Thực phẩm sạch - Bao giờ?

Việc rộ lên chuyện sử dụng chất cấm trong chăn nuôi năm 2015 như là đỉnh điểm làm dấy lên sự quan tâm toàn xã hội về an toàn thực phẩm. Khi Bộ NN-PTNT, Bộ Công an và Bộ Y tế quyết liệt vào cuộc, chặt đứt nguồn cung cũng như tìm ra những nơi kinh doanh và sử dụng, tiêu hủy đàn nếu vi phạm… đã làm giảm hẳn. Như vậy, nếu quyết tâm có thể làm được mọi thứ.
Thực phẩm sạch - Bao giờ?

Việc rộ lên chuyện sử dụng chất cấm trong chăn nuôi năm 2015 như là đỉnh điểm làm dấy lên sự quan tâm toàn xã hội về an toàn thực phẩm. Khi Bộ NN-PTNT, Bộ Công an và Bộ Y tế quyết liệt vào cuộc, chặt đứt nguồn cung cũng như tìm ra những nơi kinh doanh và sử dụng, tiêu hủy đàn nếu vi phạm… đã làm giảm hẳn. Như vậy, nếu quyết tâm có thể làm được mọi thứ.

Truy xuất nguồn gốc thịt heo tại Co.opmart Quang Trung. Ảnh: CAO THĂNG

5-10 năm tới sẽ “phủ sóng” thực phẩm sạch?

Tại diễn đàn “Kết nối doanh nghiệp - người tiêu dùng: Thực phẩm sạch dành cho ai?” - do Báo điện tử Trí Thức Trẻ cùng Bộ NN-PTNT tổ chức cuối tuần qua ở TPHCM, khi được hỏi, bao giờ có sản phẩm sạch phổ biến cho người tiêu dùng, phần lớn các diễn giả lạc quan cho rằng, khoảng 5-10 năm tới. Nếu nhìn lại diễn biến thời gian qua sẽ thấy, chưa bao giờ, vấn đề an toàn thực phẩm nhận được quan tâm của cả hệ thống chính trị, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp và người dân như hiện nay.

Mấy năm trước, khi đại gia bất động sản Hoàng Anh Gia Lai rẽ hướng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như là hiện tượng cá biệt, nhưng khoảng 2 năm nay, xuất hiện một loạt các đại gia tên tuổi khác từ nhiều lĩnh vực cũng nhảy vào, nhất là sau khi Chính phủ khuyến cáo doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đó là Tập đoàn Vingroup, một trong những đơn vị tiên phong khi tung ra thương hiệu rau sạch VinEco và chi 300 tỷ đồng hỗ trợ, kết nối 1.000 HTX làm nông nghiệp sạch. Tập đoàn Hòa Phát và Hùng Vương đầu tư lĩnh vực thức ăn chế biến và đầu tư bài bản hệ thống con giống và chuống trại chăn nuôi heo. Trước đó, Tập đoàn TH đầu tư vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến sữa tươi, sau đó nhờ áp dụng công nghệ cao trồng rau và cây dược liệu hữu cơ. Tập đoàn Lộc Trời, từ đại gia về kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật đã bền bỉ nhiều năm hình thành và đưa đội ngũ kỹ sư vào trong dân, hình thành cánh đồng lớn cây lúa để có gạo chất lượng cao.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Trường Hải ô tô (công ty có doanh thu 71.000 tỷ/ năm), từ những lần trao đổi với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã bắt tay làm lúa sạch bằng công nghệ cao. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT đã thành lập CLB nông nghiệp công nghệ cao (DAA) và CLB bắt tay vào thực phẩm an toàn với tem truy xuất nguồn gốc. Nhiều cửa hàng điện máy FPT bày bán sữa Vinamilk. Các thành viên DAA đang triển khai xây dựng “thung lũng thực phẩm an toàn” tại Bình Phước, Đồng Nai với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD từ sự bắt tay giữa Công ty Hùng Nhơn và Tập đoàn thức ăn De Heus. Vua chứng khoán SSI cũng đã làm thực phẩm sạch vài năm. Đã xuất hiện những chủ trang trại cả ngàn ha như ông Võ Quan Huy (Long An), cho con học hành bài bản từ nước ngoài trở về để cùng ông đầu tư trồng chuối cấy mô xuất khẩu qua Nhật Bản. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những quyết sách lớn để tạo điều kiện cho thực phẩm sạch - nông nghiệp sạch phát triển: Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng, cơ chế ưu đãi khi áp dụng công nghệ cao tronng nông nghiệp, kiên quyết chống thực phẩm bẩn. Vì vậy việc lạc quan của nhiều giới là điều có thể hiểu được.

