Không phải ai cũng cười

Giá điều thô trong nước mùa vụ 2017 ở mức rất cao, trên dưới 50.000 đồng/kg tươi, nếu là điều khô thì 60.000 đồng/kg - như anh Nguyễn Anh Tuấn, ấp 5, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết. Cùng thời điểm này năm rồi ở mức 38.000 đồng/kg tươi. Nói chung, 2 năm nay giá điều thu mua trong nước đều rất cao so với những năm trước. Với giá này, người trồng điều có thể sống được với cây điều. Tuy nhiên năm nay không phải ai cũng trúng mùa, trúng giá như anh Tuấn (năng suất bình quân 6ha điều của anh đạt khoảng 3,5tấn/ha).

Đợt mưa trái mùa trước và sau tết âm lịch 2017, kết hợp với thời tiết âm u, sương mù và độ ẩm không khí cao đã ảnh hưởng đến mùa vụ điều khá rõ ràng. Sâu bệnh phát triển nhiều. Với những người chịu khó chăm sóc có kinh nghiệm như anh Tuấn, việc điều trị để khắc phục sâu bệnh không quá khó. Nhưng với một bộ phận không nhỏ người trồng, nhất là tại các tỉnh không trọng điểm về cây điều như huyện Đạ Tẻ, Cát Tiên, Đa Hoai (tỉnh Lâm Đồng) hay huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận), bà con không phải là người có nhiều kinh nghiệm nên đã bị thiệt hại nặng nề. Theo kỹ sư Phan Văn Đấu, chuyên gia cây điều, thiệt hại do sâu bệnh ở đây lên đến 70% - 80% sản lượng. Ngoài nguyên nhân thời tiết thất thường, còn do bà con thiếu thông tin phòng trừ, bởi ngành khuyến nông địa phương không có khuyến cáo kịp thời khi mới xuất hiện sâu bệnh.

Sau chuyến khảo sát các huyện Đồng Phú, Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng (tỉnh Bình Phước - địa phương có diện tích, sản lượng và chất lượng điều thô cao nhất cả nước), Hiệp đội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, sâu bệnh không bị hoành hành nhiều như các địa phương khác, nhưng mùa vụ điều 2017 đến trễ khoảng 1,5 tháng do mùa khô bị rút ngắn, lại mưa nhiều trong mùa khô, làm chậm quá trình rụng lá, ra đọt non và phân hóa mầm hoa. Thời gian điều chín dự báo tập trung từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3 và kéo dài đến hết tháng 4. Nhìn chung, mùa vụ điều trễ hơn, sản lượng cũng thấp hơn. Theo kỹ sư Phan Văn Đấu, hiện nay hầu hết khu vực bị thiệt hại do sâu bệnh đã được các tỉnh hỗ trợ phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, nhưng vẫn còn sót diện tích điều bị thiệt hại nặng, bà con bỏ mặc không phun xịt, sẽ là ổ dịch có thể bùng phát sang mùa vụ sau. Đây là điều phải tính đến để có biện pháp ngăn chặn.  

Ảnh minh họa

Hạn chế lớn nhất của ngành điều là phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điều của Vinacas đã thực hiện “đồng hành cùng nhà nông” với đề án “ghép cải tạo - thâm canh điều”, để đưa năng suất từ dưới 1 tấn/ha lên 2 tấn/ha. Hiện nay đã đạt 1,4 tấn/ha, nhưng đã có nhiều mô hình năng suất lên tới 3 - 4 tấn/ha. Mục tiêu là đến năm 2020, sản lượng điều thu hoạch của Việt Nam đạt 600.000 tấn hạt điều thô trở lên. Tất nhiên mức thu hoạch này không thể thay thế hoàn toàn điều thô nhập khẩu, nhưng cũng không bị lệ thuộc quá nhiều. Từ 3 năm nay, diện tích trồng điều không còn giảm, do năng suất điều từng bước được nâng lên nhờ việc sưu tập, chọn lọc và lai tạo để có bộ giống phù hợp cho từng vùng thổ nhưỡng, cho thấy hướng đi là đúng. Bởi, chỉ khi thu nhập của người trồng điều tăng lên, có thể cạnh tranh với cây trồng khác tại chỗ, mới có thể nói đến việc giữ diện tích điều hiện hữu, trước khi nói đến việc mở rộng. Cũng cần lưu ý, câu chuyện thời tiết bất thường dẫn đến sâu bệnh xuất hiện và lan rộng thời gian qua cho thấy cần phải có lực lượng khuyến nông đủ mạnh, vững về chuyên môn, để kịp thời khuyến cáo người dân có biện pháp ứng phó phù hợp.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục