Tập hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo sức mạnh lớn

Cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) là chương trình quan trọng được Chính phủ đề ra trong năm 2016 tại Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28-4 và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ ngày 16-5.
Tập hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo sức mạnh lớn

Cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) là chương trình quan trọng được Chính phủ đề ra trong năm 2016 tại Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28-4 và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ ngày 16-5.

Phạm vi của hai chương trình trên khá rộng nên cần lựa chọn những giải pháp trọng tâm, phù hợp với bối cảnh và có địa chỉ thực hiện cụ thể là điều kiện quan trọng để phát huy hiệu ứng trong thực tiễn. Bài viết nhằm đưa ra một số gợi ý về cơ chế cải thiện môi trường kinh doanh và biện pháp trợ giúp DN (trong đó có DN khởi nghiệp) trong bối cảnh hiện nay.

Cơ chế cải thiện môi trường kinh doanh

Môi trường kinh doanh của DN gồm môi trường vĩ mô và môi trường vi mô. Môi trường vĩ mô bao gồm các yếu tố kinh tế vĩ mô như tăng trưởng, thất nghiệp, lạm phát, tỷ giá, lãi suất… Trong khi đó, môi trường vi mô gồm có khách hàng, chuỗi cung ứng, sự cạnh tranh, sản phẩm thay thế, đối thủ tiềm ẩn.

Sản xuất linh kiện nhựa tại một doanh nghiệp TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG


Theo đó, Nhà nước có thể tạo ra các cơ chế điều tiết các yếu tố vĩ mô và vi mô nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho DN. Cơ chế điều tiết thông qua các công cụ của chính sách tiền tệ (trọng tâm là công cụ lãi suất), chính sách tài khóa (trọng tâm là đầu tư của Chính phủ và thuế), chính sách ngoại thương (trọng tâm là tỷ giá và ký kết các hiệp định thương mại song phương, đa phương với các nước). Bao trùm lên các yếu tố đó là thể chế quản lý kinh tế với các quy định, luật lệ; cách thức thực thi các quy định; đạo đức công chức trong việc thực thi; tiếp nhận phản hồi, điều chỉnh các quy định điều tiết các hoạt động trong nền kinh tế. Các cơ chế cải thiện môi trường kinh doanh được phát triển theo hướng tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa DN các thành phần kinh tế, xác lập quyền sở hữu tài sản để DN chủ động trong thế chấp, cầm cố tạo vốn kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn, mặt bằng, đất đai, công nghệ, phát triển thị trường…

Trên cơ sở lập luận trên, đối chiếu với thực trạng môi trường kinh doanh tại Việt Nam, các cơ chế cải thiện môi trường kinh doanh cần trọng tâm vào nhiều vấn đề. Trước hết là chính sách lãi suất. Ngân hàng nhà nước cần có các chương trình nhằm vào mục tiêu hạ dần lãi suất cho vay đầu tư sản xuất kinh doanh về mức ngang bằng với lãi suất cho vay của các đồng tiền khác ở các nước. Bởi hiện nay lãi suất cho vay đồng Việt Nam đang ở mức cao hơn các đồng ngoại tệ khác. Việc cắt giảm lãi suất cho vay không nhất thiết áp dụng trên diện rộng mà nên theo từng lĩnh vực: Hạ lãi suất trong lĩnh vực sản xuất nhằm kích thích sản xuất (nhưng tăng lãi suất trong lĩnh vực thương mại đối với các hoạt động đầu tư nhằm phân phối hàng hóa nhập khẩu) để khuyến khích sản xuất trong nước, hạn chế phân phối hàng nhập khẩu. Làm như vậy sẽ tạo thuận lợi cho DN trong nước cạnh tranh với hàng nhập.

