Cẩn trọng việc giao dịch và mua sắm qua mạng

Sau hàng loạt các vụ lừa đảo trên mạng như đánh cắp thông tin tài khoản qua facebook, lừa người mua hàng thông qua các trang web nhái… khiến nhiều người mất tiền oan, các ngân hàng vừa đồng loạt đưa ra các cảnh báo, đồng thời hướng dẫn một số thao tác để khách hàng tự bảo vệ mình trước tội phạm mạng ngày càng tinh vi, nhất là vào dịp mua sắm cho mùa tết.
Cẩn trọng việc giao dịch và mua sắm qua mạng

Sau hàng loạt các vụ lừa đảo trên mạng như đánh cắp thông tin tài khoản qua facebook, lừa người mua hàng thông qua các trang web nhái… khiến nhiều người mất tiền oan, các ngân hàng vừa đồng loạt đưa ra các cảnh báo, đồng thời hướng dẫn một số thao tác để khách hàng tự bảo vệ mình trước tội phạm mạng ngày càng tinh vi, nhất là vào dịp mua sắm cho mùa tết.

Hoành hành trên mạng xã hội

Trong thông báo gửi khách hàng mới đây, nhiều ngân hàng cảnh báo, ngoài các kênh mà tội phạm mạng hay sử dụng để lừa đảo là gửi tin nhắn qua điện thoại (SMS), gửi email, gọi điện thoại trực tiếp, gửi đường link giả mạo thì mạng xã hội (Facebook, Twitter, Linkedin…) hiện đang là tâm điểm tấn công của các tội phạm công nghệ cao. Chiêu thức lừa đảo phổ biến thường được thực hiện qua việc gửi email đến khách hàng thông báo tài khoản ngân hàng, tài khoản facebook bị khóa và yêu cầu phải đăng nhập vào trang web có dẫn đường link để khai báo nhằm mở lại tài khoản. Khi người tiêu dùng nhẹ dạ khai báo theo đường link đó sẽ bị đánh cắp dữ liệu, từ đó bị lấy tài khoản và lấy tiền.

Nhìn từ những vụ việc lừa đảo trên facebook gần đây cho thấy, kẻ lừa đảo thường vào trò chuyện (chat) với những người thân, bạn bè của chủ tài khoản facebook bị mất (sau khi lấy thông tin, cách xưng hô thông qua nội dung ở những cuộc trò chuyện trước đó), rồi xin số tài khoản để gửi tiền hoặc nhờ chuyển tiền cho người khác, sau đó yêu cầu người đó cung cấp các thông tin liên quan về tài khoản thẻ, lừa lấy mã OTP (mật khẩu sử dụng 1 lần để thực hiện giao dịch chuyển khoản) rồi xâm nhập vào tài khoản và lấy cắp tiền. Những chiêu lừa này không mới nhưng có rất nhiều người bị lừa.

Ngân hàng khuyến nghị khách hàng tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu cho bất kỳ ai qua bất kỳ hình thức nào. Ảnh: HUY ANH

Ngoài ra, NamABank cũng liệt kê một số hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay như: giả mạo người thân, bạn bè, nhân viên ngân hàng hoặc nhân viên cơ quan công quyền nhà nước liên lạc đến khách hàng để yêu cầu cung cấp các thông tin đăng nhập Internet Banking và Mobile Banking thông qua một đường link giả mạo. Thông thường, kẻ lừa đảo yêu cầu gửi tiền trực tiếp hoặc đóng các khoản phí vào tài khoản đã cung cấp. Phổ biến hơn nữa là nhờ nạp tiền điện thoại, mượn tiền hoặc thông báo các hình thức nhận quà hoặc tiền từ nước ngoài; nhận quà hoặc tiền thưởng từ ngân hàng…  Để bảo vệ thông tin và tài sản cá nhân, NamABank khuyến nghị khách hàng tuyệt đối không cung cấp các thông tin bảo mật như: tên đăng nhập, mật khẩu đăng nhập, mật khẩu giao dịch cho bất kỳ ai qua bất kỳ hình thức nào. Ngoài ra, không nên tin tưởng hoàn toàn các trường hợp yêu cầu chuyển tiền hoặc nạp tiền điện thoại từ người thân và bạn bè qua mạng xã hội mà cần phải kiểm tra và xác nhận lại để tránh bị lừa đảo.

Cẩn trọng khi mua sắm online

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Giám đốc Các chi nhánh miền Bắc, Khối Dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho biết trong dịp lễ tết, nhiều trang web thương mại điện tử tung ra những chương trình khuyến mãi để thu hút được người tiêu dùng mua sắm online. Tội phạm mạng đã tận dụng cơ hội này để gửi thư điện tử giả danh nhằm “dẫn dụ” nạn nhân tải các phần mềm giả mạo hoặc trao cho chúng các thông tin cá nhân, từ đó họ có thể đánh cắp tiền, dữ liệu và thậm chí là các thông tin về nhân thân của chủ thẻ. Theo ông Thịnh, tội phạm mạng thường sử dụng một số thủ đoạn như gửi email và các tin nhắn SMS trong đó có chứa các đường link bất hợp pháp để lôi kéo khách hàng đến các trang web giả mạo bằng các thông tin khuyến mãi hấp dẫn; xâm nhập trái phép vào các kết nối không dây thiếu an toàn; giả nhân viên ngân hàng để gọi điện thoại lấy thông tin thẻ từ khách hàng để xác nhận thanh toán hoặc lấy mật khẩu OTP…

“Điều quan trọng hơn bao giờ hết là người tiêu dùng nên cẩn trọng khi mua sắm trực tuyến chỉ bằng vài thao tác bảo mật cần thiết”, ông Thịnh cho hay. Theo ông Thịnh, nguyên tắc cơ bản trước hết là đừng bao giờ chia sẻ thông tin cá nhân và các chi tiết về tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội hay email và tuyệt đối không tiết lộ mã pin. Ông Thịnh cũng chia sẻ thêm một số lưu ý mà người tiêu dùng có thể áp dụng để mua sắm trực tuyến một cách an toàn: đó là không chia sẻ quá nhiều về cá nhân trên mạng xã hội và các trang web tương tác vì các đối tượng lừa đảo có thể sử dụng những thông tin như ngày sinh nhật, địa chỉ và số điện thoại để xâm nhập vào tài khoản. Xem xét cẩn thận các thư điện tử, tin nhắn điện thoại và các trang web mua bán. Các công ty uy tín sẽ không bao giờ tự ý gửi thư điện tử yêu cầu khách hàng của họ xác nhận các chi tiết liên quan đến bảo mật và thông tin cá nhân. Ngoài ra, khi thực hiện các giao dịch online, cần phải đảm bảo rằng bạn chỉ sử dụng các kết nối không dây an toàn bằng cách kích hoạt tất cả các cài đặt riêng tư và có mật khẩu bảo vệ. “Đối với những người hay mua sắm online và giao dịch thanh toán qua mạng, bạn nên sử dụng mật khẩu để tự động khóa và bảo vệ điện thoại, máy tính, máy tính bảng. Cài đặt phần mềm chống virus và tải các cập nhật bảo mật mới nhất cho các thiết bị này. Một điều không kém quan trọng đó là các biên lai, chứng từ thanh toán cần hủy phải được xé bỏ vì các đối tượng lừa đảo sẽ lấy những thông tin trên đó để làm giả thẻ hoặc dễ dàng đột nhập vào tài khoản để lấy tiền”, ông Thịnh khuyến nghị.

NHUNG NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục