Gỡ khó cho ngành lúa gạo phát triển

Nói thẳng vào những vướng mắc…

Tại hội nghị bàn về “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL”, diễn ra ở An Giang ngày 15-3, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, có rất nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị tháo gỡ hàng loạt rào cản gây khó cho lúa gạo. Làm thế nào để ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững, thu nhập của nông dân được cải thiện trong điều kiện biến đổi khí hậu tác động, hạn mặn xâm nhập; cạnh tranh về xuất khẩu gạo trên thế giới diễn ra gay gắt… đã được các bộ, ngành trung ương, các tỉnh ĐBSCL, doanh nghiệp… bàn thảo nhằm tìm hướng đi mới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm lúa gạo tại hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL” Ảnh: MAI ANH

Nói thẳng vào những vướng mắc…

Phát biểu gợi ý để các bộ ngành trung ương, các địa phương ở ĐBSCL, cộng đồng doanh nghiệp… thảo luận, gỡ khó cho sản xuất và xuất khẩu gạo hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Bộ NN-PTNT, các tỉnh ĐBSCL, các nhà khoa học, nông dân… đã tích cực trong quá trình sản xuất lúa gạo thời gian qua. Việt Nam từ một nước khó khăn đã trở thành cường quốc về xuất khẩu gạo trên thế giới. Hạt gạo Việt Nam đã xuất sang tới 150 quốc gia, trong đó năm 2012 xuất khẩu cao nhất với 8 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 3,67 tỷ USD. Tuy nhiên, trước những thay đổi của thế giới, ngành lúa gạo đối mặt nhiều khó khăn. Cụ thể, xuất khẩu gạo năm 2016 bị giảm 26,5% về lượng và giảm 22,4% về giá so với cùng kỳ 2015, đặt ra nhiều vấn đề lo ngại. Trước tình hình trên, Thủ tướng đề nghị các đại biểu cần thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, hạn chế, những điểm nghẽn, kiềm hãm ngành lúa gạo, để từ đó tìm giải pháp tháo gỡ. Có hay không Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) “cản trở” doanh nghiệp xuất khẩu, có hay không việc “ban phát” hạn ngạch trong xuất khẩu gạo. Tại sao hạt gạo của Campuchia đi sau ta khoảng 15 năm, nhưng nước bạn có thương hiệu gạo, xuất sang châu Âu…; trong khi chúng ta loay hoay mà chưa xây dựng xong thương hiệu gạo?

Những gợi ý của Thủ tướng đã đánh trúng vào những bức xúc của nhiều doanh nghiệp. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ), nói: “Khi Bộ NN-PTNT chủ trương xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” thì Công ty Trung An vào cuộc ngay. Mấy năm qua, Công ty Trung An liên kết với nông dân ĐBSCL thực hiện 6.000ha lúa theo cánh đồng mẫu lớn, kết quả rất tốt. Nông dân bán lúa với giá cao hơn bên ngoài nên lợi nhuận đảm bảo, còn doanh nghiệp thì chủ động 100% nguồn gạo chất lượng để xuất sang các thị trường khó tính. Trong lúc công ty thực hiện tốt mọi việc thì lại vướng quy định điều kiện xuất khẩu gạo. Ngoài vùng nguyên liệu, kho bãi, hợp đồng… thì còn phải có “con dấu đỏ” của VFA. Đây là điều không hợp lý và gây mất thời gian cho doanh nghiệp”. Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, trăn trở, gạo Thái Lan chào bán giá thấp hơn gạo Việt Nam nên họ trúng thầu, điều này cho thấy chi phí hạt gạo của ta cao và khó cạnh tranh. Hiện nay, nông dân sử dụng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu dẫn đến chi phí cao, mà hạt gạo thiếu an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, chúng ta có hơn 200 giống lúa là quá nhiều, khiến hạt gạo khó đạt chất lượng đồng đều. Ở Thái Lan chỉ canh tác khoảng 20 giống nhưng chất lượng rất tốt.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh kiến nghị: “Bộ Tài chính xem xét miễn giảm thuế giá trị gia tăng từ 5% xuống 0% cho mặt hàng gạo. Bên cạnh đó, Nhà nước khuyến khích giảm diện tích đất lúa ở những nơi không hiệu quả để chuyển sang trồng cây khác, thế nhưng nhiều loại cây chưa có chính sách hỗ trợ nên nông dân e ngại. Ngoài ra, cần nghiên cứu xây dựng một trung tâm kiểm định chất lượng gạo đạt chuẩn quốc tế đặt tại Cần Thơ hoặc An Giang, để các doanh nghiệp không phải chạy lên TPHCM kiểm định vừa xa xôi, tốn kém…”. Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng nêu thực trạng, hạt gạo Việt Nam được xuất khẩu nhiều năm nhưng đến nay chưa có thương hiệu; trong khi một số nước khi mua gạo của Việt Nam xong là họ thay đổi nhãn mác và “đóng” thương hiệu của họ để bán ra thị trường. Điều này làm cho hạt gạo của ta yếu thế và giá trị thu về thấp…

