Gỡ nút thắt năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo

° Phóng viên:
Gỡ nút thắt năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo

Có tới 250 nhiệm vụ quan trọng được đặt ra trong Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành đầu tuần qua. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Đức Kiên (ảnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xung quanh những điểm mới của nghị quyết.

° Phóng viên: Thưa ông, Nghị quyết 19-2017/NQ-CP đặt mục tiêu đến hết năm 2017 đạt tối thiểu bằng trung bình của các nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh. Ông có cho rằng đây là mục tiêu khả thi?

Gỡ nút thắt năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo ảnh 1

° TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN: Trong Bảng tổng sắp Môi trường kinh doanh năm 2016 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam phải thăng hạng tới 39 bậc mới có thể lọt vào trung bình tốp ASEAN 4. Ví von một chút thì chúng ta đang ở trong cỗ xe ASEAN và khó có chuyện trở thành người dẫn đường. Nghị quyết 19 có thể là cú hích cho cỗ xe đang trì trệ, nhưng nếu chỉ bằng lực đẩy thì chiếc xe cũng không thể chạy nhanh về phía trước. Nghị quyết mới đề ra 250 chỉ tiêu thuộc 20 nhóm, lĩnh vực; đã cụ thể hơn các nghị quyết trước khá nhiều, nhưng vẫn chưa khoanh định được những lĩnh vực và thứ tự công việc ưu tiên gắn liền với trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương.

° Dường như vẫn có sự chuyển động không đồng tốc ở đây, khi Chính phủ tỏ rõ quyết tâm, nhưng một số địa phương vẫn còn khá lừng khừng, chậm trễ. Nghị quyết 19-2016 được ban hành ngày 28-4-2016, nhưng phải đến tháng 8-2016, các bản kế hoạch hành động ở nhiều địa phương mới được hoàn tất, nghĩa là thời gian để thực hiện còn rất ngắn, thưa ông?

° Vai trò của các địa phương không chỉ là mờ nhạt mà trong một số trường hợp họ còn tạo ra lực cản. Chẳng hạn như mới đây, cộng đồng doanh nghiệp đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho dừng thực hiện Nghị quyết số 148/2016/NQ-HĐND ngày 13-12-2016 của HĐND TP Hải Phòng về thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển, thực hiện từ 1-1-2017. Doanh nghiệp cho rằng, quy định mới của Hải Phòng thực ra là đặt thêm loại phí mới chồng chéo với nhiều loại phí khác mà doanh nghiệp đang phải trả, lại không cho doanh nghiệp thời gian chuẩn bị, khiến họ không kịp điều chỉnh kế hoạch và họ không phải là không có lý.

Nhưng các bộ, ngành cũng chưa phải đã hoạt động nhịp nhàng, thông suốt. Như dự thảo đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đánh vào mặt hàng xăng của Bộ Tài chính. Về nguyên tắc thì đây là việc cần thiết, nhưng lẽ ra cần đưa ra sớm hơn nhiều và phải có lộ trình phù hợp. Cũng như nhiều chuyện khác, câu chuyện tăng thuế bảo vệ môi trường đánh vào xăng cho thấy điểm yếu của chúng ta trong khâu xây dựng phương án cụ thể để triển khai thực hiện chính sách.

° Tại một phiên họp gần đây về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có nói, 80% mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 19-2017 cần có sự phối hợp liên ngành mới thực hiện được. Ông nghĩ sao?

° Đúng thế, để đạt được các mục tiêu rất thách thức đó, chúng ta cần phải xây dựng, củng cố cả mối liên kết ngang giữa các bộ, ngành và liên kết dọc giữa trung ương với địa phương, hướng tới mục tiêu chung là cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Nhìn chung, chúng ta vẫn đang quá tập trung vào các giải pháp công trình để cải thiện cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư. Tất nhiên đó là việc cần làm, nhưng trong khi nguồn lực có hạn, không thể “rải” vốn một cách tràn lan, vượt quá khả năng chịu đựng của nền kinh tế.

Tôi cho rằng, có một giải pháp quan trọng là tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp phản ánh họ ngán ngại nhất là khâu đất đai. Vừa qua, việc chính quyền tỉnh Hà Nam đứng ra thuê đất nông nghiệp của người dân để giao cho nhà đầu tư triển khai dự án có ý nghĩa lớn, khích lệ doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư.

° Đây đã là năm thứ 4 liên tiếp chuỗi Nghị quyết 19 được ban hành. Bên cạnh những thành quả, có một vấn đề đáng lưu ý: thứ hạng về năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lại tụt hạng. Theo ông, chúng ta phải tập trung vào đâu để nâng cao năng lực cạnh tranh? 

° Năng lực cạnh tranh đúng là một điểm yếu hiện nay của Việt Nam, khi chúng ta vẫn đang xếp sau tới 6 nền kinh tế ASEAN (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Brunei). Tương tự là chỉ tiêu về đổi mới sáng tạo, một yếu tố có quan hệ hữu cơ với năng lực cạnh tranh.

Vì thế, chúng ta cần xác định đúng lĩnh vực nào có thế mạnh để tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của những ngành đó. Lấy ví dụ, một mặt hàng mà chúng ta có thế mạnh xuất khẩu và cũng đang kỳ vọng lớn là con tôm. Cần phải tính toán xem chúng ta sẽ phát triển ngành tôm theo hướng nào? Nuôi quảng canh, sản lượng cao, nhưng không xuất được hoặc phải bán rất rẻ; hay chỉ nuôi có chọn lọc, theo mô hình “con tôm ôm cây lúa” như trước đây, sản lượng không cao nhưng tôm sạch và ngon, được thị trường ưa chuộng, bán được với giá cao? Chọn được rồi thì phải có chính sách rất cụ thể, chẳng hạn như doanh nghiệp nào làm tôm giống bố mẹ thì được miễn một số loại thuế, miễn tiền sử dụng đất... Những ai làm tôm mà gây ô nhiễm thì phải nộp đầy đủ thuế, phí, nhất là các loại phí môi trường. Trong nhiều trường hợp, công nghệ cao không nhất thiết đồng nghĩa với phát minh sáng chế tiên tiến nhất mà chỉ là áp dụng cách làm hiệu quả nhất, hạn chế sử dụng công nghệ cũ ở mức thấp nhất, bảo vệ được môi trường.

° Xin cảm ơn ông!


ANH THƯ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục