TPHCM và ĐBSCL mời gọi đầu tư 69 dự án trọng điểm

Sáng ngày 1-7, tại TPHCM, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và UBND TPHCM chủ trì “Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Vùng ĐBSCL – TPHCM”.

(SGGPO).- Sáng ngày 1-7, tại TPHCM, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và UBND TPHCM chủ trì “Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Vùng ĐBSCL – TPHCM”.

Hội nghị nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của vùng ĐBSCL và TPHCM, từ đó xúc tiến các hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch; đồng thời tăng cường liên kết và hợp tác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn khu vực.

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, ĐBSCL là châu thổ lớn nhất nước. Hàng năm, ĐBSCL cung cấp trên 50% sản lượng gạo quốc gia, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% lượng trái cây, 40% lượng thủy sản đánh bắt và 74% lượng thủy sản nuôi của cả nước. Năm 2015, ĐBSCL được đầu tư 6 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước với tổng vốn là 2.600 tỷ đồng; 7 dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ với tổng vốn trên 18.000 tỷ đồng; 6 dự án sử dụng vốn ODA với tổng vốn trên 41.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn kêu gọi xã hội hóa và đã hoàn thành 3 dự án với tổng vốn gần 5.000 tỷ đồng; đang triển khai 7 dự án theo hình thức BOT với tổng vốn gần 23.000 tỷ đồng. Đến nay, thu hút được 1.205 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 18 tỷ USD. Hiện vẫn còn những diện tích lớn chưa khai thác phủ kín khu vực Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, Nam sông Hậu và vùng đất mũi Cà Mau.

Bên cạnh đó, TPHCM là đô thị đặc biệt, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, nhận định: “Chương trình Hợp tác kinh tế toàn diện giữa ĐBSCL và TPHCM là hoạt động liên kết kinh tế mở nhằm tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các DN tại vùng kinh tế nông nghiệp lớn nhất Việt Nam. Việc liên kết giữa TPHCM và vùng ĐBSCL, khu vực đóng góp 18,5% GDP cả nước, là định hướng đúng đắn và lâu dài”.

Với chính sách thông thoáng, cởi mở và phương châm xem thành công của các DN là thành công của chính mình, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, khẳng định, chính quyền TPHCM cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong và ngoài nước đến đầu tư, kinh doanh. Chính quyền TPHCM cam kết tiếp tục cùng với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các bộ, ngành trung ương nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Tại hội nghị, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và TPHCM đã giới thiệu 69 dự án trọng điểm mời gọi đầu tư. Hầu hết địa phương tập trung nhiều vào các dự án hạ tầng giao thông, cảng; chú trọng nhất mời gọi đầu tư phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ trong lĩnh vực trồng trọt mà cả trong lĩnh vực thủy sản; mong nhận nhiều đầu tư vào chế biến nông – thủy sản, phát triển các khu thương mại – dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng khách sạn cao cấp, khu du lịch – giải trí. Các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang còn tập trung mời gọi đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế biển. Hai tỉnh An Giang, Long An tiếp tục mời gọi đầu tư vào các khu thương mại – dịch vụ, khu kinh tế cửa khẩu. Quan tâm đến việc tiêu thụ nông sản, tỉnh Hậu Giang mời gọi đầu tư vào chợ nông sản chất lượng cao quy mô đến 100 ha và tỉnh Vĩnh Long mời gọi đầu tư vào Trung tâm giao dịch hàng nông sản Bình Minh trên diện tích 1,1ha.

Thuý Hải

Tin cùng chuyên mục