Vốn Nhật ồ ạt vào Việt Nam

Có thể nói, năm 2017 là năm doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư mạnh vào Việt Nam trên lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017, đã có hơn 100 DN Nhật Bản tham gia kết nối thương mại và đầu tư chính thức vào nước ta. TPHCM và Hà Nội đang là 2 điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Nhật Bản.

Có thể nói, năm 2017 là năm doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư mạnh vào Việt Nam trên lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017, đã có hơn 100 DN Nhật Bản tham gia kết nối thương mại và đầu tư chính thức vào nước ta. TPHCM và Hà Nội đang là 2 điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Nhật Bản.

Hơn 60% DN Nhật kinh doanh có lãi lớn tại Việt Nam

Tổ chức Xúc tiến thương mại đầu tư Nhật Bản (Jetro) cho biết, Nhật Bản đang đứng thứ hai trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với giá trị 42,29 tỷ USD. Riêng 2 tháng đầu năm 2017, có hơn 297 triệu USD vốn đăng ký đầu tư mới từ các nhà đầu tư Nhật. Cũng  trong 2 tháng đầu năm, đã có hơn 100 DN Nhật Bản tìm hiểu, khảo sát và tiến hành các thủ tục đầu tư.

Mua bánh kẹo tại khu bán hàng thực phẩm Nhật Bản trong siêu thị AEON Ảnh: THÀNH TRÍ

Theo Jetro, các DN Nhật thích đầu tư vào Việt Nam vì đây là thị trường nhiều tiềm năng, dân số đông (gần 100 triệu người), số người ở độ tuổi lao động - tiêu dùng chiếm đến gần 60%. Tầng lớp có thu nhập trung bình khá cũng đang tăng nhanh tại Việt Nam nên nhu cầu sử dụng sản phẩm thực phẩm chất lượng cao cũng sẽ tăng trong thời gian tới. Trong khi đó, các sản phẩm của doanh nghiệp Nhật có lợi thế phù hợp thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam, được người Việt tin dùng; hàng hóa nhiều chủng loại đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Đặc biệt, các nhà đầu tư Nhật rất quan tâm đến nhu cầu cung ứng sản phẩm nông sản sạch, thực phẩm sạch - một trong những phân khúc đang thiếu nguồn cung ứng tại Việt Nam.

Khảo sát mới nhất do Jetro thực hiện trên 1.200 DN Nhật Bản vừa công bố vào đầu tháng 2 khẳng định, tỷ lệ DN Nhật Bản tại Việt Nam kinh doanh có lãi chiếm tới 62,8%; đó là lý do 60% DN Nhật cho biết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư vào thị trường Việt Nam hoặc thực hiện chính sách Trung Quốc và Thái Lan cộng 1 (Việt Nam) trong năm nay. Nhiều DN Nhật vào Việt Nam đạt lợi nhuận trên mức 60%, nhất là trong ngành chế biến thực phẩm. Vì vậy, Jetro dự báo, đầu tư Nhật vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo (xu hướng quen thuộc trước đây) sẽ giảm, ngược lại sẽ tăng đầu tư trên lĩnh vực ngành hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm chế biến.

Ông Kazuhiro Takahashi, Giám đốc Trung tâm Thực phẩm nông lâm thủy sản Jetro, cho biết hiện các DN Nhật Bản đang đẩy mạnh kết nối với hệ thống phân phối của Nhật Bản tại Việt Nam, hoặc kết nối trực tiếp với hệ thống DN Việt Nam (nhà phân phối, nhà hàng, khách sạn...) để đưa hàng vào xâm nhập thị trường nội địa nước ta. Chính sách giá bán cũng như khẩu vị chế biến được các DN Nhật Bản nghiên cứu và điều chỉnh nhằm phù hợp khả năng tiêu dùng của người Việt.

Thiếu chuỗi cung ứng khép kín, DN nội lao đao

Trong bối cảnh DN Nhật trở bộ và đổ mạnh đầu tư vào lĩnh vực chế biến thực phẩm, nông sản, nhiều DN Việt tỏ ra khá lo lắng. Đại diện Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho biết, chưa tính đến số DN Nhật chuẩn bị vào Việt Nam, ngay hiện nay, DN ngành chế biến thực phẩm nội địa cũng đã chật vật để cạnh tranh và tồn tại trên thị trường. Với nguồn nguyên liệu chế biến vẫn đang phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu, chiếm hơn 80%, thì khả năng cạnh tranh về giá của sản phẩm nội cũng rất khó khăn. Chưa hết, hệ thống kênh phân phối hiện đại và tiện lợi thời gian qua đã bị nhiều tập đoàn nước ngoài thâu tóm, cũng đã buộc không ít DN nội đứng ngoài cuộc cạnh tranh ngay trên chính thị trường nội địa và phải chuyển thị phần tiêu thụ về vùng nông thôn.

Chia sẻ vấn đề này, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vissan, cho biết những khó khăn mà DN nội vấp phải đã được đề cập đến từ rất lâu. Tuy nhiên, những giải pháp cần thiết để gỡ khó vẫn chưa thích hợp. Hiện hơn 90% DN nội là DN vừa và nhỏ, muốn tồn tại phải liên kết, nhưng rất khó, vì bản thân các DN cũng là đối thủ cạnh tranh. Không chỉ vậy, việc liên kết sẽ phải thực hiện như thế nào để không vi phạm Luật Cạnh tranh cũng là vấn đề cần phải cân nhắc. Về nguồn nguyên liệu, các DN đã nhiều lần kiến nghị Nhà nước cần phải thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu và hỗ trợ xây dựng nhà máy chế biến nguyên vật liệu. Việc hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cần tập trung cho những DN có nội lực, có khả năng chi phối và có hệ thống phân phối trên thị trường, từ đó xây dựng cơ sở hệ thống chuỗi sản xuất khép kín từ khâu cung ứng đến khâu phân phối ra thị trường. Tuy nhiên, cho đến nay những kiến nghị này vẫn chưa được xem xét.  Kết quả là nguồn đầu tư hỗ trợ đã nhỏ, còn bị dàn trải, nên hiệu quả đầu tư không cao. Và DN nội có nguy cơ đứng ngoài cuộc chơi ngay trên chính sân nhà.

 Những rào cản kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm của nước ta cần có để hạn chế hàng nhập khẩu vẫn chưa chặt chẽ. Hàng nhập khẩu qua đường tiểu ngạch còn nhiều. Vấn đề kiểm soát giá bán trên thị trường chưa được các cơ quan chức năng quan tâm, giám sát đúng mức, khiến cho thị trường cạnh tranh thiếu lành mạnh mà thiệt thòi vẫn là DN nội.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục