Người tiêu dùng được ưu tiên bảo vệ quyền lợi

Một năm sau ngày Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) đi vào cuộc sống (1-7-2011), NTD bước đầu được hưởng lợi với sự phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức xã hội cùng đồng hành để thực thi công tác bảo vệ NTD.
Người tiêu dùng được ưu tiên bảo vệ quyền lợi

Một năm sau ngày Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) đi vào cuộc sống (1-7-2011), NTD bước đầu được hưởng lợi với sự phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức xã hội cùng đồng hành để thực thi công tác bảo vệ NTD.

Ý thức dần được nâng cao

Ngày 18-7, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công thương tổ chức hội thảo "Nhìn lại một năm triển khai thực hiện Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng". Ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết: Sau một năm Luật này đi vào cuộc sống, nhìn chung xã hội đã có chuyển biến bước đầu đáng ghi nhận. Số lượng NTD hiểu hơn về quyền lợi chính đáng của mình ngày một tăng lên, họ chủ động tìm hiểu thông tin và vận dụng các kiến thức vào việc tự bảo vệ hoặc đề nghị cơ quan chức năng, tổ chức xã hội hỗ trợ bảo vệ. Các cơ quan chức năng cũng tập trung tuyên truyền, giới thiệu nội dung của Luật đối với xã hội, liên tục và trên diện rộng để nhấn mạnh quyền lợi NTD cũng như khuyến cáo doanh nghiệp tự giác tôn trọng quyền lợi NTD.

Lãnh đạo Sở Công thương TPHCM lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng AFCA

Lãnh đạo Sở Công thương TPHCM lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng AFCA

Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh: Bảo vệ quyền lợi NTD chính là bảo vệ toàn xã hội, bởi mỗi công dân đều là NTD. Việc thực hiện Luật cũng sẽ tạo tiền đề cho xã hội hiểu và tuân thủ pháp luật, góp phần tạo dựng tập quán văn minh thương mại và thúc đẩy sự vào cuộc của hệ thống cơ quan chức năng. Mặt khác đó cũng là điều kiện để khuyến khích doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc cũng như hỗ trợ quá trình phát triển bền vững đối với toàn bộ nền kinh tế.

Cục Quản lý cạnh tranh cho biết: Theo số liệu báo cáo năm 2011, có 550 vụ khiếu nại đến các Sở Công thương cấp tỉnh/thành phố và tỷ lệ được giải quyết đạt 90,2%. Ngoài ra có khoảng 2.000 vụ khiếu nại đến Hội Bảo vệ NTD các địa phương và 60 vụ gửi đến Cục Quản lý cạnh tranh cho thấy NTD đã nâng cao ý thức bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và dần đặt niềm tin vào Hội Bảo vệ NTD.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp tự giác thu hồi sản phẩm sau khi có phản hồi về chất lượng sản phẩm cho thấy doanh nghiệp đã thực sự hiểu ý nghĩa của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, tự biết tôn trọng và hiểu việc NTD được ưu tiên bảo vệ quyền lợi. Dù vậy, hoạt động bảo vệ NTD hiện mới tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn, nhất là TPHCM và Hà Nội nên rất cần nhân rộng mô hình phủ đều các tỉnh thành.

Tiếp tục phát huy vai trò của công tác bảo vệ NTD

Dù NTD bước đầu được hưởng lợi nhưng một số ý kiến cho rằng thực tiễn công tác bảo vệ quyền lợi NTD vẫn bộc lộ những hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Ông Nguyễn Phương Nam đánh giá: Nhìn chung các địa phương mới tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động là chủ yếu mà chưa có nhiều biện pháp bảo vệ quyền lợi NTD một cách thiết thực. Bên cạnh đó, các địa phương lại giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD cho nhiều đầu mối khác nhau như Chi cục quản lý thị trường, Phòng kinh tế quận/huyện, Phòng pháp chế… nên gây ra sự đứt quãng, thiếu đồng bộ trong biện pháp và hành động làm giảm hiệu lực quản lý của chính quyền. Ngoài ra, một số cán bộ làm công tác bảo vệ quyền lợi NTD chưa thạo nghề, thiếu kiến thức pháp luật, làm việc kiêm nhiệm… nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác. Điển hình, dư luận xã hội băn khoăn về việc giá dược phẩm và sữa ở Việt Nam rất “chơi vơi”, xa với thực tế và không phản ánh đúng bản chất quan hệ cung-cầu đã gây thiệt hại cho đa số NTD nhưng chưa được xử lý triệt để hoặc thiếu thuyết phục.

