Tín dụng “chảy” vào bất động sản

Báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) tính đến quý 2-2016 đạt gần 416.000 tỷ đồng, tăng 5,76% so với đầu năm 2016. Riêng TPHCM, tín dụng 6 tháng đầu năm tăng 6,82% so với cuối năm 2015, đạt 1,32 triệu tỷ đồng; trong đó tín dụng BĐS chiếm gần 13% trong tổng dư nợ. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhận định, cho vay BĐS, chứng khoán và tiêu dùng ở TPHCM tăng khá mạnh trong 6 tháng đầu năm 2016 và tăng cao hơn cả mức tăng chung cả nước, điều này có thể tiềm ẩn rủi ro.
Tín dụng “chảy” vào bất động sản

Báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) tính đến quý 2-2016 đạt gần 416.000 tỷ đồng, tăng 5,76% so với đầu năm 2016. Riêng TPHCM, tín dụng 6 tháng đầu năm tăng 6,82% so với cuối năm 2015, đạt 1,32 triệu tỷ đồng; trong đó tín dụng BĐS chiếm gần 13% trong tổng dư nợ. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhận định, cho vay BĐS, chứng khoán và tiêu dùng ở TPHCM tăng khá mạnh trong 6 tháng đầu năm 2016 và tăng cao hơn cả mức tăng chung cả nước, điều này có thể tiềm ẩn rủi ro.

Người dân đang xem giới thiệu một dự án bất động sản. Ảnh: THANH TÂM

“Rót” vốn cho cá nhân mua nhà

Trong bối cảnh nợ xấu có thể tăng bất cứ lúc nào nên NHNN vẫn chủ trương kiểm soát cho vay BĐS nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh. Tuy nhiên, sau khi NHNN ban hành Thông tư 06/2016 sửa đổi Thông tư 36/2014 quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng theo hướng không “siết” tín dụng BĐS ngay mà thực hiện theo lộ trình, đã tạo cơ hội cho các ngân hàng rộng cửa cho vay trong lĩnh vực này.

Với mục tiêu đẩy mạnh bán lẻ với phân khúc khách hàng trọng tâm được nhắm đến là cá nhân, đa số các ngân hàng đều đẩy mạnh tín dụng cho vay mua nhà. Đã có hàng loạt gói cho vay mua nhà ưu đãi, ngay cả khi lãi suất huy động ngày càng nhích lên được nhiều ngân hàng đưa ra. Ngân hàng Á Châu (ACB) có chương trình cho vay đặc biệt “Cơ ngơi bền vững” dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu mua, xây dựng, sửa chữa nhà với lãi suất từ 8%/năm. Vietinbank cũng đưa ra chương trình “Lãi gắn kết - thỏa sức vay” và “Lãi suất nhỏ - ước mơ lớn” với mức lãi suất từ 7,5%/năm. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng liên kết với các dự án BĐS cung cấp các sản phẩm trọn gói, giúp khách hàng cá nhân yên tâm có nguồn tài chính hỗ trợ để mua nhà. Chẳng hạn, OCB thông qua việc tài trợ bảo lãnh dự án Flora Fuji của Tập đoàn Nam Long để khách hàng mua dự án này vay ưu đãi lãi suất 0% trong năm đầu tiên hoặc 6% cố định trong 24 tháng đầu hay 6,5% cố định trong 36 tháng và lãi suất sau thời gian ưu đãi sẽ áp dụng bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng biên độ 3,5%/năm. Tương tự, khách hàng có nhu cầu vay mua căn hộ liền kề thuộc dự án Mon City cũng sẽ được HDBank cho vay lãi suất 0% trong 6 tháng đầu tiên. Sau 6 tháng này, khách hàng được hưởng mức lãi suất ưu đãi 8%/năm trong 6 tháng tiếp theo. Từ tháng thứ 13 trở đi, HDBank cam kết lãi suất cố định với biên độ bằng lãi suất tiết kiệm 13 tháng cộng biên độ 3,6%/năm…

