Xuất khẩu nhân điều: Khi đối tác cũng là đối thủ

Đến hết tháng 2, các doanh nghiệp (DN) đã xuất khẩu gần 31.500 tấn nhân điều, đạt kim ngạch hơn 286 triệu USD. Mặc dù giảm 9,9% về sản lượng, nhưng theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), lại tăng 8,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016, khi giá xuất bình quân hiện nay lên đến 9,5USD/kg, riêng với thị trường Trung Quốc là 11USD/kg nhân điều mã W320.

Đến hết tháng 2, các doanh nghiệp (DN) đã xuất khẩu gần 31.500 tấn nhân điều, đạt kim ngạch hơn 286 triệu USD. Mặc dù giảm 9,9% về sản lượng, nhưng theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), lại tăng 8,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016, khi giá xuất bình quân hiện nay lên đến 9,5USD/kg, riêng với thị trường Trung Quốc là 11USD/kg nhân điều mã W320. 

Cạnh tranh bằng công nghệ

Bên cạnh thị trường truyền thống và quan trọng là Trung Quốc, năm 2016, Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất nhân điều của Việt Nam, với mức 1 tỷ USD trong số 3,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của ngành điều Việt Nam. Giải thích về điều này, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, cho rằng sau các kỳ kiểm tra nhà máy, các nhà nhập khẩu Mỹ nhận thấy Việt Nam là nước cung cấp nhân điều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm so với các nước khác như Ấn Độ, Brazil (còn sử dụng lao động chân tay ở nhiều khâu, như Việt Nam trước đây). Trong tổng sản lượng điều thô thế giới khoảng 7 triệu tấn, Việt Nam chế biến 1,5 triệu tấn (năm 2016), chiếm khoảng 50% sản lượng và 12 năm liền là nước xuất khẩu nhân điều đứng đầu thế giới sau khi vượt qua Ấn Độ. Vì vậy, các nước có nhu cầu nhập khẩu nhân điều đều nghĩ đến Việt Nam.

Ngành điều Việt Nam có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới là do các DN làm chủ được công nghệ chế biến. Đây có lẽ là ngành hàng duy nhất mà Việt Nam có thể xuất khẩu được thiết bị và công nghệ. Đó là kết quả của việc liên kết giữa DN chế biến nhân điều với các DN cơ khí hơn 20 năm qua, từng bước tạo dựng “thương hiệu” về công nghệ chế biến điều. Mặc dù Việt Nam không là nước chế biến đầu tiên thế giới như với Brazil hay đầu tiên ở châu Á như Ấn Độ, nhưng DN Việt Nam đã nhanh chóng tiếp thu, cải tiến để nâng cao và từng bước hoàn chỉnh công nghệ. Nhiều thiết bị do DN cơ khí Việt Nam sản xuất ở hầu hết các công đoạn chế biến (phân loại, hấp, tách, bóc vỏ lụa…) đều được đánh giá là ngang bằng hay ưu thế hơn so với thiết bị nhập khẩu; đặc biệt là khâu cắt tách vỏ điều thô, thiết bị đã được các nước nhập khẩu thay vì mua từ các hãng chế biến nổi tiếng thế giới như Olatramare của Ý.

Chế biến nhân điều tại Công ty TNHH Mỹ An (Long An). Ảnh: ĐÌNH TRƯỜNG

Nhờ tự động hóa ở hầu hết các khâu nên chi phí nhân công trong ngành điều giảm xuống và năng suất lao động tăng lên. Theo Vinacas, để chế biến 30.000 - 40.000 tấn điều thô, chỉ cần 200 - 300 lao động thay vì 3.000 - 4.000 lao động như trước đây. Năng suất lao động chế biến ngành điều vượt qua đối thủ nặng ký của Việt Nam là Ấn Độ hay Brazil. Tạo ra giá trị gia tăng nội địa lớn, làm chủ được công nghệ và có khả năng cạnh tranh cao, ngành điều là ngoại lệ của ngành hàng nông sản Việt Nam - vốn vẫn mang tiếng là xuất thô, khả năng cạnh tranh kém.