Chuyển gạo xuất khẩu xuống tàu

Cởi trói hạn điền, xây dựng thương hiệu

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sản xuất và xuất khẩu gạo tới đây không chạy theo số lượng mà cần chất lượng, giá trị… Theo đó, quy hoạch lại sản xuất, giải quyết tình trạng đất đai manh mún để hướng tới vùng chuyên canh lớn. Chính phủ sẽ nghiên cứu vấn đề hạn điền để trình Quốc hội xem xét sửa đổi mở rộng. Tinh thần chung là khi mở rộng hạn điền thì cần bồi thường thỏa đáng cho dân khi bị thu hồi đất. Mở rộng hạn điền cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất lúa gạo theo hướng hiện đại. Cần thấy rằng, trong chuỗi giá trị lúa gạo thì vai trò của doanh nghiệp là quan trọng, từ xây dựng vùng nguyên liệu cho đến liên kết với hợp tác xã, nông dân… nhằm giải quyết tốt sản xuất và tiêu thụ. Các nhà khoa học cần hỗ trợ tích cực hơn về công nghệ cho ngành lúa gạo phát triển. Ngân hàng tham gia mạnh hơn trong hỗ trợ vốn trung hạn, dài hạn… để tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng bền vững, chất lượng và tăng giá trị.

Thủ tướng lưu ý, dù xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn, nhưng trước mắt lúa gạo vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền nông nghiệp nước nhà. Và nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế. Vấn đề bức bách hiện nay là phải thay đổi tư duy về sản xuất và xuất khẩu gạo, đổi mới cách làm phù hợp với xu thế hiện nay. Các tỉnh cần quy hoạch vùng chuyên canh diện tích lớn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng. Thời gian qua, nhiều nơi canh tác 3 vụ/năm thì xem lại có còn phù hợp không, nếu giảm lúa thì chuyển sang cây gì cho hiệu quả. Vấn đề này các địa phương phải quyết liệt tổ chức lại sản xuất, phát huy vai trò HTX kiểu mới, liên kết nông dân vào làm ăn lớn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chúng ta cần phải phấn đấu trong 10 năm tới hoặc xa hơn nữa thì hạt gạo Việt Nam sản xuất vừa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và cả dược liệu (bổ, ngon và hạn chế một số bệnh…). Làm được điều này cần có sự đột phá về cơ chế, chính sách cho lúa gạo. Bộ NN-PTNT phối hợp với các ngành liên quan, các tỉnh, doanh nghiệp… xúc tiến ngay xây dựng thương hiệu lớn cho hạt gạo Việt Nam, tạo uy tín trên thương trường quốc tế. Song song đó, cần quan tâm thị trường gạo trong nước, tránh tình trạng gạo ngoại lấn “sân” ta ngày càng nhiều…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao cho các bộ: NN-PTNT, Công thương, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước xem xét những kiến nghị của các doanh nghiệp, các tỉnh…  tháo gỡ ngay để ngành lúa gạo phát triển. Tới đây, không nên trao quá nhiều “quyền” cho VFA trong điều hành xuất khẩu gạo.

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục