Cần giải thể nhanh những doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ

Sáng 22-10, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội năm 2016 và kế hoạch năm 2017; Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; báo cáo về việc khắc phục sự cố ô nhiễm môi  trường biển. Đa phần ý kiến ĐBQH quan tâm đến Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Cần giải thể nhanh những doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ

(SGGPO). – Sáng 22-10, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội năm 2016 và kế hoạch năm 2017; Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; báo cáo về việc khắc phục sự cố ô nhiễm môi  trường biển. Đa phần ý kiến ĐBQH quan tâm đến Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Về tình hình kinh tế xã hội năm 2016, theo đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân (TPHCM) năm 2016 kinh tế thế giới phục hồi chậm (tăng trưởng chỉ 3,1%). Trong khi đó, trong nước có nhiều tác động bất lợi nhưng kết quả tăng trưởng đạt 5,93% trong 9 tháng qua là tích cực. Nếu năm nay tăng trưởng khoảng 6,3% là chấp nhận được. Cùng với đó, lạm phát kiềm chế khoảng 4%. Nhập siêu đã được cải thiện. Trong khi đó, ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) cho rằng, để khắc phục nợ công chạm ngưỡng cần đột phá trong quản lý đầu tư, chi tiêu. Trong đó khắc phục lãng phí trong đầu tư phải được quan tâm hàng đầu.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu

Cần tránh tình trạng doanh nghiệp nhà nước “chết rồi mà không chôn”

Về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, ĐB Trần Hoàng Ngân đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc của Chính phủ. Chính phủ đã thể hiện quyết tâm rất cao trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng có kết quả một cách thực chất. Kết quả tái cơ cấu giai đoạn vừa qua ông Ngân cho rằng quan trọng nhất là chúng ta đã bảo đảm kinh tế vĩ mô ổn định mặc dù giai đoạn vừa qua có nhiều biến động. Tuy nhiên, cần thấy rõ chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài như chưa mong đợi, bên cạnh đó đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng (ô nhiễm môi trường, chuyển giá). Thâm hụt ngân sách vẫn cao dẫn đến nợ công tăng cao, trong đó nợ Chính phủ đã vượt trần. ĐB Trần Hoàng Ngân đồng ý nới trần cho nợ Chính phủ để tạo điều kiện cho Chính phủ mới hoạt động, điều hành, tuy nhiên cần kiên quyết giữ trần nợ công là 65%.

Vẫn theo ông Trần Hoàng Ngân,  việc giảm đầu tư công là theo định hướng, nhưng mong đợi của chúng ta là  giảm nợ công khu vực tư nhân mạnh lên thì lại không đạt, trong khi khu vực FDI lại tăng nhiều. Vì thế, định hướng tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn tới phải đẩy mạnh phát  triển kinh tế tư nhân, nhà nước không cần nắm giữ những lĩnh vực mà tư nhân có thể  làm. Cần giải thể nhanh những doanh nghiệp nhà nước (DNNN), những khu vực kinh tế nhà nước làm ăn thua lỗ. 

ĐB Huỳnh Thành Đạt (TPHCM) cũng cho rằng, phải đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, quyết liệt thoái vốn những lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ để lấy vốn đầu tư cho phát triển, bởi đây là nguồn vốn lớn, đồng thời để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. “Cần cho phá sản những DNNN làm ăn thua lỗ kéo dài, dù đau nhưng phải kiên quyết, tránh tình trạng chết rồi mà không chôn”, ĐB Huỳnh Thành Đạt nói.

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt phát biểu

Cần có những doanh nghiệp đầu đàn, đô thị đầu đàn, sản phẩm chủ lực

ĐB Phạm Phú Quốc (TPHCM) cũng cho rằng, tái cơ cấu kinh tế giai đoạn vừa qua chưa có sự thay đổi căn bản về mô hình tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng chưa nhanh, bền vững, thực chất. Vì vậy, tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 phải bảo đảm được yêu cầu này. Từ bài học rơi vào bẫy thu nhập trung bình của các nước, Việt Nam cần vạch ra được kế hoạch, lộ trình tái cơ cấu cụ thể không đi vào vết xe đổ này. “Tái cơ cấu kinh tế phải bảo đảm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, vì vậy bên cạnh vấn đề tăng trưởng phải tính đến vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng sạch cho người dân”, ông Quốc nêu.

Vẫn theo ĐB Phạm Phú Quốc, cần có cơ chế khuyến khích để các tập đoàn, doanh nghiệp lớn phát triển, phải có tập đoàn đầu đàn, tạo sự lan tỏa. Còn nếu thiếu vắng các doanh nghiệp đầu đàn, thành lập ồ ạt các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì nền kinh tế không thể mạnh lên. Nên thành lập ủy ban quản lý vốn của các DNNN; ở địa phương cũng phải thành lập. Mục tiêu là để quốc  gia ít nhất cũng có 2-3 tập đoàn lớn mạnh.

Tương tự, ĐB Phạm Phú Quốc cũng cho rằng, Việt Nam chưa có đô thị nào phát triển thực sự mạnh, trở thành đòn bẩy đối với các địa phương khác. 63 tỉnh thành như 63 đứa con, nguồn lực nhà nước không thể đầu tư dàn đều, phải có sự đầu tư trọng điểm để tạo một số trung tâm kinh tế-tài chính lớn,  là nơi tạo đòn bẩy, sức lan tỏa phát triển cho các vùng khác, tỉnh thành khác. “Cần tính toán vấn đề phân cấp, phân quyền ra sao để phát triển một số đô thị lớn ở Việt Nam, là trung tâm của khởi nghiệp quốc gia”, ĐB Phạm Phú Quốc nêu.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần xác định ngành nghề trọng điểm của mình, là kinh tế biển, là du lịch hay ngành gì, cần xác định Việt Nam không thể cạnh tranh về công nghiệp. “Tóm lại, tôi cho rằng tái cấu trúc nền kinh tế phải xác định, xây dựng được một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn; một số đô thị phát triển; ngành nghề, sản phẩm chủ lực của  Việt Nam nhằm cạnh tranh với thế giới”, ĐB Phạm Phú Quốc nhấn mạnh.

 

 Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng

Cao tốc Bắc Nam chỉ làm những đoạn có lưu lượng đông thì làm trước, ví dụ Hà Nội-Vinh, TPHCM -Nha Trang, từ nay đến năm 2020 chỉ cần làm 2 đoạn đó. Nhưng lại phải quan tâm đến cao tốc TPHCM-Tuy Hòa (Phú Yên); cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ.

Tương tự, đường sắt cao tốc cũng chỉ nên làm trước 2 đoạn Hà Nội-Vinh; TPHCM-Nha Trang. Cùng với đó phải quan tâm đến đường sắt đô thị. Làm hạ tầng thì phải có kết nối vùng, cả kết nối cứng và mềm, muốn thế phải hoàn thiện thể chế chính sách, vì hiện nay hiệu quả kết nối chưa cao.

 

Tán thành ý kiến ĐB Phạm Phú Quốc, ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) cho rằng, phải có đột phá trong tái cơ cấu đầu cư công. Phải tập trung đầu tư, phát triển một vài đô thị thực sự phát triển mạnh để tạo sức lan tỏa, là bệ đỡ cho sự phát triển của cả một vùng cũng như cả nước. Không thể đầu tư dàn trải cho tất cả các địa phương.

ĐB Võ Trọng Việt (Lạng Sơn) cho rằng, tái cơ cấu kinh tế phải làm bài bản. Ví dụ, tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì phải khảo sát, điều tra cả nước chỗ nào cần tái cơ cấu, chỗ nào nên chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu vì hiện vẫn chưa dồn điền đổi thửa xong.

ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng phải thay đổi tư duy trong hoạt động quản lý, điều hành để có thể thực sự tái cơ cấu nền kinh tế. Ông Tiến phân tích, kết quả thực hiện cổ phần hoá DNNN là hết sức chậm, khó khăn. Trong khi đó, nhiệm vụ này được đốc thúc rất găng trong nhiệm kỳ trước, thậm chí đã có chỉ đạo “nơi nào làm chậm thì người đứng đầu bộ, ngành đơn vị phải chịu trách nhiệm, sẽ… mất chức. “Nhưng đã hết khoá rồi, việc chậm thì đã rõ mà vẫn chẳng thấy ai mất chức cả. Chuyển sang khoá này có khi tư duy lại khác rồi. Giờ Chính phủ đang đề ra mục tiêu trọng tâm là liêm chính, sáng tạo chứ không đả động gì tới cổ hần hoá nữa. Câu chuyện vỡ trận tại Vinashin sẽ còn mãi” – đại biểu Hà Nam cảnh báo.

Còn với môi trường cho doanh nghiệp tư nhân hoạt động theo ông Phùng Đức Tiến “tham nhũng là gánh nặng khủng khiếp”. “Để ký được một văn bản chấp nhận một chủ trương, dự án, doanh nghiệp trước hết phải qua “ông” chuyên viên, qua chuyên viên xong đến “ông” vụ phó, qua vụ phó rồi mới tới “cửa” vụ trưởng, rồi qua vụ trưởng mới đến được chỗ Thứ trưởng. Con đường qua rất nhiều nhiêu khâu lòng vòng như thế đã đủ sức làm nản lòng bất cứ doanh nghiệp nào”, ĐB Tiến nêu.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục