Tìm hướng đi cho công nghiệp chế biến

Hơn 70% công nghệ sản xuất chế biến lương thực, thực phẩm của TPHCM là lạc hậu. Nhiều chuyên gia cho rằng nên tập trung hỗ trợ những doanh nghiệp (DN) Việt có nội lực mạnh, có khả năng dẫn dắt thị trường, để tạo cơ sở xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm. Sản xuất thực phẩm chế biến tại Xí nghiệp Nam Phong Ảnh: Cao Thăng 10 năm phát triển vẫn phân tán
Tìm hướng đi cho công nghiệp chế biến

Hơn 70% công nghệ sản xuất chế biến lương thực, thực phẩm của TPHCM là lạc hậu. Nhiều chuyên gia cho rằng nên tập trung hỗ trợ những doanh nghiệp (DN) Việt có nội lực mạnh, có khả năng dẫn dắt thị trường, để tạo cơ sở xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm.

Tìm hướng đi cho công nghiệp chế biến ảnh 1

Sản xuất thực phẩm chế biến tại Xí nghiệp Nam Phong Ảnh: Cao Thăng


10 năm phát triển vẫn phân tán

Đề án phát triển ngành chế biến tinh lương thực, thực phẩm đã được triển khai hơn 10 năm. Nhưng đến nay, ngành công nghiệp này vẫn phân tán, manh mún và nhỏ lẻ. Hầu hết các DN hoạt động trong ngành quy mô nhỏ và rất nhỏ, nguồn nguyên liệu sản xuất vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu, dù Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có nguồn nguyên liệu thô phong phú nhất thế giới. Ông Cao Xuân Lực, Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm ABC, cho biết để cải thiện tình trạng này, nhất thiết phải nội địa hóa được nguồn nguyên liệu sản xuất. Hiện nay, khâu yếu nhất là khâu hóa thực phẩm. Khâu này được xem là khâu trung gian nhưng cũng là khâu quyết định tạo nên nguyên liệu thành phẩm. Thực tế sản xuất tại công ty cho thấy, nguyên liệu bột mì, bột gạo hoàn toàn có thể chủ động sử dụng nguồn trong nước, nhưng từ bột gạo, bột mì chuyển hóa thành nguyên liệu sản xuất bánh các loại thì phải cộng với hóa thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài.

Cũng theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Kỹ nghệ súc sản (Vissan), cho biết công nghệ chế biến tinh lương thực thực phẩm nước ta rất lạc hậu, DN yếu về vốn lẫn trình độ quản lý, nguồn nhân lực. Vì vậy, nên thay đổi cách hỗ trợ, thay vì dàn đều chính sách hỗ trợ mỗi DN một ít nên chuyển thành hỗ trợ vốn tập trung cho những DN có nội lực mạnh, có khả năng cạnh tranh với DN có vốn đầu tư nước ngoài, hoặc sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao với sản phẩm ngoại nhập, đặc biệt, có khả năng dẫn dắt được thị trường. Có như vậy, mới tạo được thế mạnh mũi nhọn tiên phong, giải quyết được tình thế bế tắc trong phát triển ngành hiện nay. Riêng với TPHCM, vùng nguyên liệu không phải là lợi thế, bởi nguồn nguyên liệu phải sản xuất từ các vùng lân cận. Như vậy, để giải quyết được vấn đề này, cần tổ chức liên kết ngang theo vùng và liên kết dọc theo ngành. Có nghĩa là xây dựng TPHCM thành khu vực chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, tác động trở lại các vùng sản xuất nguyên liệu, đưa ra những sản phẩm đạt yêu cầu thị trường cần. Thông qua đó, thúc đẩy đầu tư khoa học, kỹ thuật cho sản xuất, đầu tư hàm lượng cao hơn; thúc đẩy sản xuất có địa chỉ, có truy xuất nguồn gốc tại các vùng nguyên liệu và kết nối tương tác lại với TPHCM. Đó mới chính là sự phát triển theo “chuỗi cung ứng thực phẩm” đúng nghĩa.

Liên kết để tồn tại

Không thể phủ nhận những đóng góp mà số đông DN nhỏ đã tham gia, trong quá trình phát triển ngành chế biến tinh lương thực, thực phẩm nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu và thị trường dự báo sẽ cạnh tranh khốc liệt thời gian tới, để giảm thiểu tối đa những bất lợi về mình, DN có quy mô sản xuất nhỏ nên liên kết lại dưới dạng hình thức hợp tác xã kiểu mới. Đơn cử như mô hình thịt sạch tại huyện Củ Chi, Hóc Môn hay kết nối mô hình doanh nghiệp chế biến với doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu thô của Công ty Thực phẩm ABC… Vấn đề là cơ quan chức năng có trách nhiệm trong việc kiến tạo các mô hình liên kết kiểu mới này và nhân rộng trong toàn ngành. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm cho từng mô hình để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm cung ứng.

Có một thực tế phải thừa nhận, nguồn lực để hỗ trợ cho các DN nhỏ từ phía nhà nước không thể và cũng không đủ đáp ứng hết nhu cầu để DN tái cơ cấu, phát triển. Bản thân DN không còn nhiều thời gian để tích lũy đủ vốn cải thiện hiện trạng sản xuất, khi hội nhập đã “vào nhà”. Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh cấp bách hiện nay, chúng ta cần thiết phải xác định trọng điểm của ngành trọng điểm. Theo đó, phải xếp thứ hạng ưu tiên hỗ trợ phát triển. Cụ thể, ưu tiên một phải dành cho ngành nông nghiệp thành phố. Kế đến là  ngành công nghiệp chế biến tinh lương thực, thực phẩm và công nghiệp thực phẩm sản xuất sản phẩm trung gian. Sau đó là các ngành cơ khí chế tạo máy móc, thiết bị cho nông nghiệp và công nghiệp chế biến… Trong điều kiện còn khó khăn về nguồn vốn hỗ trợ đổi mới công nghệ, nên chăng cần chia nhỏ  hỗ trợ theo từng giai đoạn. Giai đoạn 2016-2018 tập trung hỗ trợ cho các dự án nông nghiệp, chế biến tinh lương thực, thực phẩm; sản xuất máy móc thiết bị nông nghiệp và chế biến, giết mổ. Giai đoạn 2019-2020 tập trung cho các dự án sản xuất phụ gia thực phẩm, hương liệu, thiết bị lọc khuẩn, lọc nước. Giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ cho các máy móc dây chuyền đóng gói tự động, bao bì cao cấp. Song song với những phân đoạn hỗ trợ trên sẽ đi kèm nhiều hoạt động xúc tiến, nâng cao đào tạo nguồn nhân lực và đặc biệt xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia. Có như vậy mới tạo được bước đột phá nhanh cho phát triển ngành chế biến lương thực, thực phẩm hiện nay.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục