Bát nháo thị trường vàng trang sức - Bài 1: Người mua thiệt đủ kiểu

Vàng trang sức là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, thế nhưng hiện nay mặt hàng này đang bị thả nổi do chưa có cơ quan đánh giá, kiểm định, kiểm soát được chất lượng của vàng trang sức khi lưu hành trên thị trường. Người tiêu dùng mua vàng trang sức chỉ có thể tin vào người bán vì tất cả thông tin về chất lượng, khối lượng và tuổi vàng đều do họ đưa ra. Chính vì thế, thị trường vàng trang sức hoạt động theo cơ chế tự điều chỉnh giữa người mua và người bán trên nguyên tắc “mua gì bán nấy, mua đâu bán đó”.
Bát nháo thị trường vàng trang sức - Bài 1: Người mua thiệt đủ kiểu

Vàng trang sức là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, thế nhưng hiện nay mặt hàng này đang bị thả nổi do chưa có cơ quan đánh giá, kiểm định, kiểm soát được chất lượng của vàng trang sức khi lưu hành trên thị trường. Người tiêu dùng mua vàng trang sức chỉ có thể tin vào người bán vì tất cả thông tin về chất lượng, khối lượng và tuổi vàng đều do họ đưa ra. Chính vì thế, thị trường vàng trang sức hoạt động theo cơ chế tự điều chỉnh giữa người mua và người bán trên nguyên tắc “mua gì bán nấy, mua đâu bán đó”.

        Bắt chẹt người mua

Trong vai người bán vàng, chúng tôi đến tiệm vàng K.L. (trên đường Nguyễn Duy Dương quận 5, TPHCM). Đôi bông tai 5 phân vàng 18K có đính hột được chủ tiệm thu vào với giá 860.000 đồng. Thấy chúng tôi nhăn nhó cho biết đôi bông tai mới mua chưa lâu với giá gần 2 triệu đồng, chủ tiệm vàng đã nhanh nhảu: “Giá này được lắm rồi đó, bảo đảm cao hơn những tiệm vàng xung quanh. Đôi này nhiều hột, ít vàng mà giá vàng mấy bữa nay lại hạ”. Tiện tay, tôi tháo luôn chiếc nhẫn 5,5 phân vàng 18K đang đeo hỏi xem nếu được giá thì sẽ bán để đổi kiểu khác. Sau một lúc dùng kính soi hột đá, cân định lượng, bà chủ cho biết giá thu vô 970.000 đồng. Trong khi đó, những món trang sức tương tự, tiệm vàng niêm yết vàng 18K với giá hơn 2,5 triệu đồng/chỉ và chưa tính tiền công.

Trên thị trường hiện nay người dân thường mua đâu bán đó vì chất lượng vàng ở các tiệm thường không giống nhau. Trong ảnh: Khách hàng chọn mua trang sức tại chợ Thiếc quận 11. Ảnh: THI HỒNG

Trên thị trường hiện nay người dân thường mua đâu bán đó vì chất lượng vàng ở các tiệm thường không giống nhau. Trong ảnh: Khách hàng chọn mua trang sức tại chợ Thiếc quận 11. Ảnh: THI HỒNG

Cũng 2 món trang sức này tại những tiệm vàng khác giá chênh nhau vài trăm ngàn đồng. Cụ thể, tại tiệm vàng T.T. (chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh TPHCM, chiếc nhẫn được trả 900.000 đồng (cao hơn tiệm K.L. 40.000 đồng) nhưng đôi bông tai chỉ được trả 700.000 đồng (thấp hơn tới 160.000 đồng). Khi chúng tôi thắc mắc sao đôi bông tai được tiệm K.T. trả 860.000 đồng mà ở đây thu vào thấp hơn những 160.000 đồng, chị chủ tiệm thẳng thừng: “Vậy cứ đến những nơi thu giá cao hơn mà bán. Tiệm tôi chỉ thu được giá này. Trong khi đó, cũng chiếc nhẫn vàng 18K này được tiệm vàng K.T. trên đường Tô Hiến Thành quận 10, cũng là nơi bán nhẫn thu lại với giá 1.050.000 đồng (cao hơn gần 200.000 đồng). Theo các chủ tiệm vàng, để tránh bị lỗ nhiều khi muốn bán vàng trang sức, tốt nhất là mua đâu bán đó. Đặc biệt với vàng trang sức, hột càng nhiều càng bị ép giá vì hầu như các tiệm vàng chỉ tính khối lượng vàng khi thu vào.

Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Ánh, ngụ tại Bến Lức, Long An đang bán chiếc nhẫn vàng tròn trơn 24K tại chợ Hòa Bình (quận 5, TPHCM). Chị Ánh cho biết, chiếc nhẫn 1 chỉ này chị được mẹ tặng nhân ngày cưới. “Cần tiền nên tôi mang ra đây bán nhưng chỉ được gần 3 triệu đồng, trong khi nhẫn tròn 1 chỉ 24K tại đây bán hơn 3,2 triệu đồng” - chị Ánh nói. Thấy chị Ánh thắc mắc, nhân viên tiệm vàng giải thích gọn lỏn: “Nhẫn làm ở tỉnh, không đủ tuổi nên thu lại giá thấp hơn!”.

        Loạn tuổi vàng

Rõ ràng, trên thị trường vàng trang sức, người mua luôn bị thiệt thòi. Cứ mua vào, bán ra phải chịu lỗ ngay 10% - 20%. Sản phẩm được mua, người bán nói vàng bao nhiêu tuổi chỉ biết như vậy và trả số tiền tương đương, còn có bị rút ruột hay không thì hên xui. Mua chiếc nhẫn vàng trắng 18K có đính kim cương trị giá hơn ngàn USD tại tiệm kim hoàn lớn ở quận 1 vào năm 2011, nay tiệm này không còn nên chị Minh Hương (quận 1) đem đến tiệm vàng quen để đổi mẫu vỏ nhẫn. Sau khi cân để bán lại, chị Hương được cho biết chiếc nhẫn mặc dù đóng dấu 18K (75%, tức 7,5 tuổi) nhưng chỉ là vàng 14K (58,5%), hàm lượng vàng chưa tới 50%.

Trả lời thắc mắc của chúng tôi tại sao cũng một chiếc nhẫn vàng 18K loại 1 chỉ nhưng giá bán tại các tiệm vàng chênh nhau từ 300.000 - 600.000 đồng, chủ một tiệm vàng tại chợ Bàn Cờ quận 3 cho biết, sở dĩ có sự chênh lệch giá do chiếc nhẫn đó bị “rút ruột” hàm lượng vàng chứ giá tiền công không chênh lệch nhiều như vậy. Chủ tiệm này cho biết thêm: Có khách hàng đến bán chiếc nhẫn 1,5 chỉ vàng 18K có cả hóa đơn của một tiệm vàng tại quận 6, có khắc ký hiệu trên nhẫn nhưng sau khi được giám định thì chiếc nhẫn này chưa tới 6 tuổi, thay vì nếu đúng phải 7,5 tuổi. Chị chủ tiệm này tính nhanh: trung bình một món trang sức vàng 18K (75%, 7,5 tuổi) có giá trong ngày 14-12 là 2,493 triệu đồng/chỉ (chưa kể tiền công), vàng 14K (58,33%, 6 tuổi) giá 1,941 triệu đồng/chỉ. Như vậy, người khách đó đã bị “móc túi” hết 803.000 đồng vì mua vàng thiếu tuổi. Đó là chưa kể nếu mua lúc giá vàng cao thì số tiền bị mất còn nhiều hơn.

Rõ ràng, quyền lợi của khách hàng khi mua sắm nữ trang đã bị xâm phạm nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc chấn chỉnh để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng!

>> Bài 2: Chấn chỉnh chất lượng

NHUNG NGUYỄN - THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục