Chuyện ghi ở đất nước Chùa Tháp

Những ngày cuối tháng 7-2012, tôi may mắn được tham gia một chuyến đi về nguồn cùng những người bạn Dầu khí, một chuyến đi thấm đẫm nghĩa tình mà cho đến tận bây giờ, khi ngồi viết những dòng chữ này tôi vẫn còn cảm thấy lòng mình xúc động, ngập tràn niềm thương cảm cho số phận của những con người nơi tôi đã đến.
Chuyện ghi ở đất nước Chùa Tháp

Những ngày cuối tháng 7-2012, tôi may mắn được tham gia một chuyến đi về nguồn cùng những người bạn Dầu khí, một chuyến đi thấm đẫm nghĩa tình mà cho đến tận bây giờ, khi ngồi viết những dòng chữ này tôi vẫn còn cảm thấy lòng mình xúc động, ngập tràn niềm thương cảm cho số phận của những con người nơi tôi đã đến. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn cảm thấy lòng mình ngập tràn những niềm vui xen lẫn tự hào, mến mộ đối với các thành viên trong đoàn – những người bạn đồng hành giàu lòng nhân ái, những người bạn mà chỉ ở chuyến đi này tôi mới có dịp được làm quen, biết đến… 

Có thể nói, chính tấm lòng nhân ái và những nghĩa cử cao đẹp đó đã giúp cho tôi nghiệm ra một điều rằng: Những hành động đẹp, những việc làm tốt của mỗi người luôn sẵn sàng tỏa sáng khi trái tim họ được nuôi dưỡng bởi những yêu thương, khi tâm hồn họ chứa chan tình nhân ái…

Những phụ nữ và trẻ em nghèo Việt Nam sinh sống tạm bợ trên Biển Hồ Cam-pu-chia.

Những phụ nữ và trẻ em nghèo Việt Nam sinh sống tạm bợ trên Biển Hồ Cam-pu-chia.

1- Khởi hành từ TPHCM lúc 5 giờ sáng trên chiếc xe khách lớn, đoàn 35 người chúng tôi bắt đầu hành trình tham quan Cam-pu-chia bằng đường bộ. Hầu hết những người trong đoàn là cán bộ công đoàn của ngành Dầu khí và chuyến đi này được xem là một chuyến đi về nguồn, là hoạt động ngoại khóa do Công đoàn ngành Dầu khí tổ chức. Cũng như bao đoàn du khách khác, đích đến đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân lên đất nước Cam-pu-chia là di tích Angkor huyền bí.  Có thể nói không ngôn từ  nào có thể diễn tả hết sự tuyệt vời của Angkor. Những kiến trúc sư từ thế kỷ thứ 9, cùng các tay thợ tài hoa của đất nước Chùa Tháp này đã tạo dựng nên một quần thể kiến trúc vĩ đại với  hơn 600 công trình nằm rải rác trong một vùng rừng núi rậm rạp rộng 45km2. Trong số đó, hấp dẫn và quan trọng nhất vẫn là đền Bayon, Angkor Thom và Angkor Wat.

Nếu như đền Bayon tạo cho du khách cảm giác bay bổng và chinh phục họ hoàn toàn bằng vẻ đẹp cổ kính và đầy sống động của 50 ngọn tháp bằng đá, thì Angkor Wat là đỉnh cao của cảm xúc. Ngôi đền quay mặt về hướng Tây, vì thế du khách thường chỉ đến viếng thăm nó vào buổi chiều, khi mà ánh nắng rực rỡ soi rọi cả khu đền. Khu đền có chiều Nam - Bắc dài 1.400m, và Đông - Tây 800m. Toàn bộ khu di tích Angkor với những tòa tháp, đền đài, phù điêu và hành lang mênh mông đều được làm từ các tảng đá xếp chồng lên nhau với dáng vẻ rất tự nhiên. Tất cả các họa tiết trang trí đều bằng đá như tượng Phật, vũ nữ, chiến binh và những hình hoa sen minh họa sử thi Ramayana, Mahabharata đều rất sống động, mềm mại bằng hình tượng của những nàng Apsara xinh đẹp…

Chị Nghiêm Thùy Lan trao 10 triệu cho thầy Trần Văn Tư

Chị Nghiêm Thùy Lan trao 10 triệu cho thầy Trần Văn Tư

2-Suốt 1 ngày dạo thăm khu di tích Angkor, thỏa mắt ngắm nhìn những kỳ quan thế giới, đoàn chúng tôi ai cũng trầm trồ thích thú. Thế nhưng điều khiến chúng tôi cảm động nhất đó là hình ảnh những người chiến binh tàn tật tụ tập bên một góc đường trong khu di tích. Mỗi người trong số họ đều ôm một loại nhạc cụ để sẵn sàng trình diễn phục vụ du khách thập phương. Khi đoàn chúng tôi đến, thật bất ngờ, chúng tôi nghe thấy họ đồng thanh hát vang bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Trao đổi với chúng tôi, anh Daro – hướng dẫn viên người Cam-pu-chia đi theo đoàn cho biết: Những người chiến binh này vốn là những nạn nhân của bọn diệt chủng Pôn Pốt. Hơn ai hết, họ rất hiểu nỗi đau của người dân Cam-pu-chia cũng như sự hy sinh lớn lao của quân tình nguyện Việt Nam sang cứu giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng thảm khốc năm xưa. Vì vậy, nếu thấy đoàn du khách nào là người Việt Nam là họ lại mừng vui chào đón bằng những bài hát tiếng Việt, ca ngợi Bác Hồ, ca ngợi tình hữu nghị anh em keo sơn gắn bó giữa hai dân tộc Việt Nam - Cam-pu-chia.
 
Một thành viên trong đoàn chúng tôi vốn là bộ đội đã từng có 3 năm sống và chiến đấu ở chiến trường K, anh tên là Võ Văn Thành, hiện là Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Tàu thủy Dung Quất tâm sự: “Khi cùng đoàn đặt chân lên mảnh đất của chiến trường năm xưa, nhìn những đổi thay của nước bạn và những thương bệnh binh Cam-pu-chia đang ôm đàn hát vang những bài ca ca ngợi tình hữu nghị Việt - Cam, tôi quả thật là  xúc động tận đáy lòng”. Nói rồi anh Thành bồi hồi kể lại cho chúng tôi nghe những năm tháng gian khổ chiến đấu trên chiến trường nước bạn. Anh nói: “Là một chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam từng tham gia phục vụ chiến đấu trên đất nước Cam-pu-chia, tôi thực sự xúc động trước những đổi thay của nước bạn.

Quả thật là Chính phủ  và nhân dân Campuchia đã vượt lên nỗi đau mất mát và sự chống phá của bọn tàn quân Pôn-Pốt, xây dựng đất nước ổn định, phát triển. Thay cho những cánh đồng chết chóc, những hố chôn người năm xưa, nay đã là những cánh đồng xanh màu lúa mới. Những trường học, bệnh viện, nhà cửa được xây dựng lại. Các thành phố, thị xã tấp nập người xe và nhộn nhịp cảnh buôn bán… Trong niềm vui này, tôi  không khỏi ngậm ngùi nhớ lại bao đồng chí, đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh, hoặc để lại một phần thân thể trong cuộc chiến đấu giúp nhân dân Cam-pu-chia chống lại chế độ diệt chủng Pôn-Pốt. Và tôi hiểu sự hỗ trợ của quân tình nguyện Việt Nam đối với nhân dân Campuchia trong những thời khắc khó khăn, nguy nan nhất chính là tài sản vô cùng quý báu của hai dân tộc anh em…”.

Đài tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam tại Phnom Penh

Đài tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam tại Phnom Penh

…Rời khu di tích Angkor, chúng tôi không chỉ mang theo những hình ảnh đẹp về sự huyền bí của những tòa tháp vốn đã được xem là di sản văn hóa, là kỳ quan của nhân loại, mà còn có cả hình ảnh cảm động của những người thương binh Cam-pu-chia… Để rồi hòa cùng dòng chảy ký ức của anh Võ Văn Thành, đoàn chúng tôi tiếp tục đến viếng Đài tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam tại thủ đô Phnom Penh. Nằm trên đại lộ Preah Sihanouk, tượng đài quân tình nguyện Việt Nam hiển hiện trước mắt chúng tôi là hình ảnh một bà mẹ bồng con, sau lưng là hai người lính Việt Nam cầm súng bảo vệ sự sống còn cho họ. Vâng, để cứu người dân Cam-pu-chia thoát khỏi chế độ diệt chủng, để bảo vệ được sự sống còn cho nhân dân Cam-pu-chia mà 25 ngàn quân tình nguyện Việt Nam đã phải hy sinh, đã ngã xuống ở mảnh đất Chăm-pa này… Phải chăng chính sự hy sinh cao cả ấy mà tôi đã nhìn thấy sự xúc động mãnh liệt trào dâng trong từng ánh mắt của các thành viên trong đoàn khi họ bùi ngùi cắm những nén hương lên bàn thờ đài tưởng niệm… Và tôi hiểu sự hy sinh của những người lính tình nguyện Việt Nam thật vô cùng ý nghĩa, lớn lao, bởi sự hy sinh đó đã cứu sống cả một dân tộc anh em…
 
3-Những ngày ở Cam-pu-chia, đoàn chúng tôi cũng đã tổ chức đi tham quan Biển Hồ - một địa danh nổi tiếng ở Cam-pu-chia, để rồi sau đó ai trong chúng tôi cũng đã phải sửng sốt khi chứng kiến những cảnh tượng ở Biển Hồ. Khác với những hình dung về một bức tranh sơn thủy hữu tình đầy ắp chất thơ, chúng tôi đã bắt gặp ở Biển Hồ những con người khốn khổ, họ là những đồng bào người Việt Nam nhưng số phận run rủi đã đưa đẩy họ đến sinh sống ở nơi này. Vừa thấy tàu chúng tôi đến, lập tức có hàng chục chiếc thuyền gỗ con con áp sát, trên thuyền hầu hết là phụ nữ và trẻ em, họ gầy đen, ăn mặc nhếch nhác, áo quần ướt sủng cố vươn mình đu bám lên mạn tàu kêu gào van xin bằng những lời nỉ non thống thiết: “Cho con xin một ngàn mua gạo đi cô dì chú bác ơi…”.  Nhìn những con người khốn khổ với ánh nhìn tha thiết van xin và nhìn những đứa trẻ sơ sinh chỉ mới vài ba tháng tuổi cứ bám chặt lấy mẹ mà bú, trong khi mẹ chúng thì lại cứ nhoài người đưa tay lên tàu bấu víu, nhiều người trong đoàn chúng tôi đã không cầm được nước mắt, và không ít người trong số đó đã dốc hết hầu bao, vét sạch những đồng tiền cuối cùng trong túi áo ra tặng cho những người đồng bào nghèo khổ tha hương trên sông nước…

Vì quá xúc động, quá thương cảm cho hoàn cảnh của cộng đồng người Việt nghèo khổ ở nơi đây nên các thành viên trong đoàn chúng tôi mỗi người một ít, đồng lòng đóng góp được hơn 10 triệu đồng để cùng đến thăm các em học sinh bé nhỏ tại Trường Nuôi dạy trẻ em nghèo Việt Nam tại khu dân cư Biển Hồ. Tại đây, thầy Trần Văn Tư – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường của thầy đang nuôi dạy 314 em học sinh nghèo và 50 ông bà già mất sức lao động. Mặc dù chỉ cách PhnomPenh vài chục cây số, thế nhưng khu vực Biển Hồ này (còn gọi là Tonle Sap, tỉnh Kampong Chnăng), những làng người Việt phần lớn lại hết sức khó khăn cả về cuộc sống vật chất lẫn tinh thần. Nhiều nơi không có điện, không có nước sạch, người dân chủ yếu sống dựa vào dòng sông Mêkông. Hiện nay, tỉnh Kampong Chnăng hiện có khoảng 11.200 hộ, với khoảng 55.200 nhân khẩu là kiều bào người Việt. Họ sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, mua bán trên sông nước và đi ăn xin. Do cuộc sống khó khăn, nên các em phải theo bố mẹ lênh đênh trên những chiếc xuồng gỗ mưu sinh, để đi đánh cá và xin ăn. Vì cứ ngày ngày sống trên những chiếc thuyền nhỏ lênh đênh nên nhiều em nhỏ người Việt Nam chưa bao giờ biết tới trường lớp, sách vở…  Cảm thương cho hoàn cảnh của người dân nơi đây, thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ giúp đỡ của các cơ quan đoàn thể cũng như các tổ chức từ thiện nên trường học của thầy Tư đã được xây dựng để đón những các em nghèo vào học. Thầy dạy cho các em tiếng Việt, dạy giáo lý, dạy văn hóa theo chương trình của Bộ Giáo dục Việt Nam và Cam-pu-chia.

Khi nhìn những đứa trẻ đen nhẻm đồng thanh cất tiếng chào vâng dạ đáng thương, chị Nghiêm Thùy Lan – Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Dầu khí VN thay mặt cho các thành viên trong đoàn, sau khi trao tặng cho thầy Trần Văn  Tư món tiền nhỏ hơn 10 triệu đồng mà chúng tôi đóng góp đã nghẹn ngào chia sẻ những cảm xúc, những tâm tư của đoàn chúng tôi khi đến nơi này và chị hy vọng món quà bé nhỏ nhưng tràn đầy tình cảm này sẽ chia sẻ phần nào những khó khăn thiếu thốn trước mắt mà các em học sinh bé nhỏ nơi đây đang phải chịu…

… Rời trường học, chúng tôi lên tàu và chia tay Biển Hồ đúng vào lúc trời đổ những cơn mưa tầm tã, lòng càng thấy xót xa hơn khi nhìn sâu vào đôi mắt ngây thơ của những đứa trẻ ăn xin, thân hình gầy gò, nhỏ bé của các em như mỗi lúc một run rẩy nhiều hơn trong những tấm áo mưa mỏng manh trên sông nước… Những đôi mắt ấy cứ  ám ảnh, dõi theo chúng tôi cho đến khi con tàu xa khuất bóng… Ngoái nhìn dòng nước Biển Hồ đục ngầu trong mưa to, sóng xoáy phía sau lưng, chúng tôi như thấy lòng mình đắng nghẹn, và tôi biết mỗi người trong chúng tôi ai cũng thầm mong ước ngày trở lại Biển Hồ sẽ không còn phải chứng kiến những hình ảnh đau lòng như thế nữa…

Người Việt Nam ở Biển Hồ Cam-pu-chia đang cần lắm những tấm lòng hảo tâm, nhân ái của đồng bào Việt Nam và của cả bạn bè quốc tế gần xa, đang cần lắm sự giúp đỡ nhiệt tâm, thiết thực và có hiệu quả hơn để bà con có thể mưu sinh bằng những ngành nghề, những công việc làm ổn định và  để phấn đấu vươn lên thoát khỏi đói nghèo…

Kết thúc bài viết này, tôi xin mượn những vần thơ của anh Đào Tiến – Phó Tổng Giám đốc PVTrans – một thành viên của đoàn để thay cho lời kết: “…Tôi đã khóc trên những dòng sông/Biển Hồ mênh mông ôi những con người/Nước mắt rơi bấp bênh sông nước/Bao cuộc đời đã vọng về Tổ quốc/Chỉ có mênh mông mịt mù biển nước/Bốn mặt sông cứ hướng về bốn phía/Tôi đã khóc về những cuộc đời/Những thân phận trôi nổi về đâu?/Về đâu về đâu ôi những con người/Giấc mơ xưa về nơi xa lắm/Tổ tiên mình giữ chặt trong tim/Hồn Tổ quốc ngày mỗi ngày thao thức/Đất Việt ơi khao khát mãi  trong mơ…”.

 Là ngành kinh tế mũi nhọn với số đoàn viên Công đoàn và địa bàn hoạt động trải dài trên toàn quốc, trong suốt hơn 20 năm qua, Công đoàn ngành Dầu khí VN đã trở thành nhân tố quan trọng trong sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí VN. Công đoàn các cấp trong ngành luôn là người bạn đồng hành đáng tin cậy, kề vai sát cánh với tập đoàn và các đơn vị thành viên để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, đem lại lợi ích chung cho tập đoàn, cho các đơn vị và NLĐ.   Để có được những kết quả như thế, những năm qua Công đoàn ngành Dầu khí không ngừng đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động. Trong đó, công tác giáo dục đào tạo và bồi dưỡng cán bộ luôn được chú trọng với nhiều lớp tập huấn, đào tạo lý luận, nghiệp vụ, những chuyến hoạt động ngoại khóa, về nguồn… nhằm giúp cho cán bộ Công đoàn và người lao động nâng cao nhận thức, nâng cao kỹ năng hoạt động Công đoàn để từ đó nâng cao chất lượng hoạt động của  công tác chuyên môn...

Nguyễn Thu Tuyết

Tin cùng chuyên mục