Lý giải việc đẩy mạnh cho vay mua nhà, nhiều ngân hàng cho hay, thị trường BĐS tiếp tục phục hồi, đặc biệt là nhu cầu nhà ở của người dân rất lớn nên các ngân hàng đẩy mạnh việc “rót” vốn cho phân khúc khách hàng cá nhân có nhu cầu về nhà ở thực sự. Cùng với đó, nhiều ngân hàng đưa ra chiến lược phát triển tín dụng trong năm 2016 hướng đến cá nhân có nhu cầu vốn mua nhà để ở vì mảng tín dụng này có biên lợi nhuận cao. Ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu, cho biết trong năm qua, tăng trưởng tín dụng cho vay mua nhà của ACB chiếm khoảng 50% trong tổng dư nợ tín dụng khách hàng cá nhân. Hiện ACB tiếp tục đẩy mạnh phân khúc tín dụng này, đưa ra mục tiêu tăng trưởng bán lẻ đạt khoảng 35% trong năm nay, do đó ACB đã liên kết với nhiều dự án để tiến hành cho vay vốn.

Tiềm ẩn bất ổn?

Các chuyên gia tài chính cho rằng, chính sách tín dụng đang được NHNN nới lỏng khi cơ quan này đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2016 lên mức 18-20% so với 15-17% trong năm 2015. Nửa năm đầu, tăng trưởng tín dụng mới tăng trên 8%, dư địa tăng trưởng tín dụng còn nhiều nên đây là cơ hội tốt cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng có thể kéo theo tăng trưởng kinh tế nhưng trong bối cảnh hiện nay, tăng trưởng tín dụng chưa hẳn đã hiệu quả mà còn có thể gây áp lực lên lạm phát. Bởi lẽ, nếu kinh tế chưa ổn, dòng tiền sẽ không đổ vào sản xuất - kinh doanh và lại chảy vào các thị trường như BĐS, chứng khoán, ngoại tệ… sẽ gây áp lực lên lạm phát, tiềm ẩn bất ổn.

 

 Theo NHNN, tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng 8,16%, cao hơn đáng kể so với mức tăng 7,86% của cùng kỳ năm 2015 nhưng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đạt 18% - 20% của cả năm.Tín dụng tiếp tục tập trung vào sản xuất kinh doanh. Tín dụng BĐS và các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát nhưng không ảnh hưởng đến tín dụng BĐS vào dự án nhà ở xã hội, dự án đáp ứng nhu cầu thực của người dân.

 

 Trước những quan ngại về việc tín dụng đổ mạnh vào thị trường BĐS, lãnh đạo HDBank cho rằng, cần phân biệt, vay mua để ở hay đầu tư kinh doanh vì lãi suất cho vay mua nhà để ở thấp hơn so với mua cho thuê hay kinh doanh BĐS. Hiện lãi suất cho khách hàng cá nhân vay mua nhà chỉ trong khoảng 8 - 10%/năm và mức lãi suất này tương đối hợp lý để vay mua nhà. Đại diện Vietinbank cũng cho biết, ngân hàng đã trải qua thời kỳ bong bóng BĐS vài năm trước nên việc kiểm soát rủi ro sẽ chặt hơn. Theo đó, ngân hàng sẽ xem xét các nhu cầu vay mua BĐS để ở hay đầu tư để có phương án lãi suất hợp lý và chỉ cho vay những dự án có chọn lọc.

Nhận định về tín dụng “đổ” vào BĐS, tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng mặt bằng lãi suất thời gian qua tương đối ổn định đã góp phần tăng trưởng tín dụng BĐS. Với bài học từ bong bóng BĐS trong giai đoạn trước, hiện các ngân hàng đang hướng đến đối tượng cá nhân vay mua nhà để ở thay vì đổ vốn ồ ạt vào BĐS để tránh tiếp tục lặp lại nợ xấu cao. “Vấn đề không phải là dư nợ BĐS nhiều hay ít mà là nguồn tín dụng BĐS đầu tư vào đâu? Đầu tư vào các dự án bê trễ mà các ngân hàng không giám sát được dòng vốn đã cho vay trong lĩnh vực BĐS mới là vấn đề đáng lo ngại. Nếu nới lỏng tín dụng cho những công trình xây dựng nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp đang có sức mua tốt thì không lo nhiều về bong bóng tín dụng BĐS. Tuy nhiên, thực tế hiện nay dường như đang có xu hướng phát triển nhanh qua các loại nhà ở cao cấp nên cần phải cảnh báo nguy cơ nếu NHTM tiếp tục đổ vốn vào phân khúc thị trường này”, tiến sĩ Trần Du Lịch khẳng định.

HẠNH NHUNG

Tin cùng chuyên mục