Vẫn tiềm ẩn nguy cơ

Cũng theo Vinacas, ngày càng có nhiều DN cả trong và ngoài nước tham gia, đầu tư cơ sở chế biến điều tại Việt Nam ở cả miền Nam lẫn miền Bắc, đặc biệt một số cơ sở đã mọc lên dọc khu vực biên giới giáp với Trung Quốc. Xu hướng mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn. Theo ông Nguyễn Đức Thanh, việc một số DN chế biến lớn quan tâm đầu tư nhiều hơn trong lĩnh vực thương mại điều thô và điều nhân, thay vì tập trung vào lĩnh vực chế biến sâu, sẽ tiềm ẩn nguy cơ làm xáo trộn thị trường và ảnh hưởng không nhỏ đến sự chuyển dịch trong chuỗi giá trị ngành điều. Đó là nguy cơ bên trong. 

 

Ông Nguyễn Đức Thanh cho rằng, vấn đề cơ bản vẫn là năng lực cạnh tranh. Cần phải tiếp tục cải tiến, hoàn chỉnh công nghệ, thiết bị để cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh; hướng “cuộc chơi” vào việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng chất lượng, cạnh tranh giá cao, không bán giá thấp như năm 2016; giao hàng đúng hẹn.

 

Nhưng ngành điều còn tiềm ẩn nguy cơ từ bên ngoài. Đó là phụ thuộc quá nhiều vào việc nguyên liệu nhập khẩu. Năm 2016, trong số gần 1,5 triệu tấn điều thô chế biến, có đến 1,06 triệu tấn nhập khẩu. Thị trường nhập khẩu nhiều nhất vẫn là các nước vùng Tây Phi và nhất là Bờ Biển Ngà, trong khi các nước này có chủ trương xây dựng nhà máy chế biến nhân điều tại chỗ, kể cả việc lôi kéo chuyên gia từ Việt Nam cũng như mua thiết bị và công nghệ từ Việt Nam. Xu thế các nước này là hạn chế xuất khẩu điều thô thông qua đánh thuế 10%, rồi sẽ tiến đến việc cấm xuất khẩu điều thô, như cách mà Việt Nam đã từng làm hơn 20 năm trước. Vì vậy, việc chủ động nguyên liệu trong nước là chủ trương Nhà nước đang tiến hành nhằm thay thế bộ giống để nâng cao năng suất, sản lượng và thu nhập người trồng điều. Nhưng lãnh đạo Vinacas cho rằng, bên cạnh việc là đối tác lớn, Trung Quốc còn là đối thủ tiềm năng lớn nhất của ngành điều Việt Nam thời gian tới.

Trung Quốc là thị trường truyền thống và quan trọng không kém thị trường Mỹ, do sát biên giới nên việc giao thương lâu nay thuận lợi hơn (mà Ấn Độ hay các nước châu Phi, kể cả Brasil khó có thể cạnh tranh). Từ lâu, người Trung Quốc biết đến chất lượng thật sự vượt trội của nhân điều Việt Nam, đặc biệt là vùng Bình Phước. Đội ngũ doanh nhân Trung Quốc đang có những bước đi bài bản, như xây dựng 2 nhà máy chế biến tại Bờ Biển Ngà, nước có sản lượng điều thô lớn nhất thế giới ở châu Phi và mới đây là đầu tư xây dựng 3 nhà máy chế biến công suất lớn tại 3 tỉnh giáp biên giới Trung Quốc ở Lào Cai, Cao Bằng và Lạng Sơn. Dù chủ đứng tên là người Việt Nam, nhưng ai cũng hiểu đứng phía sau là ai. Vì vậy, ngành điều, nhất là tự thân các DN cũng như hiệp hội, không thể chủ quan với những ưu thế vượt trội của ngành điều Việt Nam, khi mà thế mạnh của doanh nhân Trung Quốc là kỹ năng thương mại và kinh nghiệm hơn doanh nhân Việt Nam.

Với việc làm chủ gần hết các công nghệ và thiết bị được sản xuất ngay trong nước, vấn đề còn lại là kết nối giữa các khâu tốt hơn, giúp cho năng lực chế biến không chỉ tăng thêm mà còn giúp cho chất lượng đảm bảo về an toàn thực phẩm hơn, không còn bị nhiễm chéo, nhờ khắc phục những khoảng hở giữa các khâu vốn chưa hoàn chỉnh.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục