chọn cách sống ẩn dật để tránh né sự thù ghét, hãm hại của đám tham quan bên cạnh vua; huyện quan Trần Trung Chánh (Chánh Trực) - một quan tham có biệt danh 3 ngày xử xong vụ án, vừa về nhậm chức ở xứ Mặt trời… Bên cạnh những nhân vật trung tâm còn có cậu học trò nhà giàu Dương Chí ăn chơi lêu lổng, nhóm thương buôn vô cảm, cô hầu phòng vì kiếm tiền cứu mẹ mà lỡ tay giết người... 
Câu chuyện được xây dựng với một không gian mở, ở một vùng đất xa lạ, không phân định rõ thời gian. Ở xứ Mặt trời ấy, bấy lâu luôn tồn tại những sự gian trá, lọc lừa, bất tín, những án oan chất chồng vì tham quan, kinh tế kém phát triển vì những thương buôn dùng tiền bạc để độc quyền mua bán, phân phối hàng hóa; người giàu thì ngày càng giàu, người nghèo lại càng thêm nghèo, bao gia đình rơi vào cảnh khốn cùng, lưu lạc, bao thân phận bị dồn đến chân tường… Tuy nhiên, giữa thời cuộc đầy biến động ấy, vẫn có những con người chánh trực, âm thầm sống nép mình để lo lắng, đau đáu nỗi niềm trước thế sự. Và khi có thời cơ, những trái tim nhân nghĩa đã sôi sục, quyết đứng lên bảo vệ lẽ phải, bất chấp gian nguy.
Nội dung câu chuyện Kỳ án xứ Mặt trời của tác giả Vương Huyền Cơ khá đơn giản, nhưng được sáng tạo bằng tất cả những trăn trở cùng thời cuộc. Lồng ghép trong câu chuyện kịch vẫn là những tình huống và thông tin thời sự rất đời thường, gần gũi với cuộc sống hiện đại, làm lay động và chạm đến những góc khuất trong tâm tư, suy nghĩ của khán giả hôm nay. 
Dấu ấn ê kíp 5B
Tác phẩm được đạo diễn Thái Kim Tùng dàn dựng là một câu chuyện chính kịch nhưng vẫn mang đậm tính giải trí. Chất nghệ thuật, kịch tính, chính trị thời sự và hài kịch đan xen trong một tổng thể chung. Hơn thế, tài năng và sự duyên dáng của các nghệ sĩ, diễn viên trẻ ê kíp Nhà hát kịch 5B trong những màn trình diễn phối hợp ăn ý đã góp phần giúp vở diễn đạt được sức hấp dẫn, lôi cuốn người xem từ đầu đến cuối vở. 
Đặc biệt, trong vai quan huyện, nghệ sĩ Chánh Trực đã khẳng định được nét duyên hài và sự tinh tế trong diễn xuất, khéo léo ứng biến với từng tình huống sân khấu, anh đã trao tặng khán giả nhiều mảng miếng hài thâm thúy, tạo nên những tiếng cười đắt giá về con người, về cuộc đời. NSƯT Mỹ Uyên cũng tạo được sức hút riêng với vai diễn cô gái xinh đẹp, sống nặng về tình cảm. Bên cạnh vai trò đạo diễn, Thái Kim Tùng đã thành công với hình tượng lão quan thanh liêm, sống ẩn mình trong quán rượu nhỏ; còn nghệ sĩ Võ Minh Lâm thì diễn khá trọn vẹn vai anh học trò nghèo, thông minh nhưng thất chí với thời cuộc… 
Sau đợt lưu diễn 30 suất vở kịch Dấu xưa trong năm 2017, nay ê kíp các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát kịch 5B lại rất vui mừng khi Hội Sân khấu TPHCM đầu tư để nhà hát thực hiện vở kịch mới Kỳ án xứ Mặt trời. Niềm vui được làm nghệ thuật, gắn bó và trau dồi nghề nghiệp đã giúp tinh thần các nghệ sĩ, diễn viên thêm phấn chấn. NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát kịch 5B, chia sẻ: “Với sự thành công của đợt lưu diễn vở Dấu xưa, cùng với việc hoàn thành tốt vở kịch mới Kỳ án xứ Mặt trời, ê kíp Nhà hát kịch 5B đã bàn bạc và thống nhất sẽ tái hoạt động sau một thời gian dài đóng cửa chờ sữa chữa nhà hát. Dù hiện nay, cơ sở vật chất của nhà hát vẫn còn nhiều ngổn ngang, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức biểu diễn, nhưng nếu cứ để tình trạng tắt đèn suốt như thế dễ làm nhụt chí anh em nghệ sĩ, diễn viên. Chúng tôi hy vọng, sau tết nhà hát sẽ thắp sáng đèn sân khấu kịch thể nghiệm đặc biệt này”.
Đạo diễn Hồng Dung cho biết: “Trước khi tham gia cuộc thi vào tháng 4 tới, Hội Sân khấu TP sẽ lên kế hoạch tổ chức thêm các suất biểu diễn phục vụ khán giả”.

Tin cùng chuyên mục