Người tiêu dùng được ưu tiên bảo vệ quyền lợi ảnh 2

Một buổi hội thảo được tổ chức tại Hội Chống gian lận thương mại & Hỗ trợ người tiêu dùng TPHCM (AFCA)

Nhìn nhận quanh vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM chia sẻ: Các tổ chức hội bảo vệ quyền lợi NTD phải trực tiếp nhắc nhở đến NTD về quyền tìm hiểu những hàng hóa được cung ứng và cảnh báo những nội dung không có lợi cho NTD. Nghị định 19 quy định xử phạt đối với các hành vi xâm phạm quyền lợi NTD nhưng hiện nay phần lớn người dân ít biết đến quyền lợi của mình như có thể yêu cầu được biết một số nội dung của nhà cung ứng về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tính chất, giá cả niêm yết và có quyền được góp ý kiến. Trong khi đó, hoạt động của một số hội vẫn chủ yếu dựa vào các vụ tố giác xâm phạm của NTD qua đơn khiếu nại, đại diện cho họ khởi kiện mà kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu và chưa có biện pháp chế tài một cách mạnh mẽ. Để đáp ứng tình hình hiện nay, các hội phải củng cố tình hình hoạt động, kêu gọi đội ngũ chuyên gia tham gia, doanh nghiệp đồng hành để tuyên truyền và bảo vệ quyền lợi NTD một cách có chiều sâu và đồng bộ.

Chặng đường 1 năm còn quá ngắn để thấy hết hiệu quả thực tế của Luật, vì vậy cần thêm nhiều thời gian để Luật chứng minh sức sống và hiệu quả. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, thời gian tới Bộ sẽ hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD từ trung ương đến địa phương cũng như quan tâm đến việc triển khai thực hiện Luật trên diện rộng. Được biết, Bộ cũng sẽ tập trung vào công tác đào tạo, nâng cao ý thức phục vụ cộng đồng của đội ngũ cán bộ chuyên trách, giải quyết những hạn chế, tồn tại tạo sự đồng thuận trong xã hội để tiếp tục phát huy vai trò của công tác bảo vệ quyền lợi NTD.

 Kiến nghị đưa Tổ chức Bảo vệ người tiêu dùng trở thành tổ chức xã hội đặc thù

Một trong những ý kiến nhận được khá nhiều đồng thuận khi ông Bùi Gia Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương Lạng Sơn đề nghị Bộ Công thương kiến nghị với Chính phủ để các tổ chức hội bảo vệ NTD sớm được công nhận là tổ chức xã hội đặc thù.

Đánh giá về vấn đề này, đại diện Hội Chống gian lận thương mại & Hỗ trợ người tiêu dùng TPHCM (AFCA) - một trong những tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động hiệu quả tại TPHCM cho biết: Việc sớm đưa các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng trở thành tổ chức xã hội đặc thù có rất nhiều ý nghĩa. Hiện nay, theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng đã được “ưu ái” trao rất nhiều quyền hạn: kiến nghị xử lý vi phạm pháp luật, đại diện người tiêu dùng khởi kiện, độc lập khảo sát chất lượng hàng hóa trên thị trường, thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao... “Tại rất nhiều nước trên thế giới, hầu như vai trò bảo vệ người tiêu dùng đều do các tổ chức xã hội thực hiện. Đây chính là một trong những “hàng rào kỹ thuật” giúp đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, hỗ trợ người dân và góp phần bảo vệ các thương hiệu uy tín trên thương trường” - ông Nguyễn Văn Khuê, Phó Chủ tịch AFCA nhận định.

Ngoài ra, theo Luật, thực tế hoạt động của các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay không chỉ đơn thuần là hòa giải. Việc đấu tranh chống các hiện tượng gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo vệ người tiêu dùng. Thiết nghĩ, với vai trò này, rất nhiều “kẻ xấu”, doanh nghiệp làm ăn gian dối sẽ tìm mọi cách “phá hoại” nhằm hạ uy tín của các tổ chức này. Các cơ quan chức năng, báo chí cần hiểu rõ tôn chỉ mục đích và hỗ trợ các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng thực hiện tốt vai trò của mình.

CÁT TRÍ tổng hợp

Tin cùng chuyên mục