Chuyện làm ăn từ cột mốc 2017

Trong bối cảnh các chuyên gia kinh tế dự báo, năm 2017 thị trường thế giới, nhất là tại khu vực được xem là thị trường truyền thống của Việt Nam sẽ giảm mạnh nhu cầu tiêu thụ, nhiều doanh nghiệp Việt đã và đang nỗ lực đổi mới, chủ động đưa sản phẩm của mình thâm nhập sâu vào thị trường, thậm chí đẩy mạnh đầu tư, thâu tóm doanh nghiệp ngoại ngay trên sân khách.
Chuyện làm ăn từ cột mốc 2017

Trong bối cảnh các chuyên gia kinh tế dự báo, năm 2017 thị trường thế giới, nhất là tại khu vực được xem là thị trường truyền thống của Việt Nam sẽ giảm mạnh nhu cầu tiêu thụ, nhiều doanh nghiệp Việt đã và đang nỗ lực đổi mới, chủ động đưa sản phẩm của mình thâm nhập sâu vào thị trường, thậm chí đẩy mạnh đầu tư, thâu tóm doanh nghiệp ngoại ngay trên sân khách.

Ông Nguyễn Đình Đông, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam (Casumina)

Cải tiến chất lượng để tăng thị phần xuất khẩu

Hiệp định đối tác xuyên thái bình dương (TPP) là động lực đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, khi TPP có khả năng không được thông qua thì chính sách đưa hàng Việt vào thị trường Mỹ vẫn được các doanh nghiệp (DN) thực hiện. Chỉ có điều, phương án đưa hàng vào Mỹ sẽ có những giải pháp đòi hỏi DN chủ động hơn, tận dụng những lợi thế đang có tốt hơn. Năm 2017, với Casumina, thị trường xuất khẩu chính sản phẩm lốp ô tô của công ty chủ yếu là Mỹ, kế đến là Trung Đông và ASEAN.

Nếu TPP được thông qua, sản phẩm của công ty xuất khẩu chắc chắn sẽ được hưởng lợi thế với mức thuế suất 0% nhưng với những diễn biến như hiện nay thì khả năng này là khó có thể. Hiện thuế xuất khẩu đối với sản phẩm xuất khẩu công ty vào thị trường này đang là 4%. Trước thực tế đó, một mặt công ty đã chủ động đẩy mạnh đầu tư cải tiến hệ thống dây chuyền trang thiết bị nhằm giảm chi phí sản xuất, mặt khác cải tiến về mặt chất lượng sản phẩm ở phân khúc thị trường trung bình nhằm vào đa số người dân Mỹ. Nhờ những giải pháp chủ động, linh hoạt, hiện nay, công ty đã chốt xong hợp đồng xuất khẩu với đối tác của Mỹ về việc sẽ cung ứng 2 triệu lốp xe ô tô bán thép.

Riêng với sản phẩm lốp xe toàn thép thì công ty đã ký xong hợp đồng nguyên tắc trị giá 1 triệu USD. Riêng với thị trường trong nước, hiện sản phẩm của công ty đang chiếm lĩnh 40% thị trường. Tuy nhiên, năm 2017 được dự kiến tình hình cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn khi Việt Nam đã chính thức là thành viên cộng đồng kinh tế ASEAN. Việc dỡ bỏ rào cản thuế quan trong bối cảnh rào cản kỹ thuật chưa chặt chẽ đối với mặt hàng ngoại nhập nói chung và lốp xe nói riêng sẽ khiến cho thị trường cạnh tranh trở nên quyết liệt hơn. Hiện sản phẩm của công ty chiếm lĩnh 40% thị phần nội địa nhưng để giữ được thị phần này, công ty sẽ gia tăng chính sách hậu mãi tốt hơn, phù hợp hơn với người  tiêu dùng nội địa.

Công nhân đóng gói sản phẩm xuất khẩu. Ảnh: THI HỒNG

Ông Quách Hưng Tòng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Minh

Đưa đặc sản Việt chinh phục quốc tế

Tính đến thời điểm này, trên 1.000 mặt hàng đặc sản (mứt tết, dưa chua, mắm…) của Công ty TNHH Hải Minh đã chinh phục hàng loạt thị trường khó tính trên thế giới như: Mỹ, châu Âu, New Zealand… Ông Quách Hưng Tòng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Minh, chia sẻ, 26 năm qua, ông không ngừng trăn trở, mày mò học hỏi để khẳng định thương hiệu đặc sản Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế. Các món ăn dân dã, thuần Việt đã và đang tiếp tục được giới thiệu đi nhiều nước.