Về sự đầu tư phát triển của Chính phủ, hiện nay Chính phủ đang đầu tư vào các công trình hạ tầng giao thông, bến cảng, sân bay và nhiều công trình công cộng khác. Các công trình này nên có chính sách thu hút DN nhỏ và vừa tham gia cung ứng phụ trợ, thi công để tạo ra nhu cầu cho thị trường nội địa. Thực tế hiện nay phần lớn các đối tượng thi công và cung ứng vật liệu là DN nước ngoài nên việc đầu tư của Chính phủ chưa được sử dụng như một công cụ khuyến khích hoạt động kinh doanh của DN trong nước.
Liên quan đến chính sách thuế, cần thực hiện theo phương châm “mức thu thuế thấp nhưng không để thất thu” bằng những biện pháp “nâng cấp cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh cá thể lên thành DN”. Đồng thời, có cơ chế quản lý cán bộ thuế để tránh tình trạng cấu kết với DN nhằm gây thất thu ngân sách của Nhà nước. Cần thực hiện chính sách này bởi hiện nay ngân sách đang thâm hụt, nợ công ở mức cao; chính sách giảm thuế để thu hút đầu tư là cần thiết nhưng cũng cần đảm bảo thu hiệu quả, thu đủ để tạo sự bình đẳng trong nộp thuế, đây cũng chính là tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các thành phần kinh tế.

Tỷ giá cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến xuất - nhập khẩu của một quốc gia. Để khuyến khích xuất khẩu, tất nhiên cần đánh giá thấp đồng tiền Việt Nam, nhưng sẽ bất lợi cho nhập khẩu. Ở nước ta hiện nay, việc xuất khẩu chủ yếu do các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện, còn DN nội địa phần lớn chưa có định hướng xuất khẩu (trừ dệt may và nông sản) nên chịu sự cạnh tranh lớn với hàng hóa nhập từ nước ngoài. Hơn nữa, việc sản xuất của các DN trong nước phần lớn nhập khẩu máy móc thiết bị từ bên ngoài nhờ chính sách giảm thuế nhập khẩu thiết bị, điều này vô tình làm hại các DN cơ khí trong nước. Do vậy, thời gian từ nay đến năm 2020, chính sách tỷ giá nên duy trì theo hướng đánh giá cao đồng Việt Nam để tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển (nhất là DN cơ khí, sự cạnh tranh trên thị trường nội địa giữa hàng nội và hàng ngoại); sau đó từng bước có biện pháp đánh giá thấp đồng tiền trở lại để tạo điều kiện cho hàng Việt Nam xuất khẩu khi DN trong nước đã có sự chuẩn bị tốt.

Cuối cùng, điều quan trọng trong bối cảnh hiện nay chính là cải cách thể chế kinh tế. Đây là một trong 3 khâu đột phá quan trọng mà Đảng ta đã xác định trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2010-2020. Hiện nay các văn bản pháp luật điều tiết các hoạt động trong nền kinh tế khá đầy đủ, tuy nhiên khâu yếu nhất nằm ở khâu kiện toàn bộ máy với cơ chế thực thi chưa được phối hợp nhịp nhàng và đạo đức công chức đang là vấn đề cản trở lớn. Do vậy, trọng tâm của cải cách thể chế nên nhằm vào khâu tổ chức thực hiện theo 3 phương châm: kiện toàn bộ máy và cơ chế phối hợp thực thi các thủ tục hành chính theo hướng quy về một đầu mối, chẳng hạn như cấp “giấy phép mẹ”, “giấy phép con” tại một đầu mối; nâng cao sự nhiệt tình, thân thiện cho công chức thực thi các quy định của Nhà nước theo hướng công chức phục vụ; tích cực áp dụng thành quả của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư vào công tác quản lý nhà nước và thủ tục hành chính để giảm thời gian cho DN liên quan đến các vấn đề về thủ tục hành chính; tăng cường đối thoại với DN. 

Trợ giúp DN như thế nào?

Các chính sách hỗ trợ DN phát triển không chỉ là việc riêng của các cơ quan quản lý nhà nước mà cần có sự vào cuộc của toàn xã hội. Theo kinh nghiệm của các nước, các chính sách ưu đãi thường ít phát huy hiệu quả bằng chính sách trợ giúp DN. Các chính sách trợ giúp DN thường đề cập đến các khía cạnh về tiếp cận thị trường, vốn, công nghệ, đào tạo nhân lực, mặt bằng. Các chính sách trợ giúp được thực hiện thông qua cơ chế thúc đẩy mối liên kết giữa các chủ thể DN đầu cuối - DN phụ trợ, DN - trường/viện, DN - ngân hàng và các tổ chức cung cấp vốn.

Trong các mối liên kết đó, các hội DN ngành nghề thường giữ vai trò cầu nối; Nhà nước giữ vai trò tạo cơ chế khuyến khích liên kết. Trong bối cảnh Việt Nam, cơ chế trợ giúp DN thông qua tạo sự kết nối này nên tập trung vào các khía cạnh:

- Đầu tiên là kết nối DN sản xuất phụ trợ với DN đầu cuối, thông qua việc nâng cao năng lực của các hội DN theo hướng giữ vai trò tập hợp các DN nhỏ và vừa để nói lên tiếng nói của họ, năng lực của họ, những gì họ có thể làm nhằm tạo lợi thế theo quy mô lớn để tiếp cận chuỗi sản xuất của các DN lớn; đồng thời sớm hình thành các cơ sở dữ liệu trung tâm kết nối cung cầu sản phẩm phụ trợ. Bởi hiện nay, các DN đầu cuối FDI còn e ngại khi đặt hàng vì tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng, tiến độ, số lượng nên đơn hàng sản xuất nhỏ, chủ yếu là làm thử, không tạo sự hấp dẫn cho từng DN nhỏ và vừa; còn DN nhỏ và vừa cung ứng phụ trợ thì không nắm được thông tin và các tiêu chuẩn sản phẩm từ các DN lớn.

- Việc liên kết giữa trường/viện với DN trong phát triển công nghệ và đào tạo nhân lực theo hướng các hội ngành nghề giữ vai trò tổng hợp các vấn đề cần nghiên cứu công nghệ, các yêu cầu về nhân lực từ DN để đặt hàng trường/viện/nhà khoa học. Trên cơ sở đó, trường/viện/nhà khoa học sẽ thực hiện các đề tài nghiên cứu; thiết kế chương trình, phát triển đội ngũ để đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu của DN. Bởi vì hiện nay, việc phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực đang là nỗ lực đơn phương của các trường/viện/nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước về khoa học; trong khi đó, DN là đối tượng sử dụng kết quả nghiên cứu, sản phẩm đào tạo, song lại chưa tham gia vào tiến trình này.

- Liên kết giữa tổ chức tín dụng với DN thông qua các chương trình kết nối DN với ngân hàng bằng các chương trình cho vay tín chấp theo hướng các hiệp hội đảm nhận vai trò bảo lãnh uy tín trả nợ cho DN. Vì hiện nay các tổ chức tín dụng ngại cho DN vay vì thiếu tài sản đảm bảo, hạn chế trong chứng minh tính khả thi của dự án và khả năng trả nợ. Khi DN nhỏ và vừa được kết nạp vào hội, được hội phân chia cho thị phần và cơ hội kinh doanh nên đảm bảo các đơn hàng sản xuất của DN sẽ ổn định hơn. Nếu hội làm được như vậy thì tính khả thi của các chương trình kết nối ngân hàng vào DN sẽ được đảm bảo.

 Lâu nay, chúng ta bàn nhiều đến việc trợ giúp DN nhưng địa chỉ triển khai các chính sách trợ giúp đó thường là các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, nên khó phát huy được hiệu ứng trong thực tiễn. Bởi vì quản lý nhà nước có vai trò nhất định trong việc tạo ra cơ chế và quản lý thực thi cơ chế, chứ không phải là chủ thể vận dụng cơ chế. Chủ thể vận dụng cơ chế là DN, mà DN thì rời rạc nên cần có các hội đứng ra tập hợp họ thành sức mạnh để đảm bảo các cơ chế trợ giúp của Nhà nước phát huy hiệu quả. Theo đó, các cơ chế trợ giúp DN của Nhà nước cũng nên hướng vào các chương trình liên kết giữa DN đầu cuối - DN phụ trợ, DN - trường/viện, DN - ngân hàng và các tổ chức cung cấp vốn.

TS HUỲNH THANH ĐIỀN
(Thành viên Nhóm Tư vấn đề án Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM)

Tin cùng chuyên mục