Không quên thực tiễn

Với tư cách là người tiêu dùng, MC Phan Anh mong rằng, điều suy nghĩ của mình, phải 20-30 chục năm nữa mới có thực phẩm sạch là không đúng! Dù có nhiều nhiều đại gia với tiềm lực lớn mạnh về vốn, công nghệ, quản trị vì bức xúc trước vấn nạn thực phẩm bẩn, vì sức khỏe của chính gia đình, cùng nhà nước xây dựng Việt Nam thành cường quốc công nghiệp nông nghiệp, “bếp ăn” thế giới nhờ có hơn 40% lao động nông thôn làm nông nghiệp. Nhưng không quên đây là những nông hộ nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, quen với lối canh tác lấy số lượng, năng suất làm mục tiêu. Đã có những mô hình sản xuất an toàn nhưng chật vật để tồn tại.

Anh Nguyễn Minh Hậu, con trai ông Sáu Ri, có giống sầu riêng đặc sản Ri 6 “cơm vàng hạt lép” cho biết, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, anh phải áp dụng quy trình ngặt nghèo: Sau khi ra hoa 95-100 ngày mới thu hoạch, không phun thuốc trước một tháng. Với quy trình này, giá sầu riêng khá cao so với loại thường mới duy trì sản xuất. Nhưng thương lái trả 20.000 đồng/kg, siêu thị không mặn mà vì giá cao. Chợ phiên nông sản an toàn do Sở NN-PTNT TPHCM tổ chức, đưa thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng, kết nối các HTX sản xuất với các trường học, bếp ăn tại các khu công nghiệp nhưng kết quả rất hạn chế. Lý do, muốn vào được các bếp ăn này hầu như vướng một luật bất thành văn, có thêm phần trăm ngoài hợp đồng. Ngay cả với hệ thống phân phối hiện đại, các nhà cung cấp thực phẩm sạch không dễ vào nếu không có phần trăm này. Nếu chấp nhận phải tìm cách giảm giá thành, lúc đó chỉ còn cách sản xuất gian dối. 

Nhưng bi kịch nhất có thể là Trang trại hữu cơ Viễn Phú ở Cà Mau của ông Võ Minh Khai, Tổng giám đốc Công ty CP Viễn Phú, bỏ ra gần 20 năm để tìm hiểu và đi theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Khách hàng các nước, đặt hàng với thương hiệu HoaSuaFoods chứng nhận hữu cơ toàn cầu từ 2012 cho sản phẩm nông nghiệp và thủy sản hữu cơ. Nhưng tháng 6-2016 phải rao bán trang trại 320 ha này, sau 15 năm đầu tư vì gặp nhiều khó khăn về vốn, thiếu sự hỗ trợ từ chính quyền, nhà nước, ngân hàng...

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN, người sản xuất gặp nhiều thách thức cả đầu vào lẫn đầu ra, từ việc tìm phân bón được phép sử dụng, thực hành sản xuất sạch, liên kết theo chuỗi… đầu tư tốn kém nhưng không tìm được đầu ra ổn định, cạn vốn nhưng không thể tiếp cận tín dụng từ ngân hàng. Tính khả thi của chính sách kém, khó tiếp cận, không hỗ trợ kịp thời cho người sản xuất.

Ông Vũ Thế Thành, chuyên gia quản trị chất lượng của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng trên thế giới không có thực phẩm sạch mà chỉ có thực phẩm lành mạnh vì sản phẩm ra thị trường phải tuân thủ quy định của nhà nước về an toàn thực phẩm.

Như vậy ở đây là vai trò của nhà nước trong việc ngăn chặn thực phẩm bẩn từ kinh nghiệm xử lý quyết liệt của cả hệ thống chính trị khi triệt thịt heo sử dụng chất tạo nạc vừa qua. Cũng như chính sách ban hành người sản xuất phải tiếp cận được. Không để xảy ra tình trạng, người tiêu dùng có nhu cầu cao về thực phẩm sạch nhưng không biết mua ở đâu, trong khi người làm ra sản phẩm sạch lại không biết bán ở đâu.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục