Phân bón giả lũng đoạn thị trường

Ngày 28-9, tại Hà Nội, Hiệp hội Phân bón Việt Nam phối hợp cùng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức hội thảo quốc gia về “lập lại thị trường phân bón Việt Nam”.

Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 1.000 cơ sở sản xuất phân bón với hơn 7.000 chủng loại lưu hành trên thị trường. Điều không thể chấp nhận được là đa số các đơn vị sản xuất phân bón bằng “công nghệ cuốc xẻng”, xe trộn bê tông và không có phòng thí nghiệm. Chỉ cần một số thiết bị đơn giản như máy trộn, thùng khuấy dạng lỏng hoặc chảo quay, ống sấy và sàng phân loại là tạo thành phân bón để bán cho bà con nông dân sử dụng. Theo số liệu công bố tại hội thảo, có 30% - 50% phân bón trên thị trường là giả, kém chất lượng. Mặc dù đang mua nhầm và vô tình sử dụng phân bón giả, kém chất lượng nhưng nhiều nông dân lại không thể nhận biết. Hậu quả dễ thấy nhất là phân bón không có tác dụng khiến suy giảm năng suất cây trồng, thậm chí mùa màng thất bát.

Các đại biểu tham dự hội thảo đều bày tỏ bức xúc về sự bát nháo của thị trường phân bón giả và kém chất lượng hiện nay nhưng lại đang có sự đùn đẩy trách nhiệm trong công tác quản lý phân bón. Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón (có hiệu lực thi hành từ tháng 2-2014) còn rất mập mờ nên khó quản lý. Mặc dù Bộ Công thương có trách nhiệm quản lý phân bón vô cơ, Bộ NN-PTNT quản lý phân bón hữu cơ nhưng các loại “phân bón khác” như trong nghị định nêu thì lại do cả hai bộ cùng quản lý nên rất khó phân định trách nhiệm. Đề cập tới bất cập này, ông Hoàng Văn Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), nói rằng, hiện Bộ NN-PTNT chỉ được kiểm tra các cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ nhưng hầu hết các doanh nghiệp vừa sản xuất phân vô cơ, vừa sản xuất phân hữu cơ thì Bộ NN-PTNT không thể kiểm soát được. “Muốn thanh kiểm tra phải lập đoàn liên ngành gồm: Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Quản lý thị trường mà để lập được thì mất rất nhiều thời gian” - ông Hoàng Văn Cường giãi bày.

Để tránh nỗi chồng chéo như hiện nay, lãnh đạo Hiệp hội Phân bón Việt Nam đề nghị việc quản lý phân bón chỉ giao về cho một bộ quản lý. Hội Nông dân Việt Nam đề nghị Chính phủ giao Bộ NN-PTNT soạn thảo, chuẩn hóa khoảng 100 loại phân bón phục vụ cho các loại cây trồng chính và quy chuẩn hướng dẫn sử dụng hợp lý những loại phân bón này. Các doanh nghiệp chỉ được phép sản xuất, kinh doanh các loại phân bón trong danh mục để khuyến khích doanh nghiệp phân bón cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng, mẫu mã bao bì, cải tiến công nghệ; đồng thời để nông dân dễ nhận biết.

Bộ Công thương cho biết đã có Quyết định số 8989/QĐ-BCT phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành hóa chất Việt Nam phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Trong đó, xác định tái cơ cấu ngành phân bón, đầu tư nghiên cứu nâng cao hiệu quả sử dụng các loại phân bón hiện có làm tăng giá trị sử dụng, giá trị tăng cao đối với các phân đơn, phân hỗn hợp đa lượng, trung lượng, vi lượng, các loại phân bón chứa các chất điều hòa sinh trưởng, chất làm tăng khả năng miễn dịch cho cây trồng, phù hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm phân bón hữu cơ, sinh học, vi sinh đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các loại cây có giá trị kinh tế cao, xuất khẩu n

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục