Đầu năm xông đất doanh nghiệp

Không chỉ là mở đầu một năm mới, Xuân Bính Thân 2016 còn đánh dấu thời điểm Việt Nam bước vào sân chơi lớn, hội nhập sâu trên trường quốc tế. Đứng trước thời cơ và thách thức, các doanh nghiệp Việt cũng đã chuẩn bị tâm thế và hoạch định chiến lược để phát triển.
Đầu năm xông đất doanh nghiệp

Không chỉ là mở đầu một năm mới, Xuân Bính Thân 2016 còn đánh dấu thời điểm Việt Nam bước vào sân chơi lớn, hội nhập sâu trên trường quốc tế. Đứng trước thời cơ và thách thức, các doanh nghiệp Việt cũng đã chuẩn bị tâm thế và hoạch định chiến lược để phát triển.

Ông NGUYỄN LÂM VIÊN, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Vinamit: Cơ hội chỉ đến nếu biết liên kết

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở ra cơ hội cho nền kinh tế phát triển, đời sống người dân được cải thiện, tay nghề lực lượng lao động được nâng lên; các doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thêm thị trường rộng lớn ở các nước thành viên, nhưng song hành với điều đó là việc xuất hiện các thách thức. Hạn chế của chúng ta là sản xuất nhỏ lẻ, mạnh về số lượng, yếu về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, DN chủ yếu là vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nên nguồn lực còn hạn chế; nhưng có thể nói, cái yếu lớn nhất của các DN là khả năng liên kết, trong khi TPP hiệu lực, liên kết lại là điều đầu tiên mà DN phải tính đến nếu muốn tương tác với DN nước ngoài để tham gia vào chuỗi giá trị một ngành hàng nào đó. Phải biết rõ các khiếm khuyết và khắc phục cho được thì mới có thể vượt qua thách thức để khai thác cơ hội mà TPP mang đến.

Bên cạnh đó, DN phải có đủ năng lực trong việc tham gia đàm phán, năng lực cung ứng cũng như khả năng về ứng dụng khoa học công nghệ để giúp tối ưu hóa về mặt giá thành sản phẩm tạo ra, mới có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu làm ra sản phẩm không đạt yêu cầu hay giá thành cao, làm sao có thể tham gia chuỗi cung ứng. Ngược lại, nếu khả năng đàm phán yếu, giá bán sẽ bị ép xuống thấp. Như vậy có thể nói, để chạm được cơ hội mà TPP tạo ra là mở rộng thị trường, đầu tiên DN hãy nghĩ đến chuyện liên kết, ý thức được tầm quan trọng của chuỗi giá trị và có đủ năng lực để tạo ra sản phẩm phù hợp và khác biệt, mới có thể trụ vững trong nước và vị thế trong khối TPP.      

Với Vinamit là tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chế biến để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, dựa trên nền tảng là sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Nhiều người nói về cánh đồng lớn để làm nông nghiệp đại quy mô, nhưng điều này khó có thể nhân rộng khi tiềm lực cả về đất đai, năng lực DN đều không có nhiều, nên rủi ro là điều có thể thấy. Vì vậy, Vinamit tìm hướng đi riêng và thị trường ngách để đứng vững và phát triển, qua đó chứng minh là Việt Nam có sản phẩm hữu cơ (organic) để đáp ứng nhu cầu và khuynh hướng này đang lớn dần. 

Ông LÊ QUANG HÙNG, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Garmex Sài Gòn: Nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm dệt may Việt Nam

Năm 2016, công ty đã đưa ra mục tiêu chiến lược là xây dựng nền tảng vững chắc để “tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, vươn lên tốp đầu”. Để thực hiện mục tiêu trên, công ty đã đề ra 3 chương trình trọng tâm. Một là thực hiện nâng cao năng lực sản xuất theo hướng “thâm dụng đầu tư thay cho thâm dụng lao động”. Theo đó, tập trung phát huy tối ưu nguồn lực nhà xưởng sẵn có, giảm thiểu đầu tư mở rộng; phấn đấu đến 2018, lắp đầy nhà xưởng với hơn 90 chuyền may. Bên cạnh đó là chuyển đổi chiến lược sản phẩm trên cơ sở phát huy sở trường, kỹ năng lao động từng vùng. Cụ thể, khu vực TPHCM và Vũng Tàu sản xuất các mặt hàng hàm lượng kỹ thuật phức tạp, nguyên liệu có giá trị cao, giảm thiểu lệ thuộc thâm dụng lao động và nguồn cung nguyên phụ liệu. Nhà máy Quảng Nam sản xuất mặt hàng đơn giản, số lượng lớn để duy trì ổn định doanh thu, dòng tiền và phù hợp trình độ quản lý, kỹ năng, chi phí lao động tại chỗ. Kế đến là phát triển phương thức FOB (tự chủ nguyên phụ liệu) rồi ODM (tự thiết kế, sản xuất) và thậm chí là cả OBM (làm tất cả các khâu sản xuất ra thành phẩm và tự phân phối).

Hiện công ty vừa triển khai thành công việc nhượng quyền một thương hiệu tại thị trường Mỹ chuyên hàng thể thao, có hệ thống phân phối ở 7 tiểu bang và online trên mạng Amazon; qua đó tạo chuỗi sản xuất kinh doanh khép kín từ khâu thiết kế, phát triển mẫu đến phân phối vào các đại lý, siêu thị. Phương thức này sẽ giúp công ty giảm thiểu sự lệ thuộc nguồn cung do tự thiết kế, phát triển; chủ động hoạch định chiến lược sản xuất, giảm thiểu rủi ro “mùa vụ”, tạo ổn định nguồn hàng và kéo dài biên lợi nhuận. Về lâu dài, thương hiệu này có thể sẽ thâm nhập vào các thị trường khác như Úc, Nga và Việt Nam. Mục tiêu đến 2018, phấn đấu đạt doanh thu 15 triệu USD, chiếm 10% doanh thu toàn công ty. Cuối cùng là nâng cao tính chuyên nghiệp của bộ máy quản trị và điều hành để đáp ứng yêu cầu phát triển công ty, trong đó xem trọng quản trị rủi ro.

Ông PHAN THÀNH HUY, Tổng Giám đốc Novaland: Thời cơ lớn, thách thức nhiều

Bước vào năm mới 2016, chúng ta tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, trong đó hội nhập kinh tế đặc biệt quan trọng. Đáng chú ý là quá trình thực hiện các cam kết trong cộng đồng ASEAN, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Ở lĩnh vực đầu tư bất động sản, tôi cho rằng thị trường vẫn tiếp tục đà tăng trưởng tốt. Giai đoạn khó khăn nhất của thị trường trong gần 10 năm trở lại đây rơi vào những năm 2012-2013 đã đi qua, những DN đã tồn tại và phát triển tốt, vượt qua giai đoạn khó khăn nói trên không lý gì không phát triển tốt hơn trong giai đoạn hiện nay. Khi nền kinh tế chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng như nói trên sẽ mở ra thời cơ lớn cho bất động sản. Theo đó, dòng tiền vào nền kinh tế nhiều hơn, đầu tư FDI nhiều hơn, thị trường thứ cấp cho thuê, nhu cầu kho bãi, nhà ở… cũng tăng lên khi giới đầu tư vào nước ta làm ăn tăng lên. Mức sống của người dân trong nước tăng lên đòi hỏi chất lượng sống, trong đó có chất lượng về chỗ ở cũng tăng lên… Tuy nhiên, thị trường cũng đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn, buộc DN phải chuyên nghiệp hơn, đủ năng lực về tài chính cũng như chuyên môn nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, giá cả lại cạnh tranh; tạo ra những khu đô thị có môi trường sống tốt, đầy đủ tiện ích, thuận lợi giao thông, giá trị gia tăng cao…

Bản thân DN chúng tôi, năm 2016 chúng tôi tiếp tục đưa ra thị trường 4.000 sản phẩm mới, trong đó có hai dự án mới nhà phố và biệt thự tại quận 2 và quận 8. Đây là hai “phân khúc” mới, vì trước nay phần lớn chúng tôi triển khai dự án căn hộ. Năm 2016, thời cơ nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn, tuy nhiên với niềm tin khách hàng dành cho Novaland trong thời gian qua, chúng tôi cố gắng làm tốt hơn nữa về chất lượng, tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Tôi tin Novaland tiếp tục được thị trường đón nhận, khách hàng ủng hộ.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Tin cùng chuyên mục