Bình quân mỗi tháng Công ty TNHH Hải Minh xuất khẩu khoảng 10 container hàng hóa, tương đương 200 tấn, gồm các thương hiệu, như: “Cô gái Việt Nam”, “Quê hương”, “Em bé chăn trâu”, “Đồng quê”, “Cô gái bông hồng”… phục vụ khách hàng. Nhiều sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc; thậm chí mặt hàng nước mắm truyền thống do công ty sản xuất đã đánh bật được hàng của một vài nước Đông Nam Á cùng loại, khẳng định vị trí độc tôn của nước mắm Việt trên quầy kệ siêu thị ngoại. Ngoài ra, sản phẩm mãng cầu đóng lon cũng được khách nước ngoài rất ưa chuộng, luôn trong tình trạng “cháy” hàng (đáp ứng khoảng 20% đơn đặt hàng) vì thiếu nguồn nguyên liệu. Hàng loạt sản phẩm trên được bà con kiều bào và người tiêu dùng quốc tế đón nhận.

Nói về việc để có được con số tăng trưởng ấn tượng, lượng khách hàng ổn định, doanh nhân Việt kiều Mỹ Quách Hưng Tòng trải lòng rằng ông đã phải trăn trở ưu tư, suy tính rất nhiều cho “canh bạc” sản xuất, xuất khẩu hàng nông sản truyền thống, cung ứng cho hệ thống bán sỉ Costco (Mỹ).

Trong thời gian tới, Công ty TNHH Hải Minh sẽ không ngừng sáng tạo, đổi mới, cung cấp cho thị trường các món ăn đặc sản thuần Việt, ngon miệng, chất lượng, đáp ứng thị hiếu khách hàng. Thêm nữa, ông Tòng cũng có ý định xây khu nghỉ dưỡng, biệt thự dọc sông Sài Gòn để giúp kiều bào về nước có điểm dừng chân nghỉ ngơi, thư giãn. Nhận định về thị trường năm 2017, ông Tòng khẳng định, người tiêu dùng tiếp tục tìm đến các mặt hàng tươi ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, nếu doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp của bà con kiều bào có đủ lực hãy đầu tư cho thị trường tiềm năng này.

Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty  cổ phần Sữa Việt Nam

Năm 2017 là năm đẩy mạnh đầu tư

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã kết thúc một năm 2016 thành công với sự kiện nổi bật: sở hữu 100% cổ phần nhà máy Driftwood tại Mỹ. Vinamilk cũng nắm giữ 22,8% cổ phần tại Nhà máy Miraka (New Zealand), 51% cổ phần nhà máy tại Campuchia, mở công ty con tại Ba Lan. Năm 2017 sẽ là năm  đẩy mạnh sản phẩm vào thị trường Thái Lan và khu vực Đông Nam Á. Dự án Nhà máy sữa Angkor Milk, nhà máy sữa đầu tiên tại Campuchia có tổng vốn đầu tư 23 triệu USD, có công suất 38 triệu lít sữa nước, 192 triệu hũ sữa chua mỗi năm sẽ  tập trung phục vụ nhu cầu người dân Campuchia và khu vực vào năm 2024.

Vinamilk cũng đang nghiên cứu thị trường khu vực châu Phi, lên kế hoạch đầu tư và mở rộng hệ thống phân phối trong thời gian tới. Hiện sản phẩm của công ty đã có mặt trên 40 quốc gia với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dự kiến đạt 10% - 15%/năm. Riêng tại thị trường nội địa, sản phẩm của công ty đã chiếm khoảng 40% thị phần sữa bột và khoảng 85% thị phần sữa chua.

Ông Bùi Cao Nhật Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland

Bắt tay ngân hàng xử lý nợ xấu

Năm 2017 là tròn 10 năm Novaland chính thức bước vào lĩnh vực bất động sản (BĐS). 10 năm trong nghề, trải qua nhiều thử thách cam go, cho đến nay chúng tôi đã có nền tảng cơ bản cho hoạt động kinh doanh phát triển BĐS: là người thật việc thật, có kinh nghiệm, có bộ máy quản lý phát triển dự án, đặc biệt có chiến lược rõ ràng. Nhờ đó Novaland nhận được sự tin tưởng của khách hàng, của đối tác. Năm 2017 Novaland tự tin bước sang chu kỳ mới, đáng chú ý là tham gia tái cơ cấu nợ xấu của một số ngân hàng. Chúng tôi bắt tay với ngân hàng làm quy mô lớn hơn, mang tính chất toàn diện chứ không phải chỉ mua lại một hoặc hai dự án. Khi thực hiện vấn đề này, nợ được xử lý, lúc đó “cục máu đông” nợ xấu chuyển thành máu nóng, luân chuyển, đem đến sự thanh khoản cho thị trường.

Trong năm tới, khu Đông của TPHCM vẫn là tâm điểm. Chúng tôi sẽ đa dạng hóa sản phẩm, bên cạnh phân khúc cao cấp sẽ phát triển phân khúc trung bình khá nhiều hơn, chúng tôi đặt kỳ vọng cung cấp và tiêu thụ được 8.000 sản phẩm, bằng con số của năm 2016.

Một yếu tố cực kỳ quan trọng sẽ tác động đến thị trường BĐS, đó là việc sửa đổi Thông tư 36 có hiệu lực từ đầu năm 2017, về hạn chế tín dụng cho vay BĐS. Quyết định này sẽ có ảnh hưởng đến thị trường, nhưng suy cho cùng lại rất hay; bởi vì cơ quan quản lý nhà nước có thông báo trước dài hơi để doanh nghiệp chuẩn bị, đi vào định hướng phát triển ổn định lâu dài, tránh tình trạng sốt quá nóng hay quá lạnh, đó cũng là điều doanh nghiệp mong muốn.

Khách hàng tìm hiểu các dự án nhà ở

Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Hưng Thịnh

Hứng khởi từ chính sách nhà nước

Phải khẳng định những hành động của Chính phủ, chính sách đổi mới của Nhà nước đã mang lại sự hứng khởi cho cộng đồng doanh nghiệp, chắc chắn nền kinh tế sẽ khởi sắc mạnh mẽ trong những năm tới. Đối với thị trường BĐS, cho đến những ngày cuối năm 2016, khách hàng vẫn tiếp tục đón nhận sản phẩm mới, đặc biệt phân khúc căn hộ trung bình khá, giao dịch thành công tốt. Hòa cùng nhịp đập này, năm tới chúng tôi mở rộng quy mô hoạt động, bung ra 8 - 10 dự án cung cấp cho thị trường hơn 5.000 sản phẩm, phân khúc chủ đạo vẫn là trung bình và khá, bên cạnh căn hộ sẽ có thêm nhiều dự án đất nền - nhà thấp tầng với 3 dự án. Năm 2017 đối với Hưng Thịnh cũng là cột mốc quan trọng vì có 4 dự án tương đương 3.000 căn hộ tiến hành bàn giao nhà cho khách hàng, là sự xác tín đối với khách hàng: giao nhà theo tiến độ, chất lượng căn hộ đúng cam kết!

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM

Tiếp tục chu kỳ tăng trưởng

Dự báo thị trường BĐS vào năm 2017 vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng, phải đến năm 2020 sẽ có sự điều chỉnh lớn để giải quyết sự lệch pha cung - cầu, hiện đang có xu thế lệch về phía phân khúc cao cấp, bao gồm cả du lịch nghỉ dưỡng. Thị trường sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, bởi vì nhiều doanh nghiệp lớn đã lên kế hoạch chuyển theo hướng này. Đối với doanh nghiệp, xu thế hợp tác sẽ là tất yếu; hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án sẽ phát triển mạnh hơn trước đây.

Về quản lý nhà nước, sẽ có nhiều quy phạm pháp luật được ban hành và sử dụng các công cụ về thuế, tín dụng, quy hoạch, hành chính nhằm ràng buộc nghĩa vụ của chủ đầu tư để bảo vệ người tiêu dùng, nhằm mục tiêu phát triển minh bạch, lành mạnh và bền vững. Đáng chú ý, thủ tục hành chính sẽ thông thoáng, đơn giản hơn, giảm thiểu dần tình trạng nhũng nhiễu hiện nay.

Từ năm 2017 trở đi, thị trường BĐS sẽ bị tác động mạnh về sự phát triển hạ tầng của TP. Đó là hạ tầng đô thị mới kết nối ngày càng đồng bộ hơn, đường giao thông, metro, xe buýt nhanh hình thành sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp “ăn theo” để đầu tư, phát triển cả trong trung hạn và dài hạn. Đặc biệt, Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X, như chương trình chỉnh trang đô thị cũ; Chương trình phát triển các khu đô thị mới định hướng phát triển các khu đô thị vệ tinh; Chương trình phát triển nhà ở xã hội, sự chuyển hướng đầu tư vào phân khúc nhà ở thương mại vừa túi tiền, giải quyết nhà ở cho sinh viên, công nhân, lao động, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang, người thu nhập thấp đô thị… sẽ là động lực thúc đẩy thị trường BĐS phát triển theo hướng lành mạnh và bền vững.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục